Sự kiện quốc tế 5-11/6: Tai nạn máy bay thảm khốc tại Myanmar

Vụ rơi máy bay thảm khốc tại Myanmar, nước cờ sai lầm của Thủ tướng Anh Theresa May, các nước vùng vịnh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar là 3 trong số những sự kiện thế giới nổi bật tuần qua.
Rơi máy bay quân sự Myanmar chở 108 hành khách
Ngày 7/6, máy bay quân sự chở 122 người, bao gồm 108 hành khách và 14 thành viên phi hành đoàn cùng 2,4 tấn hàng hóa, đã mất liên lạc và mất tích khi đang thực hiện lộ trình từ thành phố Myeik tới Yangon.

Cho đến ngày 11/6, lực lượng cứu hộ Myanmar đã tìm thấy 59 thi thể nạn nhân, trong số đó có 26 nam giới, 23 nữ giới, 9 trẻ em và 1 thi thể không thể xác định.

Hiện, lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm hộp đen để xác định rõ nguyên nhân tai nạn.

Đây là máy bay 8F-200W mang số hiệu 5820 của Không quân Myanmar, được Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu công nghệ hàng không Trung Quốc (CATIC) bàn giao cho Không quân Myanmar vào tháng 3/2016.

Ngày 8/6, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện chia buồn tới Ngài Htin Kyaw, Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Myanmar.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã gửi điện chia buồn tới Bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao nước Cộng hòa Liên bang Myanmar.

Sự kiện quốc tế 5-11/6: Tai nạn máy bay thảm khốc tại Myanmar ảnh 1Nhân viên cứu hộ tìm kiếm người mất tích sau vụ rơi máy bay quân sự tại Laung Lone, Dawei, Myanmar ngày 8/6. (Nguồn: THX/TTXVN)
Các nước vùng Vịnh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar
Ngày 5​/6, một loạt các quốc gia Arab và vùng Vịnh gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Yemen, chính phủ được quốc tế công nhận ở miền Đông Libya đã ra tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc Doha hỗ trợ các nhóm khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ các nước trong khu vực.

Kèm theo tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao, các quốc gia Arab và vùng Vịnh cũng đã yêu cầu công dân Qatar trở về nước trong vòng 2 tuần, đồng thời cấm tất cả các chuyến bay đến và đi từ nước này. Giao thông đường biển và đường hàng không giữa Qatar và các nước vùng Vịnh cũng bị tạm dừng.

Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Qatar đã cho rằng quyết định nói trên của các quốc gia Arab và vùng Vịnh là "vô lý" và dựa trên những cáo buộc "vô căn cứ". Tuy nhiên, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani vẫn khẳng định nước này sẵn sàng đối thoại để giải quyết khủng hoảng.

Các nhà phân tích cho rằng, nếu cuộc khủng hoảng trên không được giải quyết sớm thì những căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh có thể khiến cả hai bên mất hàng tỷ USD do hoạt động thương mại và đầu tư bị kìm hãm.

Sự kiện quốc tế 5-11/6: Tai nạn máy bay thảm khốc tại Myanmar ảnh 2Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: catharsisours.blogspot.com)
Montenegro chính thức gia nhập NATO
Ngày 5​/6 Montenegro đã chính thức gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trở thành thành viên thứ 29 của tổ chức này. Với Montenegro, đây là sự kiện lịch sử, là bước đi nhằm đảm bảo an ninh, ổn định và có thể là cả sự thịnh vượng.

Còn với NATO, quốc gia nhỏ bé vùng Balkan này có ý nghĩa chiến lược. Gia nhập NATO, việc kết nạp thêm Montenegro sẽ giúp NATO hoàn tất sự hiện diện của mình ở vùng biển Adriatic sau khi Hy Lạp, Albania và Croatia đều đã là các nước thành viên của khối.

Tuy nhiên, động thái này cũng sẽ khiến Mongtenegro phải đối mặt với sự trả đũa mạnh mẽ từ Nga và khiến nội bộ quốc gia Balkan này thêm chia rẽ. Với Nga, việc Montenegro gia nhập NATO được xem như “hành động đe dọa an ninh của Nga.”

Trước hành động của Montenegro, Nga đã cảnh báo sẽ đáp trả động thái mở rộng biên giới tới sát Nga này của NATO.

Trong khi đó, với người người dân Montenegro, việc tham gia NATO cũng được cho là có thể gây chia rẽ nội bộ nước này, bởi trước đây nước này vốn vẫn được xem là thành trì của Nga.

Một khảo sát dư luận cho thấy, tỷ lệ ủng hộ và phản đối Montenegro gia nhập NATO vẫn ở mức gần như tương đương, 39,5% và 39,7%.

Sự kiện quốc tế 5-11/6: Tai nạn máy bay thảm khốc tại Myanmar ảnh 3Ngoại trưởng Montenegro Srdjan Darmanovic (trái) và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Thomas Shannon tại buổi lễ ở Bộ Ngoại giao Mỹ. (Nguồn: EPA/TTXVN)
IS tấn công tòa nhà Quốc hội Iran
Ngày 7​/6, các hãng truyền thông Iran cho biết 4 tay súng đã xông vào tòa nhà Quốc hội Iran và nổ súng.

Chưa đầy nửa giờ sau, 2 đối tượng có vũ trang khác đã đột nhập và phóng hỏa vào khu lăng mộ của cố lãnh tụ cách mạng Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini ở phía Nam thủ đô Tehran, cách tòa nhà Quốc hội Iran khoảng 20km và bắn bị thương một số người.

Theo báo cáo mới nhất, 17 người đã thiệt mạng và hơn 50 người bị thương trong hai vụ tấn công khủng bố trên. Sáu thủ phạm trong hai vụ tấn công trên cũng đã chết tại hiện trường.

Ngay sau đó, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lên tiếng thừa nhận 6 phần tử thuộc tổ chức này đã tiến hành hai vụ tấn công trên. Hai vụ tấn công này được đánh giá là nghiêm trọng nhất tại Iran kể từ những năm đầu bất ổn sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Việc những kẻ tấn công khủng bố đều là người Iran gia nhập IS cho thấy các phần tử cực đoan Iran đã cấu kết với IS tại những khu vực mà IS kiểm soát tại Syria và Iraq. Và sau những thất bại gần đây của IS tại hai nước này, các đối tượng khủng bố đã quay trở lại tấn công Iran.

Sự kiện quốc tế 5-11/6: Tai nạn máy bay thảm khốc tại Myanmar ảnh 4Lực lượng an ninh Iran bên ngoài tòa nhà Quốc hội. (Nguồn: Reuters)
Nước cờ sai lầm của Thủ tướng Anh Theresa May
Cuộc tổng tuyển cử ở Anh đã kết thúc mà không có đảng nào giành được đa số áp đảo, khiến Xứ sở Sương mù rơi vào tình trạng “Quốc hội treo” lần thứ hai trong 3 cuộc tổng tuyển cử gần đây.

Vậy là Thủ tướng Anh Theresa May và đảng Bảo thủ đã đi một nước cờ sai trong cuộc bầu cử trước thời hạn mà ban đầu tưởng chừng nắm chắc phần thắng, khi không thể đạt đủ đa số ghế cần thiết tại Quốc hội (326/650) để đứng ra thành lập chính phủ.

Kết quả này báo hiệu Xứ sở sương mù sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trước khi khởi động tiến trình đàm phán rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit - dự kiến diễn ra vào ngày 19/6.

Một kịch bản ngoài dự kiến có thể đẩy nền chính trị nước Anh rơi vào rối loạn, thậm chí cuộc đàm phán Brexit có thể bị trì hoãn vô thời hạn.

Tình trạng quốc hội "treo" khi không đảng nào giành đa số ghế sẽ khiến cho tiến trình thành lập chính phủ mới sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhiều, và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới cuộc đàm phán sắp tới với EU.

Dù bà May tỏ ra vẫn quyết tâm khi cho biết có thể sẽ trực tiếp thỉnh cầu Nữ hoàng Elizabeth II để được phép thành lập chính phủ mới, nhưng kể cả khi được chấp thuận, nhiệm vụ của bà May không hề dễ dàng, bởi bà sẽ phải thuyết phục sự tin cậy cả trong nội bộ đảng Bảo thủ lẫn thương lượng để có sự ủng hộ của các đảng nhỏ trong Quốc hội.

Xem thêm tại đây: Nước cờ sai lầm của Thủ tướng Anh Theresa May

Sự kiện quốc tế 5-11/6: Tai nạn máy bay thảm khốc tại Myanmar ảnh 5Thủ tướng Anh Theresa May trong cuộc họp báo kêu gọi tiến hành bầu cử trước thời hạn tại London ngày 18/4. (Nguồn: THX/TTXVN)
Triều Tiên tuyên bố bắn thử thành công loại tên lửa mới
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 9/6 đưa tin Bình Nhưỡng đã phóng thử thành công một loạt tên lửa hành trình đất đối hạm mới trong ngày 8/6.

Theo hãng tin trên, các tên lửa này "đã phát hiện chính xác và nhắm trúng các mục tiêu trên Biển Nhật Bản (vùng biển phía Đông Hàn Quốc) sau khi bay vòng quanh các mục tiêu này".

Đây là vụ phóng tên lửa thứ 10 của Triều Tiên từ đầu năm đến nay và là vụ phóng thứ 5 kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhậm chức hôm 10/5 vừa qua. Cũng theo KCNA, đích thân nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un​ đã chỉ đạo và giám sát vụ phóng thử tên lửa mới này.

Những thông tin trước đó cho biết loạt tên lửa đất đối hạm mới nói trên được phóng từ thành phố duyên hải Wonson​ ở phía Đông Triều Tiên - nơi có căn cứ hải quân lớn nhất của Bình Nhưỡng, ở gần đường ranh giới trên biển. Theo quân đội Hàn Quốc, tên lửa đã bay xa khoảng 200 km trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản.

Ngày 8/6, Chính phủ Mỹ đã kêu gọi Triều Tiên kiềm chế các động thái gây hấn sau vụ phóng thử tên lửa trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nêu rõ "những hành động sẽ hủy hoại tình hình hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên."

Bà Nauert cho biết Washington hy vọng nối lại các cuộc đàm phán về vấn đề bán đảo Triều Tiên, song thừa nhận rằng "vấn đề này còn rất xa vời." 

Liên hợp quốc cũng chỉ trích mạnh mẽ vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, song chưa triệu tập cuộc họp hội đồng để bàn thảo về vấn đề này./.

Sự kiện quốc tế 5-11/6: Tai nạn máy bay thảm khốc tại Myanmar ảnh 6Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. (Nguồn: Kyodo)
Lần đầu tiên giới khoa học xác định được khối lượng một ngôi sao
Hơn 100 năm sau khi thiên tài vật lý Albert Einstein phát triển thành công thuyết tương đối tổng quát, các nhà thiên văn học cũng đã thành công áp dụng học thuyết này để lần đầu tiên xác định khối lượng một ngôi sao xa xôi - điều mà lâu nay các nhà khoa học vẫn cho rằng là một nhiệm vụ "bất khả thi."

Trong một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Khoa học Mỹ ngày 7/6, các nhà nghiên cứu phụ trách quét hình ảnh vũ trụ bằng Kính thiên văn Hubble đã tiết lộ cách thức lực hấp dẫn của một sao lùn trắng làm cong không gian và uốn cong ánh sáng của một ngôi sao xa xôi phía sau nó. Qua đó, các nhà nghiên cứu lần đầu tiên xác định được khối lượng của một ngôi sao bằng lực hấp dẫn này.

Nhà khoa học Terry Oswalt thuộc Đại học Hàng không Embry -Riddle khẳng định: "Einstein sẽ rất tự hào khi một trong những điều quan trọng ông từng đề cập đến đã được trải qua một cuộc kiểm tra có sự giám sát chặt chẽ." Theo Oswalt, những phát hiện này có ý nghĩa bởi vì "ít nhất 97% của tất cả các ngôi sao từng hình thành trong Thiên hà, bao gồm Mặt trời, sẽ trở thành hoặc đã là những sao lùn trắng mà căn cứ vào đó, chúng ta có thể biết về tương lai, cũng như lịch sử của chúng ta".

Xem thêm tại đây: Lần đầu tiên giới khoa học xác định được khối lượng một ngôi sao

Sự kiện quốc tế 5-11/6: Tai nạn máy bay thảm khốc tại Myanmar ảnh 7(Nguồn: NASA)
Trình làng máy bay F-35 "Made in Japan" đầu tiên
Ngày 5/6, Nhật Bản đã giới thiệu chiến đấu cơ F-35 đầu tiên được lắp ráp trong nước, trước khi hai chiếc F-35 sẽ được bàn giao cho Bộ Quốc phòng nước này từ nay đến tháng 3/2018, với kế hoạch triển khai tại căn cứ không quân Misawa ở vùng Đông Bắc Nhật Bản.

Chiếc F35 trên, được công bố tại nhà máy Komakiminami của tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries Ltd tại tỉnh Aichi, có khả năng tàng hình và tính cơ động cao, và dự kiến sẽ phối hợp trong các hoạt động giám sát với những chiếc F35 do lực lượng Mỹ vận hành.

Nhà máy Komakiminami nằm ở miền Trung Nhật Bản, là một trong hai nhà máy đảm nhiệm công đoạn lắp ráp cuối cùng và kiểm tra các máy bay bên ngoài nước Mỹ.

Sự kiện quốc tế 5-11/6: Tai nạn máy bay thảm khốc tại Myanmar ảnh 8Nhật Bản ra mắt máy bay F-35. (Nguồn: asia.nikkei.com)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục