Sự kiện trong nước 25-31/7: Báo động mất an toàn hệ thống thông tin

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV bầu nhân sự cấp cao và vụ tin tặc tấn công hệ thống thông tin sân bay là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV bầu nhân sự cấp cao và vụ tin tặc tấn công hệ thống thông tin sân bay là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV bầu nhân sự cấp cao
Trong tuần qua, tiếp tục kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã phê chuẩn nhiều nhân sự cấp cao và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2011-2016 Trần Đại Quang, tiếp tục giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021. Lễ tuyên thệ trang trọng, thiêng liêng đã được tiến hành ngay sau đó.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 Nguyễn Xuân Phúc, tiếp tục giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021. Nghi lễ nhậm chức Thủ tướng đã diễn ra trang trọng.

Quốc hội đã bầu bà Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ chức danh Phó Chủ tịch nước; ông Nguyễn Hòa Bình giữ chức danh Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; ông Lê Minh Trí giữ chức danh Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã làm lễ tuyên thệ nhậm chức.

Quốc hội đã phê chuẩn việc bổ nhiệm 5 Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đối với các ông: ông Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam, Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh.

Quốc hội đã phê chuẩn việc bổ nhiệm 21 Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh gồm: ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Các ủy viên gồm: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Ngoài ra, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017; Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014; thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016; thông qua Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Sự kiện trong nước 25-31/7: Báo động mất an toàn hệ thống thông tin ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc kỳ họp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Xem thêm: Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV bầu nhân sự cấp cao

Vụ tin tặc tấn công hệ thống thông tin sân bay: Yêu cầu rà soát đảm bảo an toàn thông tin
Liên quan tới việc hệ thống thông tin thuộc Vietnam Airlines và một số đơn vị liên quan bị tấn công, xảy ra sự cố, ngày 30/7 Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức ra công văn yêu cầu tăng cường kiểm tra, rà soát, bảo đảm an toàn thông tin.

Theo đó, để tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, phòng ngừa và bảo vệ các hệ thống thông tin quan trọng, không để xảy ra vụ việc tương tự, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan nghiêm túc, khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng tránh hacker.

Cụ thể, các đơn vị phải tiến hành rà soát, kiểm tra, nghiêm túc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thông tin đối với các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý. Trước mắt, cần tập trung rà soát, tăng cường bảo đảm an toàn thông tin đối với tên miền, trang/cổng thông tin điện tử cung cấp thông tin và dịch vụ trực tuyến phục vụ xã hội.

Ngoài ra, đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin và an toàn thông tin của các cơ quan, tổ chức cần chủ động thực hiện các biện pháp kỹ thuật cụ thể để bảo đảm an toàn thông tin theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Cử cán bộ kỹ thuật túc trực để kịp thời thông báo, xử lý các vấn đề phát sinh nếu có.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng giao cho Cục An toàn thông tin và Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) chủ động trong việc theo dõi, giám sát, tiếp tục cảnh báo kịp thời các nguy cơ về mất an toàn thông tin đối với các hệ thống thông tin tại Việt Nam; ban hành ngay văn bản hướng dẫn về quy trình phòng ngừa, ứng cứu, phối hợp xử lý sự cố.

Trước đó, ngày 29/7, cuộc tấn công của nhóm hacker có tên China 1937 vào hệ thống thông tin màn hình ở khu vực làm thủ tục hành khách tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã làm hơn 100 chuyến bay bị ảnh hưởng, trong đó hàng chục chuyến bay bị chậm giờ bay.

Sự kiện trong nước 25-31/7: Báo động mất an toàn hệ thống thông tin ảnh 2Hacker chèn nội dung xuyên tạc lên màn hình tại sân bay.

Xem thêm: Bộ GT-VT lên tiếng về vụ tin tặc tấn công hệ thống thông tin sân bay

Bão số 1 làm ba người chết và mất tích, 10 người bị thương
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương, bão số 1 đã làm 3 người chết và mất tích, 10 người bị thương.

Bão cũng đã làm 8 nhà bị đổ sập hoàn toàn, 4.384 nhà bị tốc mái, hư hỏng, 19 nhà bị ngập nước; 12 tàu cá bị chìm, 4 tàu vận tải bị hư hỏng do sóng đánh xô vào nhau, 75 bè mảng bị chìm; 215.289ha lúa bị ngập úng, 55.283 ha rau màu bị hư hại, 8.306 ha cây trồng lâu năm và cây ăn quả bị gãy, đổ giảm năng suất, 34.093 cây xanh bị đổ, gãy; 13.922 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 150m đường giao thông nông thôn bị sạt lở, hư hỏng.

Đê kè bị sạt lở với tổng số 9 đoạn/831m, kênh mương bị hư hỏng 170m; 826ha và 59 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 17.026 cột điện bị gãy, đổ.

Chính quyền các địa phương tại các tỉnh bị ảnh hưởng của cơn bão số 1 vẫn đang tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão.

Ban Chỉ đạo yêu cầu thực hiện việc thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai, trên cơ sở đó tổng hợp nhu cầu, phân loại và đề xuất hỗ trợ cụ thể gửi về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Sự kiện trong nước 25-31/7: Báo động mất an toàn hệ thống thông tin ảnh 3Cây và cột điện đổ tại phố Ngọc Hà, quận Bà Đình (Hà Nội). (Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN)

Xem thêm: Bão số 1 làm ba người chết và mất tích, 10 người bị thương

7 tháng qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng gần 47%
Theo Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm đến ngày 20/7 đã có 1.408 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp phép mới, với số vốn đăng ký trên 8.695 triệu USD, tăng 31,8% về số dự án và tăng 25,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.

Đồng thời, có 660 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký tăng vốn, với số vốn tăng thêm đạt trên 4.245 triệu USD.

Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 12.940 triệu USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn FDI thực hiện 7 tháng năm nay ước tính đạt 8,6 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong 7 tháng năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có số vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép mới lớn nhất với 5.626 triệu USD, chiếm 64,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 986,2 triệu USD, chiếm 11,3%; các ngành còn lại đạt 2.083 triệu USD, chiếm 24%.

Sự kiện trong nước 25-31/7: Báo động mất an toàn hệ thống thông tin ảnh 4Dây chuyền sản xuất của Công ty Samsung Electronics Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Phong. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Xem thêm: 7 tháng qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng gần 47%

Tốc độ "phủ sóng" đến các ngõ ngách của cửa hàng tiện ích
Với lợi thế dễ dàng len lỏi vào các ngõ ngách, khu dân cư, cửa hàng tiện lợi đang có ưu thế mạnh mẽ trong việc phủ sóng tại các thành phố lớn và đang dần tiến đến nhiều khu vực nông thôn.

Nhiều nhà bán lẻ xác định đây là mô hình kinh doanh chiến lược sẽ đạt hiệu quả cao trong việc mở rộng mạng lưới phân phối và chiếm lĩnh thị phần.

Theo kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, trong ba năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của cửa hàng tiện ích và siêu thị mini tại Việt Nam đã lên đến 200%, từ 1.000 cửa hàng vào năm 2012 tăng lên 2.000 cửa hàng vào cuối năm 2015. Trong khi đó, số lượng cửa hàng tạp hóa đã giảm từ 62% xuống còn 52% ở giai đoạn này.

Tính đến hết tháng 3/2016, Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 500 cửa hàng tiện lợi; trong đó doanh nghiệp nội chiếm 40% trong tổng giá trị đầu tư vào lĩnh vực này. Cụ thể, những thương hiệu đang tăng cường tốc độ phủ sóng của mình trên thị trường có thể kể đến là Vinmart+, B'mart, MiniStop, Circle K.

Ông Vaughan Ryan, Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam, nhấn mạnh người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang có thói quen mua sắm tại tiệm tạp hóa và chưa có sự thay đổi đang kể. So với cửa hàng tiện ích thì tiệm tạp hóa vẫn gần gũi và được ưu chuộng hơn. Tuy nhiên, xu hướng mua sắm hiện đại đang lan rộng, do đó cơ hội phát triển cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và dư địa, không chỉ ở khu vực thành thị mà còn ở nhiều vùng nông thôn.

Sự kiện trong nước 25-31/7: Báo động mất an toàn hệ thống thông tin ảnh 5Khách hàng lựa chọn mua lương thực tại cửa hàng tiện ích. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Xem thêm: Tốc độ "phủ sóng" đến các ngõ ngách của cửa hàng tiện ích

Mitsubishi đầu tư dự án bất động sản trị giá 1,9 tỷ USD ở Việt Nam
Tập đoàn Mitsubishi vừa công bố dự án đầu tư bất động sản quy mô lớn ở Việt Nam với số vốn lên tới 200 tỷ yen (khoảng 1,9 tỷ USD).

Dự án sẽ được thực hiện với đối tác Việt Nam là tập đoàn Bitexco. Đây là một phần trong chiến lược đón đầu nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở các nước châu Á mà Mitsubishi hướng đến.

Dự án này sẽ được triển khai tại vị trí được giới phân tích đánh giá là một trong các khu đất vàng của Hà Nội, nằm trên đường Nguyễn Xiển, với diện tích 190ha, quy mô 8.700 đơn vị nhà ở, trong đó 7.700 nhà chung cư, phân bố trên 17 tòa nhà cao tầng, diện tích mỗi căn chủ yếu dao động từ 70-80m2, giá khoảng 150.000 USD/căn và 1000 nhà ở thấp tầng, diện tích mỗi nhà khoảng 300m2, giá dao động từ 600.000-700.000 USD/nhà.

Dự án còn bao gồm không gian sân vườn, khu thương mại, cao ốc văn phòng và các cơ sở nghiên cứu.

Theo thỏa thuận hợp tác giữa Mitsubishi và Bitexco, Mitsubishi sẽ được bán 240 nhà ở thấp tầng và khoảng 1.000 căn hộ cao tầng trong giai đoạn ban đầu, chi phí ước tính khoảng 30 tỷ yen.

Nhà ở thấp tầng dự kiến có thể chào bán vào tháng 11 tới, trong khi hai tòa chung cư cao tầng sẽ ra mắt vào đầu năm 2017.

Sự kiện trong nước 25-31/7: Báo động mất an toàn hệ thống thông tin ảnh 6Dự án bao gồm cả không gian sân vườn, khu thương mại, cao ốc văn phòng và các cơ sở nghiên cứu. (Nguồn: nikkei.com)

Xem thêm: Mitsubishi đầu tư dự án bất động sản trị giá 1,9 tỷ USD ở Việt Nam

Hàng hóa thông qua các cảng biển tăng hơn 13% so với cùng kỳ
Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết, từ đầu năm đến nay, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 230 triệu tấn, tăng hơn 13% so với cùng kỳ, đạt 48,9% kế hoạch.

Trong đó, hàng container đạt 6,5 triệu TEUs, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 52% so với kế hoạch năm.

Hiện nay, cả nước có 44 cảng biển (250 bến cảng) với 59.405m dài cầu cảng, tổng công suất thiết kế đạt 470-500 triệu tấn hàng/năm.

Thời gian tới, để nâng cao năng lực cảng biển, Cục Hàng hải Việt Nam tập trung hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai các quy hoạch, đề án bao gồm Đề án Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam (ICD) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Duy trì đội tàu biển Việt Nam trong danh sách trắng-xám của Tokyo-MOU...

Sự kiện trong nước 25-31/7: Báo động mất an toàn hệ thống thông tin ảnh 7Bốc xếp hàng hóa tại Cảng Hải Phòng. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Xem thêm: Hàng hóa thông qua các cảng biển tăng hơn 13% so với cùng kỳ

Xem xét lại quy trình cấp phép các dự án đầu tư nước ngoài
Trong phiên họp ngày 25/7 tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XIV, vụ việc liên quan đến thảm họa môi trường Formosa vẫn là tâm điểm thu hút sự quan tâm. Phóng viên TTXVN đã ghi nhận chia sẻ của một số đại biểu xung quanh việc giám sát và phê duyệt các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), ngoài Formosa còn một số vụ “lình xình” đáng được quan tâm nữa như lấp sông Đồng Nai chẳng hạn. Bởi vậy, cần phải rà soát các quy định pháp lý về xem xét, phê duyệt, phê chuẩn các dự án đầu tư nước ngoài vì trên thực tế vẫn còn quá nhiều điểm sơ hở.

Tại dự án Formosa, khi phê duyệt phải đánh giá cả các tác động của nó đối với môi trường ngay cả khi đã vận hành đầy đủ. Trước đây, trong các luận chứng kinh tế khả thi đáng lý là phải có đầy đủ từ chỉ tiêu tài chính kinh tế, giá trị đầu tư và cả tác động môi trường vì môi trường luôn có các tác động ngược trở lại tài chính nếu xảy ra các sự cố phát sinh.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa kiến nghị, trong chương trình giám sát của Quốc hội cần làm rõ trách nhiệm. Đồng thời, đề xuất có giám sát chuyên đề về pháp luật, đặc biệt cần giám sát riêng về cấp phép đầu tư; trong đó, có bảo vệ tài nguyên và môi trường. Các quy định phải mang tính hệ thống và chặt chẽ vì nếu không, các bộ ngành sẽ làm không thống nhất, không đầy đủ, thiếu trách nhiệm và sẽ có phát sinh. Không chừng, vài năm nữa lại có thêm Formosa mới, ông Nghĩa cảnh báo.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng nên xem xét lại hệ thống pháp luật lẫn công tác giám sát của Quốc hội. Trong câu chuyện Formosa, vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh nằm ở đâu. Bản thân các Ủy ban có liên quan, kể cả các đại biểu đã làm gì trong quá trình người dân phản ánh. Do đó, đây là cơ hội để rà soát lại tất cả, không chỉ nhằm vào duy nhất Formosa.

Quy trình là thủ tục, mà thủ tục do con người vận hành nhưng điều quan trọng là không có ai giám sát. Hiện đang thiếu sự giám sát, thiếu cơ chế để người dân giám sát bởi họ sẽ trực tiếp nhất vì liên quan sát sườn. Chính người dân đã phát hiện ra vụ việc này, trong khi các cơ quan chức năng còn lúng túng, cần thời gian và cần biện pháp khoa học.

Trong Quốc hội nhiều thành phần là cơ quan hành pháp nên không thể vừa đá bóng vừa thổi còi. Ở địa phương có nhiều vấn đề, tính cả nể cũng như cơ chế khiến các đại biểu Quốc hội không thể phát huy hết vai trò của mình, tạo nên hạn chế cho Quốc hội. Đơn cử như ông Võ Kim Cự khi đó đã từng là Chủ tịch, rồi vừa là Bí thư kiêm Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh thì làm sao giám sát được - đại biểu Dương Trung Quốc nhận xét.

Sự kiện trong nước 25-31/7: Báo động mất an toàn hệ thống thông tin ảnh 8Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh chính thức thừa nhận gây ra sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung. (Nguồn: TTXVN)

Xem thêm: Xem xét lại quy trình cấp phép các dự án đầu tư nước ngoài

Việt Nam phản đối việc quan chức Đài Loan ra khu vực Ba Bình
Ngày 28/7, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin một số quan chức Đài Loan đã ra khu vực Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:

“Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của nước ngoài tại các khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam đều là bất hợp pháp.

Vừa qua, việc một số quan chức Đài Loan ra khu vực Ba Bình đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Đài Loan không tái diễn các hành động tương tự, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”./.

Sự kiện trong nước 25-31/7: Báo động mất an toàn hệ thống thông tin ảnh 9Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Nguồn: scmp.com)

Xem thêm: Việt Nam phản đối việc quan chức Đài Loan ra khu vực Ba Bình

Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố điểm sàn đại học 2016
Sáng nay, Hội đồng xác định ngưỡng điểm bảo chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì đã họp và chính thức công bố ngưỡng điểm sàn của kỳ tuyển sinh đại học năm 2016.

Theo đó, điểm sàn của các tổ hợp môn thi là 15 điểm.

Mức điểm sàn năm nay không thay đổi so với năm 2015.

Năm 2015, ngưỡng điểm sàn cho tất cả các tổ hợp môn xét tuyển đại học là 15 điểm. Mức điểm sàn đầu vào cho bậc cao đẳng là 12 điểm, thấp hơn bậc đại học 3 điểm. Năm nay, Bộ đã bỏ điểm sàn bậc cao đẳng.

Ngay sau khi công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường đại học, học viện, cao đẳng căn cứ vào tình hình thực tế công bố công khai điều kiện nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 1. Trong đó, trường thông báo rõ mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo trước ngày 1/8.

Trước mỗi đợt xét tuyển bổ sung, các trường phải thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường và báo cáo Bộ kết quả trúng tuyển của từng đợt và thông tin xét tuyển của đợt bổ sung tiếp theo (nếu có) để công bố rộng rãi, hỗ trợ thí sinh đăng ký xét tuyển.

Sự kiện trong nước 25-31/7: Báo động mất an toàn hệ thống thông tin ảnh 10Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Xem thêm:​Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố điểm sàn đại học 2016

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục