Sự kiện quốc tế 8-14/10: Tuần với nhiều tín hiệu vui

EU nhất trí mức cắt giảm khí thải CO­2 đối với xe ôtô, Malaysia loại bỏ thành công lây truyền HIV từ mẹ sang con, Asian Para Games kết thúc tốt đẹp là những tin thế giới tốt lành tuần qua.
Hội nghị thường niên IMF-WB thảo luận về tình hình kinh tế thế giới
Ngày 11 và 12/10, Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế - Ngân hàng Thế giới (IMF-WB) đã diễn ra tại Indonesia.

Tại hội nghị, Chủ tịch WB Jim Yong Kim đã nhấn mạnh hội nghị thường niên thường là này là nơi để các nước cùng chia sẻ những ý tưởng và cách tiếp cận mới để các nước tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt, nhất là các vấn đề ngắn hạn như tác động của việc tăng lãi suất, giảm giá hàng hóa…

Theo báo cáo hàng năm của WB, trong 25 năm qua, hơn 1 tỷ người đã thoát khỏi cảnh nghèo khổ cùng cực.

Tỷ lệ đói nghèo toàn cầu chiếm khoảng 10% dân số thế giới - mức thấp nhất trong lịch sử.

Đây là một trong những thành tựu to lớn của thời đại, song hiện vẫn có tới 736 triệu người sống trong tình trạng nghèo cùng cực, tốc độ giảm nghèo cũng đang chậm lại...  

Do đó, Chủ tịch WB kêu gọi các quốc gia đẩy nhanh nỗ lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, bao trùm bằng cách đầu tư vào khu vực tư nhân, giúp các nước quản lý nợ và khai thác sức mạnh của công nghệ, giúp các nước chia sẻ rủi ro thiên tai thông qua thị trường vốn.

Các nước cũng cần đầu tư nhiều hơn và hiệu quả hơn vào nguồn nhân lực để chuẩn bị cho tương lai của thời đại kỹ thuật số.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cải tổ lại hệ thống thương mại toàn cầu thay vì tìm cách phá hoại nó.

Do căng thẳng thương mại, chính sách bảo hộ mậu dịch và các mức nợ công gia tăng, IMF đã điều chỉnh giảm 0,2% dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 3,7% trong giai đoạn 2018-2019.

Bên cạnh hội nghị toàn thể, trong khuôn khổ hội nghị IMF-WB năm nay  còn có cuộc họp về Triển vọng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu, cùng các cuộc hội thảo, diễn đàn về các vấn đề như công nghệ tài chính; bảo vệ người tiêu dùng; Tài trợ chống biến đổi khí hậu mà không góp phần vào khủng hoảng nợ; Tài chính y tế bền vững để tăng cường nguồn nhân lực; Tăng cường phát triển xã hội thông qua sự tham gia của thanh niên; Kỹ thuật số và đổi mới đang thay đổi tương lai của các quốc gia…

Sự kiện quốc tế 8-14/10: Tuần với nhiều tín hiệu vui ảnh 1Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) chụp ảnh chung tại Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)-Ngân hàng Thế giới (WB) tại Bali, Indonesia, ngày 12/10/2018. (Nguồn: AFP/ TTXVN)
Các nước EU nhất trí mức cắt giảm khí thải CO­2 đối với xe ôtô
Ngày 9/10, tại cuộc họp về ứng phó biến đổi khí hậu, các Bộ trưởng Môi trường của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về mức cắt giảm khí thải áp dụng với các hãng sản xuất ôtô trong khu vực.

Đây được xem là bước tiến quan trọng trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên của “hành tinh xanh.”

Sự nhất trí trên được các Bộ trưởng đưa ra sau 13 giờ bàn bạc, tranh luận. Theo đó, các nước EU nhất trí mức cắt giảm 35% khí thải CO2 đối với xe ôtô mới vào năm 2030 và giảm 30% khí thải CO2 đối với các loại xe tải.

Mục tiêu này cao hơn mục tiêu 30% do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất, song vẫn dưới mức 40% mà Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua hồi tuần trước.

Bên cạnh việc nhất trí mục tiêu cắt giảm khí CO2, các Bộ trưởng cũng thông qua lập trường của EU tại Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 24) dự kiến được tổ chức vào tháng 12 tới tại Katowice, Ba Lan.

Sự đồng thuận trên của các Bộ trưởng Môi trường EU được đưa ra trong bối cảnh Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc vừa công bố một báo cáo mang tính toàn diện về tình hình biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Do đó việc các Bộ trưởng Môi trường EU đạt được sự đồng thuận về mức cắt giảm khí thải CO­­­­­2 cho thấy các quốc gia phát triển ngày càng có thái độ nghiêm túc hơn về chống biến đổi khí hậu, góp phần vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

Sự kiện quốc tế 8-14/10: Tuần với nhiều tín hiệu vui ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: straitstimes.com)
Quan hệ thương mại Mỹ-Trung Quốc tiếp tục căng thẳng
Ngày 9/10, phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đe dọa sẽ áp thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc trị giá 267 tỷ USD, nếu Trung Quốc có hành động đáp trả những biện pháp mới đây của Mỹ trong cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa hai bên.

Theo ông Trump, Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng cho một thỏa thuận thương mại và nhiều cuộc gặp giữa giới chức hai bên đã bị hủy bỏ.

Phản ứng lại, ngày 9/10, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn đã khẳng định lập trường không nhân nhượng của Bắc Kinh trong việc đối phó với Mỹ.

Bộ trưởng Chung Sơn nhấn mạnh: “Trung Quốc không hề muốn một cuộc chiến thương mại nhưng vẫn sẵn sàng đương đầu nếu nó xảy ra. Mỹ không nên đánh giá thấp quyết tâm của Trung Quốc.”

Có thể thấy, những động thái đe dọa lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc khiến các nhà phân tích cho rằng căng thẳng thương mại giữa hai nước này chưa thể sớm đi đến hồi kết.

Nếu việc Mỹ áp thuế đối với 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trở thành hiện thực, điều này đồng nghĩa với việc gần như mọi thứ hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đều bị đánh thuế. Do đó, chắc chắn Trung Quốc sẽ có thể đưa ra các biện pháp trả đũa đối với Mỹ. 

Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu căng thẳng từ hồi tháng 3/2018 vừa qua, khi Tổng thống Trump công bố mức thuế mới đối với nhôm và thép nhập khẩu.

Từ đó, hai nước không ngừng áp dụng các mức thuế đối với hàng hóa của nhau và các cuộc tham vấn song phương cho tới nay vẫn chưa thể hạ nhiệt tình hình.

Hiện hai nước đang thảo luận về khả năng diễn ra một cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Argentina vào cuối tháng 11 tới.

Sự kiện quốc tế 8-14/10: Tuần với nhiều tín hiệu vui ảnh 3Hàng hóa được bày bán tại một siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Malaysia loại bỏ thành công lây truyền HIV từ mẹ sang con
Ngày 9/10, tại phiên họp lần thứ 69 của Ủy ban khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Manila, Philippines, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom đã trao Giấy chứng nhận cho Bộ trưởng Y tế Malaysia Dzulkefly Ahmad công nhận Malaysia là quốc gia đầu tiên ở khu vực Tây Thái Bình Dương loại bỏ thành công lây truyền HIV và bệnh giang mai từ mẹ sang con.

Malaysia bắt đầu cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền từ mẹ sang con đối với bệnh giang mai bắt đầu từ năm 1988 và  HIV từ năm 1998.

Hiện nay, việc kiểm tra tiền sản và điều trị bệnh HIV cũng như bệnh giang mai đã được cung cấp miễn phí tại quốc gia này.

Và kết quả tại Malaysia cho thấy, số trẻ được sinh ra bị nhiễm HIV hay bị giang mai đã giảm xuống mức được WHO công nhận là đã loại bỏ được những căn bệnh này từ mẹ sang con.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Malaysia cho biết, việc đạt được thành tựu này không phải là sự chấm dứt cuộc đấu tranh nhằm đảm bảo cho mọi trẻ em Malaysia bắt đầu một cuộc sống khỏe mạnh và không bị HIV hay giang mai.

Đó là sự khởi đầu cho một hành trình không bao giờ chấm dứt trong việc cung cấp sự chăm sóc đặc biệt để ngăn chặn mọi dịch bệnh lây truyền từ mẹ sang con. 

Theo thống kê, có khoảng 13.000 phụ nữ mang thai ở khu vực Tây Thái Bình Dương sống chung với HIV và 1/4 trong số đó không nhận được sự điều trị bằng thuốc ARV.

Khi cả mẹ và bé không nhận được sự điều trị thì nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con là từ 15-45%, trong khi nếu được điều trị, con số này giảm xuống dưới 1%.

Bên cạnh đó, ước tính khoảng 45.000 phụ nữ mang thai ở khu vực Tây Thái Bình Dương  bị bệnh giang mai, có thể dẫn đến việc xảy thai, thai lưu, trẻ bị nhẹ cân, bị nhiễm trùng nghiêm trọng và tử vong.

Việc kiểm tra và điều trị sớm bằng penicillin trong quá trình mang thai có thể loại bỏ được các biến chứng này.

Sự kiện quốc tế 8-14/10: Tuần với nhiều tín hiệu vui ảnh 4Ảnh minh họa. (Nguồn: who.int)
Asian Para Games 2018: Ý nghĩa nhân văn và cao cả mãi lan tỏa
Với chủ đề “Tất cả chúng ta đều diệu kỳ” (We are one wonder), Đại hội thể thao Người khuyết tật châu Á (Asian Para Games) 2018 đã khép lại những ngày đua tranh sôi nổi của các vận động viên khuyết tật trên khắp châu lục, những người xứng đáng được tôn vinh vì họ đã chiến thắng chính bản mình, vượt lên số phận để giành vinh quang như lời phát biểu của Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla tại buổi lễ.

Asian Para Games không chỉ là cuộc thi hay cuộc đua tranh mà nó còn là một sự kiện nhân văn của nhân loại, thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất giữa các dân tộc và cùng nhau loại bỏ sự kỳ thị đối với những người không may mắn. 

Tiếp sau sự kiện ASIAD 18, Indonesia được đánh giá là đã tổ chức thành công Asian Para Games lần này. Indonesia đã nỗ lực cải thiện hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế bằng việc tích cực xây mới, sửa sang, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông công cộng, đảm bảo vệ sinh môi trường và đặc biệt chú trọng đến công tác an ninh.

Nhìn lại quá trình hơn 1 tuần diễn ra sự kiện lớn này, Indonesia không để xảy bất kỳ sự cố đáng tiếc nào. Cổ động viên các nước đến với đất nước Indonesia đều cảm nhận được sự thân thiện, nhiệt tình, mến khách của người dân nước sở tại cũng như của Ban tổ chức Asian Para Games 2018.

Đối với Việt Nam, Asian Para Games 2018 là kỳ đại hội thành công của đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam. Các vận động viên của Việt Nam chỉ tham gia thi đấu 7 môn, trong đó có 1 môn thi đấu thử nghiệm là Judo, 6 môn còn lại đều có huy chương.

Môn cử tạ có 4 vận động viên tham gia và đều giành huy chương, trong đó có 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng; môn bơi lội giành 4 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 13 huy chương đồng.

Tuy xếp ở vị trí thứ 12 trong bảng tổng sắp huy chương, nhưng thành tích của đoàn của Việt Nam đã vượt gấp đôi mục tiêu đề ra trước khi giải khởi tranh với 8 huy chương vàng (mục tiêu đề ra từ 4 huy chương vàng).

Sự kiện quốc tế 8-14/10: Tuần với nhiều tín hiệu vui ảnh 5Lễ bế mạc Asian Para Games 2018. (Ảnh: Hải Ngọc/TTXVN)
Indonesia kết thúc hoạt động tìm kiếm nạn nhân trận động đất và sóng thần
Ngày 12/10, Indonesia đã kết thúc chiến dịch tìm kiếm những nạn nhân mất tích, tập trung vào công tác dọn dẹp, tái thiết và cung cấp viện trợ cho người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng trong thảm họa. 

Trong khi đó, hoạt động viện trợ nhân đạo vẫn đang được triển khai tại các khu vực bị ảnh hưởng, song một số nhóm cứu trợ quốc tế gặp khó khăn trong việc tiếp cận với người dân.

Tuy nhiên, việc cung cấp nhu yếu phẩm tới các khu vực thảm họa gặp nhiều khó khăn do các sân bay nhỏ vẫn giới hạn các chuyến bay tới Palu, trong khi giao thông đường bộ bị ngưng trệ. 

Liên hợp quốc đang huy động 50,5 triệu USD để hỗ trợ khẩn cấp cho khoảng 200.000 người tại khu vực này.

Cũng trong ngày 12/10, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã tới thăm thành phố Palu, thuộc tỉnh Trung Sulawesi của Indonesia.

Ông Guterres khẳng định Liên hợp quốc luôn sát cánh cùng Indonesia để ủng hộ các nỗ lực cứu hộ và cứu trợ nhân đạo của chính phủ nước này.

Tính đến thời điểm hiện tại, số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa này lên tới 2.073 người.

Ngoài ra, khoảng 5.000 người vẫn chưa được tìm thấy và gần 90.000 người phải di dời do mất nhà cửa. Giới chức Indonesia cho biết có thể phải mất 2 năm mới có thể ổn định chỗ ở cho những người phải đi sơ tán.

Sự kiện quốc tế 8-14/10: Tuần với nhiều tín hiệu vui ảnh 6Tìm kiếm nạn nhân dưới những đống đổ nát sau trận động đất ở Palu, tỉnh Trung Sulawesi ngày 1/10 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục