Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2015 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam vào sáng nay (14/1), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng chỉ ra thực tế, mặc dù lượng xe quá tải đã giảm 91% nhưng việc “dẹp loạn” 9% còn lại rất khó vì nhiều nguyên nhân, đặc biệt trong đó là công tác phối hợp giữa Tổng cục Đường bộ và các địa phương, sự phối hợp giữa các địa phương với nhau chưa tốt.
"Dẹp" hết xe quá tải trong năm 2016
“Xe quá tải vẫn đi lông nhông ngoài đường. Xe lọt qua đến 5 tỉnh (Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị) mà không bị bắt, phải đến Hà Tĩnh mới bị xử lý thì đây là vấn đề nghiêm trọng trong công tác phối hợp. Hay nguyên nhân là do xe ‘vua’, xe có ‘chỗ dựa’ nên không sợ lực lượng chức năng?,” Bộ trưởng đặt câu hỏi.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành giao thông cũng chỉ ra tồn tại của ngành đường bộ đó là cập nhật thông tin chậm. Các đơn vị của Tổng cục như Cục quản lý đường bộ, Chi cục quản lý đường bộ được giao bám sát địa phương, nắm các tuyến đường nhưng không nắm được, thông tin không chuẩn, còn tù mù.
“Tôi toàn nhận qua thông tin báo chí, tin nhắn, hầu như Tổng cục không chủ động trong thông tin. Truyền thống của ngành sống bám cầu, bám đường mà không bám được. Không yêu những cây cầu, con đường thì khi nó hỏng có nghĩa là trách nhiệm, vai trò trong kiểm tra, kiểm soát của người lãnh đạo. Làm lãnh đạo phải chấp nhận hy sinh. Cứ sáng cắp ô, tối đi về hay thứ Bảy, Chủ nhật cũng nghỉ thì sao biết được nó thế nào và kịp thời xử lý. Nếu chúng ta làm tốt, thì sẽ giữ được đường, cầu,” Bộ trưởng Đinh La Thăng quả quyết.
Liên quan đến vấn đề xe quá tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu năm 2016 dứt khoát phải đặt ra mục tiêu hết xe quá tải. Khu vực nào còn để đường xấu, xe quá tải thì chỉ xử lý cán bộ các Cục trưởng, Chi cục trưởng quản lý đường bộ.
"7 giờ 30 tôi gọi, chả ai nghe"
“Tôi biết là xử lý 9% số xe quá tải còn lại rất khó nhưng không thể không làm. Chúng ta phải trong sáng và minh bạch để làm, phối hợp với lực lượng Công an để xử lý. Chúng ta không viển vông, không hứa hão với nhân dân bởi Đảng và Nhà nước đã ghi nhận những thành tích của chúng ta thì phải làm bằng được,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành Giao thông Vận tải cũng yêu cầu người lãnh đạo cần phải có sự nhạy cảm trong công việc, thể hiện sự quan tâm, biết đau với nỗi đau người dân và chia sẻ với người dân.
“Lãnh đạo phải dậy sớm, bản tin an toàn giao thông phát lúc 6 giờ 45 thì phải dậy để nắm bắt được thông tin phản ánh qua báo chí đồng thời có những chỉ đạo sát sao, kịp thời. Nhiều lúc, tôi gọi lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải lúc 7 giờ 30 mà chả thấy ai nghe máy. Lãnh đạo phải chia sẻ với nỗi đau, cùng nhịp đập của người dân và doanh nghiệp,” Bộ trưởng nói.
Đồng tình quan điểm này, đại diện các Sở Giao thông Vận tải địa phương cho rằng, dù đã huy động tổng lực các đơn vị liên ngành nhưng vấn đề kiểm soát tải trọng xe không hề đơn giản.
Ông Võ Văn Văn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Gia Lai cho rằng, việc ký cam kết tại các nơi bốc xếp hàng chỉ mang tính chất hình thức.
“Mặc dù biết được xe chở hàng quá tải đi từ nhà máy nào ra nhưng khi chúng tôi xuống tận nhà máy đó họ bảo không biết ký cam kết nào. Thậm chí, hẹn xuống gặp lãnh đạo nhà máy thì khi xuống giám đốc doanh nghiệp lại không có ở đấy,” ông Văn cho hay.
Bổ sung thêm, đại diện Sở Giao thông Vận tải Bình Phước quả quyết luôn việc coi xe quá tải là giặc.
“Tỉnh Bình Phước đã tìm đủ mọi biện pháp trong đó huy động từ lực lượng liên nganh đến công an xã viên để kiểm soát xe quá tải trên các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ. Công an xã không có chức năng dừng phương tiện. Tuy nhiên, tỉnh có thông báo về địa phương cho phép lực lượng này tạm giữ và điện thoại cho cơ quan chức năng xử lý,” vị đại diện Sở Giao thông Vận tải Bình Phước đưa ra kinh nghiệm đặc trị xe quá tải./.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, lực lượng liên ngành chỉ đạo, tổ chức kiểm soát tải trọng xe 24/24 giờ và 7/7 ngày trong tuần tại các trạm cân xe; tổ chức đợt cao điểm xử lý xe quá tải trong hai tháng cuối năm theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải.
Các trạm kiểm tra tải trọng xe trên cả nước đã kiểm tra 635.351 xe, phát hiện, xử lý 50.863 xe vi phạm; tước 20.289 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc gần 345 tỷ đồng; lượng xe vi phạm vượt tải trọng trên 100% đã giảm cơ bản, chủ yếu còn các xe vi phạm vượt tải thấp từ 30-50% trở xuống.