Qua chín tháng vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Bộ, ban ngành và địa phương “siết” xe quá tải bằng trạm cân lưu động, theo đánh giá của cơ quan chức năng, số lượng xe quá tải giảm nhiều nhưng vẫn ở mức cao. Tại nhiều địa phương còn diễn biến phức tạp.
Đại diện nhiều tỉnh thành cũng cam kết sẽ vào cuộc quyết liệt bởi “siết” xe quá tải là cuộc chiến lâu dài, cần sự đồng thuận của chính quyền và người dân.
Không bảo kê, dung túng vi phạm
Tại Hội nghị Sơ kết Kế hoạch số 12593 liên Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an về kiểm soát tải trọng xe vào sáng nay (24/12), thẳng thắng nhìn nhận tình trạng xe quá tải vẫn chưa thể xử lý dứt điểm, đại diện cơ quan chức năng chỉ ra nguyên nhân là do một số doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, lái xe còn chạy theo lợi nhuận, ngang nhiên vi phạm, tự ý cải tạo cơi nới thùng xe để chở hàng quá tải, tình trạng xe ôtô “né” trạm, chống đối lại lực lượng thực thi nhiệm vụ. Cá biệt, có hiện tượng móc nối, làm luật, bảo kê xe quá tải, "cò", môi giới dẫn xe hoạt động xung quanh trạm cân lưu động…
Dưới góc độ đại diện cho các doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, để ngăn chặn vấn nạn xe quá tải, liên bộ đã phối hơp rất chặt chẽ bằng nhiều biện pháp. Các doanh nghiệp kinh doanh đúng đắn rất mong siết chặt để đảm bảo công bằng, chi phí tiêu cực giảm, giải quyết tận gốc hiện trạng xe quá tải để minh bạch thị trường, đưa giá cước về đúng giá trị thực.
“Hiệp hội xác định vấn nạn xe quá tải không dễ vì tồn tại gần 30 năm. Dù đã có nhiều cuộc ra quân nhưng vẫn không hết. Nghiêm trọng hơn, có nhiều đoàn xe vua nghênh ngang, tại nhiều địa phương đã hình thành nhóm lợi ích để chống đối hoặc lực lượng thực thi công vụ nhận tiền ‘mãi lộ’ tiếp tay cho xe quá tải vượt trạm cân,” ông Thanh đánh giá.
Thực tế vi hành kiểm tra tại Hà Tĩnh, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, Hà Tĩnh là một trong nhưng tỉnh buông lỏng để xe quá tải hoành hành, ngang nhiên vi phạm. Ngay tại đường vào Khu công nghiệp Vũng Áng, Quốc lộ 12, hiện tượng xe quá tải rồng rắn thành đoàn đi công khai mà không thấy lực lượng chức năng xử lý.
Báo cáo tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Trọng Phượng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng cho biết, tình trạng chở quá tải trên địa bàn đã giảm đáng kể dù địa phương có số lượng xe lớn với nhiều tuyến Quốc lộ huyết mạch đi qua.
Tuy nhiên, Đại tá Phượng cũng thừa nhận, tỉnh chỉ có 1 trạm cân lưu động nhưng địa bàn lại rộng với hệ thống Quốc lộ 5, 10, chiều dài cảng biển lên tới 10km nên nhiều lái xe chưa chấp hành, tìm mọi cách “né” kiểm soát tải trọng.
“Lực lượng đặt trạm tại Quốc lộ 5 thì chỉ kiểm tra được một chiều, còn chuyển trạm cân về Quốc lộ 10 thì xe lại đi Quốc lộ 5. Nhiều xe đi theo thành đoàn, lợi dụng trời mưa, thay ca để vượt trạm,” Đại tá Phượng chỉ ra bất cập.
Xác định việc kiểm soát trọng tải là việc làm cần thiết, duy trì thường xuyên, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị các địa phương tiếp tục kiểm soát bằng nhiều biện pháp như trạm cân, cân xách tay, đo trực tiếp khối lượng tại nguồn hàng, kiểm tra kích thước thùng xe, công khai minh bạch lực lượng thực thi công vụ, không có bảo kê, xử lý đối tượng cò mồi…
“Cuộc chiến xe quá tải cần có sự vào cuộc quyết liệt của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh thành để không bảo kê, dung túng cho các trường hợp vi phạm,” Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.
Quy trách nhiệm địa phương để “lọt” xe quá tải
Đưa ra các biện pháp thắt chặt tình trạng xe quá tải, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần tổ chức sàn giao dịch vận tải hàng hóa để giá cước minh bạch; có chế tài xử lý liên quan đến chủ hàng, nơi xếp dỡ cố tình chở quá tải đồng thời nâng cao mức phạt hơn nữa với chủ vận tải vì chỉ 6-7 triệu/lần thì chưa đủ sức răn đe, tăng cường tuyên truyền, dựa vào dân để phát hiện và ngăn xe quá tải.
“Hiện nay Tổng cục Đường bộ Việt Nam có 5 đường dây nóng nhưng xe vi phạm mà phản ánh thì xa quá, việc ‘điều binh khiển tướng’ không kịp. Do đó, các Chủ tịch tỉnh phải vào cuộc hơn nữa. Các đơn vị quản lý cần nghiên cứu lắp đặt thiết bị giám sát tải trọng truyền về cơ sở dữ liệu để xe chở quá tải ở đâu là phát hiện ra ngay, tránh tình trạng xe chở từ tình này qua vài tỉnh khác mới bị phát hiện,” ông Thanh kiến nghị.
Đồng tình quan điểm này, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho hay, giữa các địa phương cần có quy chế phối hợp và quy trách nhiệm địa phương quản lý nếu để "lọt" xe quá tải.
Tại hội nghị, đại diện nhiều tỉnh thành cũng cam kết sẽ vào cuộc quyết liệt bởi “siết” xe quá tải là cuộc chiến lâu dài nên cần có đầy đủ các lực lượng đồng thời phân công trách nhiệm rõ ràng của tổ công tác tại trạm, có sự hỗ trợ, giám sát lẫn nhau trong khi làm, bố trí thêm các trạm cân lưu động để kiểm soát chặt chẽ.
Khẳng định tồn tại về xe quá tải là một phần trách nhiệm của hai Bộ Giao thông Vận tải và Công an, theo Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, lực lượng tuần tra, kiểm soát còn mỏng, trong khi việc kiểm tra trọng tải hết sức phức tạp.
Nhấn mạnh trong vấn đề an toàn giao thông, yếu tố con người là số một, trong đó có những người tham gia giao thông, người thi hành nhiệm vụ và người lãnh đạo, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho rằng, lãnh đạo địa phương phải trực tiếp ra đường chỉ đạo, ít nhất Phó Giám đốc công an, Sở Giao thông Vận tải phải ra đường chỉ đạo với vấn đề phức tạp tìm ra nguyên nhân, trách nhiệm giải quyết của từng đơn vị.
Đề cập đến vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng đề án xã hội hóa trạm cân. Các trạm thu phí BOT sẽ được lắp đặt cân cố định, sử dụng camera để phạt nguội…
“Tháng 1/2015, Bộ sẽ tổ chức hội nghị doanh nghiệp vận tải trong cả nước để lắng nghe ý kiến và tháo gỡ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực vận tải,” Bộ trưởng nói.
Liên quan đến việc phương tiện buộc phải hạ tải khi bị phát hiện vi phạm, người đứng đầu ngành giao thông cũng đề nghị các địa phương không xây dựng bãi hạ tải mà yêu cầu xe quay lại điểm xuất phát.
“Năm 2015 sẽ không còn xe quá tải. Không có lý do gì hay chỉ vì một số nhóm người mà mục tiêu chúng ta không làm được, trong khi nhiều mục tiêu khó hơn chúng ta đều đã làm,” Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định./.
Số liệu thống kê của liên ngành Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, từ ngày 16/12/2013-15/12/2014, các trạm cân lưu động đã dừng, kiểm tra hơn 416.000 xe ôtô, phát hiện và lập biên bản 64.885 trường hợp vi phạm, xử phạt 331 tỷ đồng, tạm giữ 1.885 phương tiện, tước giấy phép lái xe 42.066 trường hợp, hạ tải gần 32.220 phương tiện vi phạm.