Đập ngăn mặn Thảo Long được xây dựng ở cửa ra sông Hương đổ vào đầm phá Tam Giang-Cầu Hai nối thành phố Huế với huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Công trình có nhiệm vụ ngăn mặn giữ ngọt, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất và dân sinh cho vùng hạ du rộng lớn.
Qua 15 năm đi vào vận hành khai thác, hiện nay, công trình bị xuống cấp nghiêm trọng và cần sớm được đầu tư nâng cấp để đảm bảo an toàn.
Ông Dương Đức Hoài Khánh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác thủy lợi Thừa Thiên-Huế, cho biết lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã vào kiểm tra thực tế và mới đây có chủ trương đầu tư nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn cho công trình.
Việc nâng cấp, sửa chữa trong thời gian tới cần chú ý vật liệu cửa van phải chịu đựng tốt với môi trường nước mặn và cập nhật hệ thống vận hành tự động mới.
Hiện tại, Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5 đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 phương án đầu tư nâng cấp đập ngăn mặn Thảo Long để Bộ này xem xét đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Phương án 1, ưu tiên thay mới một số cửa van bị hư hỏng nặng và xử lý một số dầm đáy bị thấm mạnh với tổng kinh phí 200 tỷ đồng. Phương án 2, thay mới toàn bộ cửa van bị hư hỏng và xử lý các dầm đáy bị thấm với tổng kinh phí 400 tỷ đồng.
Đập ngăn mặn Thảo Long là công trình kết hợp giữa cầu giao thông với đập ngăn mặn có chiều dài hơn 500m.
Công trình gồm 15 cửa và một cửa âu thuyền qua lại; trong đó, hiện chỉ có 5 cửa vận hành đảm bảo an toàn. Mỗi cửa ngăn nước của đập có chiều dài 31,5m, với chiều cao cửa từ 1,5-2,5m và được vận hành đóng mở bằng hệ thống xylanh thủy lực.
Công trình đập ngăn mặn Thảo Long đi vào vận hành từ năm 2006 đến nay đã giải quyết triệt để tình trạng nước mặn từ vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai tiến sâu vào đất liền, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ngọt cung cấp cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất của thành phố Huế và các huyện, thị xã lân cận.
[Thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang-Cầu Hai]
Theo số liệu trước khi xây dựng đập Thảo Long, hàng năm nước mặn từ vùng đầm phá thường xâm nhập sâu trên sông Hương đến 34km từ vị trí công trình.
Ông Huỳnh Văn Nhân, Phó trạm trưởng Trạm khai thác đập Thảo Long, cho biết công trình vận hành điều tiết nước chủ yếu từ tháng 12 đến tháng 8 năm sau, còn khi vào thời điểm mưa lũ, các cửa xả đều được mở để thoát lũ từ thượng nguồn đổ về.
Hiện nay, hệ thống điều khiển tự động đóng mở các cửa của đập Thảo Long không ổn định, các công nhân của trạm phải vận hành trực tiếp tại từng cửa xả.
Hàng năm, phía đơn vị cũng thường xuyên duy tu bảo dưỡng sửa chữa nhỏ, tuy nhiên muốn thay thế các thiết bị hư hỏng thì phải đặt hàng từ nước ngoài mang về.
Công trình đập ngăn mặn Thảo Long do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư khởi công từ năm 2001 và hoàn thành năm 2006 có ý nghĩa quan trọng đối với ngăn mặn, giữ ngọt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Hiện nay, việc vận hành đập ngăn mặn Thảo Long được thực hiện theo Quyết định 1606/QĐ-TTg năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương gắn với hồ thủy lợi Tả Trạch, hồ thủy điện Bình Điền và Hương Điền ở phía thượng nguồn.
Theo ông Dương Đức Hoài Khánh, qua 15 năm khai thác sử dụng, hiện công trình có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, nhiều bộ phận bị nước mặn ăn mòn, rỉ sét, thủng lỗ trên cửa van.
Ngân sách hằng năm cấp cho đơn vị quản lý trọn gói là 1 tỷ đồng bao gồm việc trả lương cho 15 công nhân của trạm nên kinh phí dành cho bảo dưỡng công trình rất hạn chế./.