Sử dụng tiếng phổ thông để tuyên thệ: Điều mới mẻ ở Hong Kong

Trong 25 năm qua, đã có 5 lễ kỷ niệm tương tự được tổ chức, nhưng đây là lần đầu tiên quan chức chính quyền Hong Kong cũng như thành viên hội đồng điều hành đều sử dụng tiếng phổ thông để tuyên thệ.
Sử dụng tiếng phổ thông để tuyên thệ: Điều mới mẻ ở Hong Kong ảnh 1Lễ thượng cờ tại Quảng trường Kim Tử Kinh, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) nhân kỷ niệm 25 năm ngày Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc sau 156 năm thuộc quyền quản lý của Anh (1/7/1997-1/7/2022). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Liên hợp Buổi sáng, lễ kỷ niệm 25 năm Hong Kong quay trở về Tổ quốc và lễ tuyên thệ nhậm chức của chính quyền Đặc khu Hành chính Hong Kong khóa VI đã được tổ chức trọng thể ở Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Hong Kong sáng 1/7.

Điều khiến mọi người cảm thấy hoàn toàn mới mẻ là ngay từ khi bắt đầu cho đến lúc kết thúc buổi lễ, ông Lý Gia Siêu và tất cả các quan chức chính quyền cũng như thành viên hội đồng điều hành đều sử dụng tiếng phổ thông để tuyên thệ, tiếng phổ thông đã trở thành ngôn ngữ được sử dụng cho lễ kỷ niệm lần này.

Trong 25 năm qua, đã có 5 lễ kỷ niệm tương tự được tổ chức, nhưng đây là lần đầu tiên diễn ra tình huống chưa từng thấy nói trên. Kể từ khi Hong Kong trở về với Trung Quốc đến nay, cho dù người Đại lục hay Hoa kiều khi đặt chân đến Hong Kong, bất kể đi đâu, nghe gì cũng đều là tiếng Quảng Đông.

[Hong Kong sau 25 năm về Trung Quốc: Cơ hội phát triển mới]

Ở Hong Kong, tiếng Quảng Đông là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trong xã hội, gia đình, trường học, trên truyền hình, phim ảnh, văn phòng, quầy hàng. Tiếng Quảng Đông vẫn là độc tôn.

Một số tờ báo chính thống còn sử dụng tiếng Trung “tam cập đệ” (một thể loại văn viết ghép ngôn ngữ tạp văn, văn bạch thoại phổ thông và văn bạch thoại Quảng Đông), giới học giả gọi là “tiếng Trung kiểu Hong Kong.”

Tiếng Trung “kiểu Hong Kong” không tiêu chuẩn hóa đã trở thành đặc sắc của báo chí Hong Kong. Báo chí Singapore không có “tiếng Hoa kiểu Singapore,” nói gì đến “tiếng Trung kiểu Singapore.”

Điều không thể bỏ qua là kể từ khi bắt đầu diễn ra phong trào phản đối sửa đổi dự luật dẫn độ vào mùa Xuân năm 2019 cho đến thời điểm các phần tử “đen” gây rối loạn Hong Kong, trong khoảng thời gian 2-3 năm này, người Đại lục khi đến Hong Kong du lịch luôn bị bắt nạt vì nói tiếng phổ thông, có người còn bị tấn công do nói tiếng phổ thông ở đường phố Trung Hoàn, ngay cả các phóng viên Đài Loan nói tiếng phổ thông cũng không thể thoát khỏi bi kịch này.

Nếu như nói Hong Kong không quảng bá tiếng phổ thông cũng là một sự bất công.

Ngay trong năm Hong Kong trở về Trung Quốc, chính quyền đặc khu đã đưa tiếng phổ thông vào chương trình giảng dạy của tiểu học và trung học cơ sở, đồng thời năm 2000 đưa tiếng phổ thông vào kỳ thi tuyển sinh trung học cơ sở.

Tuy nhiên, môn tiếng phổ thông và Trung văn ở các trường tiểu học và trung học Hong Kong được chia thành các môn học để giảng dạy, hơn nữa thường không do một giáo viên lên lớp nên hiệu quả không cao.

Các bài văn mẫu được lựa chọn trong giáo trình Trung văn đều là tiếng Trung tiêu chuẩn, nhưng ngôn ngữ giảng dạy lại là tiếng Quảng Đông, hay còn gọi là “người Việt dạy Trung văn” hoặc “người Quảng dạy Trung văn,” nhìn xung quanh các nước hoặc khu vực lân cận, không nơi nào dạy Trung văn kiểu như thế này.

Cho dù như vậy, việc quảng bá tiếng phổ thông của Hong Kong vẫn có thành tựu, nhiều giáo viên tham gia bồi dưỡng và kiểm tra tiếng phổ thông, các quan chức chính quyền đặc khu tham gia bồi dưỡng tiếng phổ thông ở Hong Kong hoặc Bắc Kinh cũng đều có thể nghe và nói tiếng phổ thông, tuy nhiên chính quyền không thúc đẩy quảng bá mạnh mẽ tiếng phổ thông trong xã hội.

Những hướng dẫn viên du lịch, nhân viên bán hàng, nhân viên phục vụ biết nói tiếng phổ thông phần lớn là tự học bằng kinh phí cá nhân.

Ngôn ngữ và chữ viết là trụ đỡ quan trọng của sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Để tăng cường toàn diện công tác ngôn ngữ và chữ viết trong thời đại mới, ngày 30/11/2021, Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành “Ý kiến về việc tăng cường toàn diện công tác ngôn ngữ và chữ viết trong thời đại mới” (gọi tắt là “Ý kiến”). Đây là một văn kiện chỉ đạo tăng cường toàn diện công tác ngôn ngữ và chữ viết.

“Ý kiến” bao gồm 22 điều, điều 15 là “tăng cường hợp tác và giao lưu ngôn ngữ, văn hóa với các khu vực Hong Kong, Macao, Đài Loan,” trong đó nêu rõ yêu cầu đối với việc giáo dục và sử dụng tiếng phổ thông của các khu vực Hong Kong, Macao, Đài Loan: hỗ trợ và phục vụ khu vực Hong Kong, Macao triển khai giáo dục tiếng phổ thông, hợp tác triển khai kiểm tra đánh giá trình độ tiếng phổ thông, nâng cao trình độ sử dụng tiếng phổ thông của khu vực Hong Kong, Macao.

Muốn nâng cao trình độ “ứng dụng” thì phải bước ra khỏi nhà, bước ra khỏi khuôn viên trường học, bước ra khỏi văn phòng và đi ra ngoài xã hội, để đạt được mục tiêu này chính quyền cần phải thúc đẩy quảng bá mạnh mẽ tiếng phổ thông trong xã hội.

Singapore bắt đầu quảng bá tiếng Hoa từ năm 1979. Tháng 10/2019, Singapore đề xuất quảng bá tiếng Hoa là một “chương trình kiên trì bền bỉ.”

Tuy nhiên, Hong Kong vẫn lưỡng lự và do dự. Hiện nay, Hong Kong đang ở trong giai đoạn mới chuyển từ hỗn loạn sang quản trị và từ quản trị sang thịnh vượng.

Ban lãnh đạo chính quyền đặc khu khóa mới cũng thể hiện sẽ nỗ lực hết mình để cùng xây dựng một Hong Kong tràn đầy hy vọng và sức sống, đó chính là phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc quán triệt thực hiện toàn diện Hiến pháp ở đặc khu, bao gồm “quảng bá tiếng phổ thông sử dụng trên cả nước” được quy định tại điều 19.

Ngôn ngữ và chữ viết là yếu tố nền tảng và tiêu chí rõ ràng của văn hóa, liên quan đến sự kế thừa văn hóa lịch sử và phát triển kinh tế-xã hội, liên quan đến thống nhất đất nước và đoàn kết dân tộc, là trụ đỡ quan trọng của sức mạnh tổng hợp quốc gia, có địa vị và vai trò quan trọng trong tổng thể công tác quốc gia.

Tiếng phổ thông trở thành ngôn ngữ được sử dụng tại lễ kỷ niệm 25 năm Hong Kong trở về Trung Quốc là một khởi đầu tốt, các cơ quan chức năng của chính quyền đặc khu cần nắm chắc cơ hội này, quy hoạch và triển khai việc quảng bá toàn diện tiếng phổ thông trong tất cả các tầng lớp xã hội của Hong Kong. Đừng bỏ lỡ cơ hội, thời cơ sẽ không quay lại.

Mùa Xuân của tiếng phổ thông đang đến với Hong Kong./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục