Sở hữu trí tuệ: Đòn bẩy giúp doanh nghiệp khởi nghiệp lớn mạnh

Nâng cao nhận thức về Sở hữu trí tuệ không chỉ với doanh nghiệp mà vấn đề này rất cấp thiết đối với các cá nhận đặc biệt là sinh viên – nguồn nhân lực chất lượng và tương lai của doanh nghiệp.
Sở hữu trí tuệ: Đòn bẩy giúp doanh nghiệp khởi nghiệp lớn mạnh ảnh 1Các sinh viên tham dự Khóa đào tạo về Đổi mới sáng tạo và Sở hữu trí tuệ do Câu lạc bộ Sở hữu trí tuệ trường Đại học Ngoại thương tổ chức. (Nguồn: FTU)

Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam phát triển mạnh, các doanh nghiệp khởi nghiệp được tạo nhiều điều kiện để phát triển. Tuy nhiên, còn rất nhiều thách thức trên chặng đường này mà trong đó, sở hữu trí tuệ chính là một trong những yếu tố then chốt.

“Bỏ quên” sở hữu trí tuệ

Ngoài những bận tâm về vốn, cấu trúc và chiến lược kinh doanh, vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ là một trong những ưu tiên bậc nhất cho sự phát triển sau này của một doanh nghiệp. Thế nhưng sở hữu trí tuệ ở Việt Nam lại không có được sự quan tâm mà nó xứng đáng có bởi điều quan tâm lớn nhất của những nhà khởi nghiệp là doanh thu và thị trường.

Thực tế cho thấy, vấn đề tạo ra và phát triển thương hiệu của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp diễn ra rất tốt, duy chỉ có 1 khâu bị thiếu là bảo vệ thương hiệu, rộng hơn nữa là bảo vệ sở hữu trí tuệ của chính mình hay những tài sản vô hình nhưng lại có giá trị vô cùng lớn.

Năm 1978, tỷ trọng tài sản vô hình trong giá trị doanh nghiệp chỉ chiếm 5% nhưng trong thập kỷ vừa qua, con số này đã tăng lên 90%. Yếu tố cốt lõi của tài sản vô hình đó chính là vốn trí tuệ hay tài sản trí tuệ. Do đó, hiểu biết về quyền sở hữu trí tuệ sẽ là một lợi thế của doanh nghiệp bởi quyền sở hữu trí tuệ sẽ bảo vệ tài sản của doanh nghiệp chống lại những hành vi ăn cắp, sao chép nhằm mục đích thu lợi nhuận mà chưa có sự cho phép của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc tận dụng được quyền sở hữu trí tuệ sẽ gia tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Ngày nay, việc quản trị tài sản trí tuệ là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp. Kết hợp đổi mới sáng tạo đi cùng với sở hữu trí tuệ sẽ là bước đi khôn ngoan trên con đường phát triển.

Ví dụ điển hình về giá trị tài sản vô hình chính là thương hiệu McDonald, để sử dụng thương hiệu này cần trả mức phí ban đầu là 45.000 USD chưa kể phần trăm lợi nhuận hàng năm mà công ty đó thu được. Hiện nay, khoảng 35.000 cửa hàng đang sử dụng thương hiệu McDonald để kinh doanh. Như vậy McDonald về cơ bản đã thu được một khoản tiền hàng tỷ USD.

Khác với các doanh nghiệp Việt, các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm chặt chẽ vấn đề sở hữu trí tuệ, mọi thứ mà có thể được bảo vệ thì sẽ được đăng ký bảo hộ ngay lập tức. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam hầu như không quan tâm đến vấn đề này cho đến khi gặp phải tranh chấp pháp lý và lúc đó họ mới tá hỏa và xem xét kĩ lưỡng.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp như Gcafe, công ty sản xuất võng xếp Duy Lợi đã là nạn nhân của sự lơ là mất cảnh giác này và thiệt hại mà các công ty này phải gánh chịu là vô cùng lớn.

Sở hữu trí tuệ: Đòn bẩy giúp doanh nghiệp khởi nghiệp lớn mạnh ảnh 2Các bạn trẻ hứng khởi tham gia khóa đào tạo nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ. (Nguồn: FTU)

Nâng cao nhận thức từ ghế nhà trường

Việc bảo hộ tài sản vô hình của mình ở Việt Nam có nhiều thuận lợi, giá đăng ký ở Việt Nam là rất thấp (chỉ vài triệu đồng) là có thể bảo hộ thành công và sau đó chủ sở hữu có thể yên tâm khai thác chính tài sản của mình, đem lại lợi ích lớn hơn nhiều. Ở Mỹ, việc đăng kí bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ rất tốn kém và có thể lên đến 100.000 USD – mức giá rất lớn đối với một doanh nghiệp mới bắt đầu công việc kinh doanh với nguồn vốn có hạn và lợi nhuận còn hạn chế.

Vấn đề duy nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt là sự thiếu nhận thức về vấn đề sở hữu trí tuệ và nguồn cung cấp thông tin về vấn đề này còn hạn chế, đặc biết đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, những đối tượng này cần quan tâm vấn đề này nhiều hơn nữa.

Rõ ràng, nâng cao nhận thức về Sở hữu trí tuệ không chỉ các doanh nghiệp cần quan tâm mà vấn đề này rất cấp thiết đối với các cá nhận đặc biệt là các bạn sinh viên – nguồn nhân lực chất lượng và tương lai của doanh nghiệp. Các hoạt động xã hội nhằm lan tỏa nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ là vô cùng cần thiết.

Với Việt Nam, sự kiện IPDay diễn ra vào ngày 26/4 hàng năm là một trong những sự kiến lớn nhất được tổ chức với mục tiêu trên. Bên cạnh đó, có thể kể đến Gameshow IPChallenge©, Gameshow Bản quyền sáng tạo, Hội nghị Toàn quốc Sinh viên nghiên cứu khoa học về Sở hữu trí tuệ…

Đây là những hoạt động hướng đến đối tượng sinh viên các trường đại học nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ và kết nối sinh viên với doanh nghiệp, mở ra một hướng phát triển sáng tạo và hiệu quả.

Vào 12 – 13/5, Khóa đào tạo về Đổi mới sáng tạo và Sở hữu trí tuệ do Câu lạc bộ Sở hữu trí tuệ trường Đại học Ngoại thương tổ chức đã đóng góp một phần không nhỏ trong mục tiêu chung. Khóa đào tạo mang lại nhiều giá trị cho các sinh viên tham gia trong việc nhận thức được tính thời sự và cấp thiết của vấn đề này.

Theo đại diện ban tổ chức, khóa đào tạo này sẽ mở đầu cho chuỗi hoạt động nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ sẽ được triển khai ở các trường đại học khu vực miền Bắc giai đoạn 2018-2019./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục