"Sự chuyển mình" trong ngoại giao ODA của Nhật Bản

Chính sách ODA của Nhật Bản hiện thay đổi để hỗ trợ tài chính cho y tế toàn cầu bên cạnh việc thúc đẩy tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để đối đầu sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.
"Sự chuyển mình" trong ngoại giao ODA của Nhật Bản ảnh 1Đồng yen Nhật Bản. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Theo trang mạng thediplomat.com, dự kiến, chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản cho Trung Quốc sẽ ngừng hoàn toàn vào tháng 3/2022.

Nhật Bản đã bắt đầu cung cấp hình thức viện trợ này cho Trung Quốc từ tháng 12/1979, chủ yếu cho các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản. Nhiều ý kiến cho rằng chương trình viện trợ này đóng một vai trò thiết yếu trong quá trình hòa giải giữa Tokyo và Bắc Kinh thay vì những khoản bồi thường chiến tranh.

Nhật Bản đã công bố kế hoạch chấm dứt này từ năm 2018 dưới thời cầm quyền của cựu Thủ tướng Abe Shinzo. Giờ đây, khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, uy hiếp cả nền kinh tế Nhật Bản, việc chấm dứt này dường như trở thành lẽ thường tình.

Giờ đây, bản thân Bắc Kinh đã trở thành nước cung cấp hỗ trợ tài chính cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước ngoài thông qua Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Tập Cận Bình.

Ngoài ra, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh về kinh tế và địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ đang diễn ra ngày càng gay gắt ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, việc Tokyo chấm dứt ODA cho Trung Quốc là một nhu cầu cấp bách mang tính chiến lược.

Tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản bình luận việc Nhật Bản cắt ODA cho Trung Quốc chẳng khác nào “cái kết của sự thất bại chính sách đối ngoại quan trọng.” Các hoạt động viện trợ kinh tế của Nhật Bản, đặc biệt là những hỗ trợ tài chính cho y tế toàn cầu, đã được chuyển sang khu vực Đông Nam Á, Nam Mỹ và châu Phi.

[Nhật Bản có thể nối lại xuất khẩu thịt bò sang Trung Quốc vào năm tới]

Về thực chất, như Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản nhận định, chiến lược ODA của Nhật Bản đã được lồng ghép vào tầm nhìn ngoại giao của nước này, hay còn được biết đến là “Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP). Liệu việc Nhật Bản ngừng cung cấp ODA cho Trung Quốc có phải là chỉ dấu cho thấy Tokyo thay đổi chính sách đối ngoại trong lĩnh vực "ngoại giao ODA" ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay không? Hay đây là sự thay đổi mô hình trong lĩnh vực "ngoại giao ODA" cho y tế toàn cầu thời kỳ hậu đại dịch COVID-19?

Về mặt lịch sử, chính sách ODA của Nhật Bản được phát triển trong quá trình các nước trên thế giới đang khôi phục nền kinh tế của họ thời hậu chiến và Tokyo muốn hội nhập vào cộng đồng quốc tế.

Trong quá trình này, Nhật Bản không phải là nước nhận viện trợ của các tổ chức tài chính quốc tế mà trở thành nước cung cấp viện trợ cho các nước châu Á giữa lúc Chiến tranh Lạnh xảy ra.

Sau khi ký Kế hoạch Colombo hồi năm 1954, Nhật Bản bắt đầu tiến hành "ngoại giao ODA" cho các nước chủ yếu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sau đó trở thành nước cung cấp ODA lớn nhất thế giới vào năm 1989, vượt qua Mỹ.

Nhật Bản đã soạn thảo Hiến chương ODA đầu tiên của mình sau quyết định của nội các hồi tháng 6/1992. Theo đó, hiến chương đưa ra các nguyên tắc mang tính triết lý khi cung cấp ODA gồm tính toán đến vấn đề nhân đạo, thừa nhận những mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau trong cộng đồng quốc tế, sự cần thiết bảo tồn môi trường và sự cần thiết hỗ trợ những nỗ lực tự thân của các nước đang phát triển.

Nhìn chung, hiến chương đầu tiên này quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, viện trợ không nhằm mục đích quân sự hoặc hỗ trợ chi tiêu quân sự của nước nhận viện trợ, các nước nhận viện trợ cần hoàn thiện quá trình thiết lập nền kinh tế thị trường, dân chủ, nhân quyền và tự do.

Cần lưu ý rằng chính sách đối ngoại của Nhật Bản chi phối và kiểm soát hoạt động ngoại giao ODA của nước này theo hướng thay thế các khoản bồi thường chiến tranh và tuân theo tình hình chính trị quốc tế của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Năm 2003, Nhật Bản sửa đổi bản hiến chương này, trong đó đưa ra quy định về việc gắn "những lợi ích quốc gia" đối với ngoại giao ODA của mình. Mặc dù bốn nguyên tắc nói trên không thay đổi, song hiến pháp ODA sửa đổi đã tập trung hơn vào tận dụng kinh nghiệm và kỹ năng của Nhật Bản khi cung cấp ODA cho các nước.

Đặc biệt, hiến chương sửa đổi đặt ra những vấn đề ưu tiên mà trong đó gắn vai trò và khả năng hợp tác của Nhật Bản trong cộng đồng quốc tế như hoạt động gìn giữ hòa bình và các sứ mệnh phát triển thiên niên kỳ của Liên hợp quốc, tăng trưởng kinh tế bền vững và xóa đói giảm nghèo.

Tựu chung, hiến chương ODA 2003 đã cho thấy cách tiếp cận và nhìn nhận mang tính thực tế của Nhật Bản khi triển khai ODA hướng tới hợp tác quốc tế dựa trên tầm quan trọng của những lợi ích quốc gia.

Tiếp đó, tháng 3/2014, Ngoại trưởng Nhật Bản khi đó là Kishida Fumio đã tuyên bố kế hoạch chính thức sửa đổi Hiến chương ODA, cho rằng ODA trong thời kỳ mới cũng cần phát triển sau 60 năm tồn tại. Năm 2015, chính phủ Nhật Bản quyết định đổi tên tài liệu này thành Hiến chương Hợp tác Phát triển và công tác soạn thảo được khởi động vào tháng 2 cùng năm.

Định dạng mới cho phép chính phủ Nhật Bản cung cấp viện trợ cho các lực lượng quân sự nước ngoài với những mục đích phi quân sự như các hoạt động nhân đạo đồng thời khẳng định điều này không làm kéo dài bất kỳ cuộc xung đột nào.

Bình luận về chính sách ODA của Nhật Bản, ông Ankit Panda cho rằng chính sách này tuân theo "cách tiếp cận của chủ nghĩa thực tế trọng thương" đối với các vấn đề quốc tế và hiến chương sửa đổi đã đưa vào khoản viện trợ quân sự cho các hoạt động không chiến đấu.

Ví dụ, Nhật Bản đã cung cấp nhạc cụ cho các đội quân nhạc của Papua New Guinea hồi năm 2017 hoặc cung cấp thiết bị cứu hộ cho quân đội Philippines trong các hoạt động tìm kiếm cứu nạn do thiên tai gây ra.

Đến tháng 12/2021, Bộ trưởng Tài chính Suzuki Shunichi và Ngoại trưởng Hayashi Yoshimasa quyết định tăng quy mô ODA của nước này cho năm tài khóa 2022, một động thái ngân sách liên quan đến tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở của nước này. Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã thúc đẩy quyết định ngân sách nói trên, bất chấp sự phản đối của Bộ Tài chính nước này.

Rõ ràng, môi trường an ninh quốc tế đang thay đổi đã và đang tác động và chi phối quá trình tái định hình chính sách ODA của Nhật Bản. Ngoài ra, ngoại giao ODA của Nhật Bản cũng đối mặt với sự cần thiết phải thay đổi trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Nói cách khác, Tokyo cảm thấy sự cần thiết phải chuyển hướng ưu tiên ngoại giao OAD cho các hoạt động hỗ trợ kinh tế trước tác động của đại dịch, đặc biệt là hợp tác quốc tế để đối phó với đại dịch hiện tại và tương lai.
Dự kiến, đến mùa Hè 2022, Hội nghị Quốc tế Tokyo về Phát triển châu Phi (TICAD) lần thứ 8 sẽ diễn ra tại Tunisia.

Tại đây, chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida sẽ đưa ra cam kết tích cực đóng góp cho hòa bình quốc tế và y tế toàn cầu nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.

Do đó, chính sách ODA của Nhật Bản hiện đang trải qua quá trình thay đổi mang tính chính sách để bao gồm những khoản hỗ trợ tài chính cho y tế toàn cầu, bên cạnh việc thúc đẩy tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong cuộc đối đầu với sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục