Theo đài RFI, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng nước Pháp đang trở thành mục tiêu hàng đầu của những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan.
Tờ Courier International dịch đăng bài viết trên báo Italy La Republica khẳng định “Pháp là mục tiêu chiến lược của bọn khủng bố,” chứ không phải chỉ là hành động của những con sói đơn độc.
Trong khi đó Le Point nhận định Pháp ngày càng cô độc giữa những lời kêu gọi tẩy chay từ các nước Hồi giáo, còn phương Tây chỉ ủng hộ nửa vời.
Không khó để nhận thấy rằng từ Tunisia đến Pakistan, hàng trăm nghìn tín đồ Hồi giáo kích động đang gay gắt lên án Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Ở Bangladesh, người biểu tình đốt hình ông Macron và quốc kỳ Pháp. Tại Dải Gaza, người Palestine tham gia các cuộc xuống đường chống Pháp.
Bảo vệ một tòa lãnh sự Pháp ở Saudi Arabia bị tấn công bằng dao, trong khi tại Iran, chân dung ông Macron được vẽ thành quỷ sứ với đôi tai và răng nanh nhọn.
Mọi việc không chỉ trên đường phố. Một giáo sỹ Ai Cập thậm chí còn kêu gọi đưa vấn đề ra trước tòa án. Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho rằng “người Hồi giáo có quyền giận dữ và giết chết hàng triệu người Pháp.”
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc tổng thống Pháp là “có vấn đề về tâm thần.”
Điều gì đã gây ra làn sóng kích động rất nghiêm trọng này? Câu trả lời nằm ở việc Paris tái khẳng định ủng hộ tự do ngôn luận và quyền thế tục, sau khi thầy giáo Samuel Paty bị chặt đầu vô cùng dã man, chỉ vì giải thích cho học sinh về truyền thống biếm họa của Pháp.
Rõ ràng người ta không thể coi nhẹ tầm quan trọng của sự thù địch này, khi “chiến lược thánh chiến toàn cầu” ngày càng rõ nét, và những kẻ khủng bố trên đất Pháp được vũ trang.
Theo thăm dò của Viện Ý kiến Dư luận (IFOP), có ít nhất 750.000 người tại Pháp có cảm tình với Hồi giáo cực đoan, một con số được cho là đáng báo động.
Cũng đã có những trí thức Hồi giáo lên tiếng, nhưng vấn đề nằm ở chỗ họ không hành động và hơn hết là do e ngại.
[Pháp quyết định giải tán thêm một nhóm cực đoan dân tộc]
Đối mặt với làn sóng tấn công khủng bố của các phần tử Hồi giáo cực đoan nhằm vào Pháp và châu Âu trong những tuần gần đây, Tổng thống Emmanuel Macron đã quyết định có những phản ứng cứng rắn hơn.
Trả lời phỏng vấn báo Le Figaro, nhà lãnh đạo Pháp tuyên bố tăng cường mạnh mẽ việc kiểm soát biên giới, thông qua việc tăng gấp đôi lực lượng an ninh.
Ông nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng thật sai lầm khi nói rằng vấn đề khủng bố có thể được giảm nhẹ xuống thành vấn đề nhập cư. Nhưng cũng sẽ không hiệu quả khi nói rằng chủ nghĩa khủng bố không liên quan chút nào đến hình thức nhập cư.”
Tổng cộng, khoảng 1.500 hiến binh dự bị, 6 đơn vị cơ động và 260 cảnh sát dự bị sẽ được triệu tập, trong khi 80 sỹ quan cảnh sát biên giới sẽ được tái triển khai.
Biện pháp này chủ yếu sẽ liên quan đến các cửa khẩu với Tây Ban Nha và Italy, cũng như với Bỉ và ở Calais, cửa ngõ sang Anh qua đường biển.
Theo ông Macron, để hoàn thành việc điều động này không cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp, trái ngược với những gì mà phe đối lập yêu cầu.
Thậm chí ông Macron còn muốn "châu Âu hóa" phản ứng của mình khi nhấn mạnh rằng ông "ủng hộ" việc tái thiết lập "chuyên sâu" các quy tắc quản lý khu vực Schengen.
Dự kiến, nhà lãnh đạo Pháp sẽ nhân cuộc họp thượng đỉnh EU vào tháng 12 tới để đề xuất thành lập Hội đồng Bộ trưởng Nội vụ của Liên minh, và hy vọng sẽ hoàn thành dự án khi Pháp nắm quyền Chủ tịch luân phiên EU vào nửa đầu năm 2022.
Đây chỉ là trụ cột đầu tiên trong chiến lược của Tổng thống Emmanuel Macron, dựa trên "phương tiện an ninh và cảnh sát theo nghĩa hẹp nhất của thuật ngữ này" và bao gồm cả việc "xác định những phong trào cực đoan hóa nhất."
Nhà lãnh đạo Pháp cho biết điều quan trọng là "theo dõi và vô hiệu hóa các đối tượng- bằng cách bỏ tù- trước khi chúng hành động, sau đó phá vỡ mạng lưới, cơ cấu, hội nhóm…”
Đây là chính sách đã được thực hiện từ 3 năm nay, và cũng là điều mà dự luật chống chủ nghĩa ly khai Hồi giáo được dự kiến nhấn mạnh hơn trong thời gian tới.
Tổng thống Macron cũng xác định các chính sách khác mà theo ông là quan trọng không kém.
Ông nói: “Giai đoạn hiện nay rất khó khăn. Nhưng tôi hy vọng rằng mỗi công dân sẽ thấy được sự hoài nghi và ngụy biện trong suy nghĩ của kẻ thù. Chúng trộn lẫn chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và đạo Hồi. Chúng nuôi dưỡng sự phẫn uất từ những thất bại kinh tế và xã hội của chúng ta. Và chúng làm sống lại sự oán hận thời hậu thuộc địa.”
Nhà lãnh đạo Pháp cũng tỏ thái độ cứng rắn và không nhượng bộ trước áp lực từ các quốc gia Hồi giáo Arập, nơi đã phát động chiến dịch thù hận và tẩy chay chống lại ông, với cáo buộc rằng ông muốn bêu xấu người Hồi giáo.
Với quyết tâm biến ý tưởng thành hành động, Macron tin tưởng vào thành công trong tương lai.
Ông nhấn mạnh: “Đó sẽ là một cuộc chiến kéo dài nhiều năm. Chúng ta có thể có những trận thua khác, những khoảng thời gian khó khăn khác. Nhưng chúng ta sẽ có những ngày chiến thắng. Và để cuối cùng, chúng ta phải giành thắng lợi”./.