Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong quý 1, lực lượng liên ngành (Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông) đã tiến hành kiểm tra 155.043 xe, trong đó 9.784 xe vi phạm về tải trọng.
Ông Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, lực lượng tại các trạm kiểm tra tải trọng xe và Thanh tra các Sở Giao thông Vận tải sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 155.043 xe, trong đó 9.784 xe vi phạm về tải trọng, 743 xe vi phạm về kích thước thùng hàng, tước 3.291 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 73 tỷ đồng.
Theo ông Dũng, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện tiếp tục được thực hiện quyết liệt trên cả nước, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân 2016.
“So với quý 1/2015, công tác kiểm soát tải trọng xe đạt được kết quả tốt hơn, số xe vi phạm tiếp tục giảm (quý 1/2015, các lực lượng đã kiểm tra 138.108 xe, trong đó có 12.138 xe vi phạm). Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các chủ xe, lái xe lợi dụng dịp nghỉ Tết Nguyên đán, các lực lượng chức năng tập trung cho nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để chở hàng quá tải, lưu thông qua một số địa phương,” ông Dũng cho biết.
Ngoài ra, trong quý 1, qua theo dõi và phản ánh của người dân về đường dây nóng của Tổng cục Đường bộ, các địa phương làm tốt công tác kiểm soát tải trọng xe là Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Đăk Nông, Bình Thuận.
Bên cạnh đó, một số địa phương có kết quả chưa tốt, theo phản ánh về đường dây nóng của Tổng cục Đường bộ, vẫn còn xe quá tải lưu thông trên địa bàn xe hết niên hạn sử dụng, chở mía quá tải lưu thông trên Quốc lộ 6, 4G, tỉnh Sơn La, xe hết niên hạn lưu thông trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; xe chở vật liệu xây dựng quá tải (đặc biệt vào ban đêm) lưu thông trên Quốc lộ 4A, tỉnh Cao Bằng, trên Quốc lộ 32, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 21B địa phận thành phố Hà Nội; xe chở hàng quá tải lưu thông trên Quốc lộ 19, 25 địa bàn tỉnh Gia Lai, ra Quốc lộ 1 đến Cảng Quy Nhơn, Bình Định…
Đặc biệt, ông Dũng cũng cho biết, tại khu vực Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh có một số Cảng như Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn và một số Cảng khác, cán bộ, nhân viên của các bộ phận làm nhiệm vụ giao, nhận hàng và kiểm soát tải trọng xe của Cảng lúng túng trong việc kiểm soát tải trọng xe, trong đó có cả xe quá khổ, quá tải, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng ra, vào Cảng để giao, nhận hàng.
Điển hình là vụ việc 03 xe đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc chở hàng siêu trường, siêu trọng, không có Giấy phép lưu hành xuất phát từ Cảng Hải Phòng đi tránh trạm kiểm soát tải trọng lưu động Hải Phòng, sau đó đi qua trạm tải trọngTC028 trên Quốc lộ 10, tỉnh Thái Bình, sau đó đã bị lực lượng Thanh tra giao thông tỉnh Nam Định phát hiện và xử lý.
Để “siết” tải trọng xe trong thời gian tới, Tổng cục Đường bộ phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng Cảnh sát khác thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát tải trọng xe tại các trạm cân, nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý vi phạm, đảm bảo số xe vi phạm trong số xe dừng cân kiểm tra đạt tỷ lệ cao, hạn chế đến mức thấp nhất việc dừng các xe không vi phạm, gây lãng phí thời gian, tâm lý bức xúc cho chủ xe, lái xe.
“Các đơn vị lập kế hoạch thanh kiểm tra đột xuất, tập trung tại các đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng, trên các tuyến giao thông; kiểm tra hành vi vi phạm về tải trọng phương tiện và kích thước thành thùng xe; kiểm tra các phương tiện chở vật tư, vật liệu xây dựng lưu thông vào ban đêm; các phương tiện hết niên hạn sử dụng, phương tiện mang Biển kiểm soát quân đội giả; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định,” ông Dũng cho hay./.
Tính riêng trong tháng Ba vừa qua, lực lượng liên ngành đã tiến hành kiểm tra 57.965 xe, trong đó 4.215 xe vi phạm về tải trọng, 308 xe vi phạm về kích thước thùng hàng, tước 1.530 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 26,6 tỷ đồng.