Theo phóng viên TTXVN tại Lào, ngày 13/4, người dân trên khắp nước Lào đã đồng loạt tổ chức các hoạt động chào đón Năm mới Boun Pi Mai 2567 theo Phật lịch của Lào.
Đầu giờ chiều tại thủ đô Vientiane đã diễn ra Lễ rước tượng Phật, một trong những hoạt động chính được chính quyền tổ chức trong dịp đón năm mới.
Từ chùa InPeng, tượng Phật được đoàn đại diện của 9 quận, huyện thủ đô cùng các cơ quan đoàn thể rước qua nhiều tuyến phố chính trên quãng đường khoảng 2km, trong những điệu múa, tiếng trống, tiếng nhạc rộn ràng.
Tiếp đó, người dân và du khách đến những ngôi chùa để cùng thực hiện các nghi lễ tắm Phật, té nước cầu may, cầu sức khoẻ, bình yên cho bản thân và gia đình trong năm mới.
Hoạt động nhảy múa, té nước vào nhau cũng diễn ra sôi động trên các tuyến phố cổ, vì trong quan niệm của người Lào việc té nước mang ý nghĩa gột rửa những điềm không may, bệnh tật, tội lỗi năm cũ để đón chào một năm mới đầy may mắn.
Nhân dịp năm mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới người dân Lào trong và ngoài nước, nhấn mạnh sự đoàn kết, gắn bó của toàn thể nhân dân, đất nước trong năm qua đã giúp Lào giữ vững ổn định chính trị, đạt được nhiều thành tựu trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào mong toàn thể nhân dân tiếp tục chung tay, góp phần làm nên thành công của các hội nghị do Lào đăng cai.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào cũng bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến các nước bạn bè và các tổ chức quốc tế đã luôn ủng hộ, giúp đỡ Lào trong những năm qua.
Tết cổ truyền Boun Pi Mai của Lào năm nay diễn ra từ ngày 13-16/4. Kỳ nghỉ lễ dài cùng nhiều hoạt động sôi nổi đặc sắc được tổ chức nhằm hiện thực hóa mục tiêu thu hút trên 4 triệu lượt du khách nước ngoài và đem lại hơn 1 tỷ USD doanh thu cho đất nước trong năm 2024./.
Kiên Giang: Chăm lo Tết cổ truyền dân tộc Chôl Chnăm Thmây cho đồng bào Khmer
Kiên Giang có trên 61.000 hộ, với 237.157 người, chiếm hơn 13% tổng số dân là đồng bào dân tộc Khmer, đứng thứ ba trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau Sóc Trăng và Trà Vinh.