Ngoài hiện diện trong thuốc lá, nicotine còn được tìm thấy ở trong một số loại thực vật khác như cà chua, cà tím, khoai tây hay ớt chuông.
Trong y học, nicotine được dùng trong các liệu pháp thay thế nicotine thông thường khá đa dạng và phổ biến như miếng dán nicotine, kẹo nhai nicotine… được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận.
Là chất gây nghiện nhưng nicotine lại được ứng dụng để cai thuốc lá
Nicotine là chất gây nghiện mạnh, do vậy nghiện thuốc lá cũng chính là do nghiện nicotine. Khi đi vào cơ thể, nicotine kích thích tuyến thượng thận, dẫn đến việc giải phóng adrenaline. Adrenaline kích thích cơ thể giải phóng glucose ngay lập tức, từ đó làm tăng nhịp tim, hoạt động hô hấp và huyết áp.
Nhìn chung, nicotine là hoạt chất tồn tại trong cuộc sống hằng ngày, tuy nhiên khi được dùng ở liều lượng khác nhau, chất này sẽ gây những tác động khác nhau lên cơ thể.
[Thuốc lá thế hệ mới và khái niệm khoa học 'lợi ích lớn hơn nguy cơ']
Ngoài được biết đến là có trong thuốc lá, nicotine được sử dụng rộng rãi trong y khoa. Đơn cử như trong các liệu pháp thay thế nicotin thông thường (Nicotine Replacement Therapy - NRT) như miếng dán nicotin, xịt nicotin, kẹo gum nicotin… Các liệu pháp cai thuốc lá này đã được WHO công nhận và khuyến cáo thực hiện.
Các chuyên gia y tế sẽ sử dụng miếng dán nicotine để dùng làm liệu pháp cai thuốc lá tạm thời. Khi tiếp xúc với da, nicotine sẽ thấm từ từ qua da vào máu của người sử dụng, giúp thỏa mãn nhanh nhu cầu về nicotine của cơ thể, nhờ đó giảm thiểu các cơn thèm thuốc.
Ngoài ra, các chuyên gia y tế nhấn mạnh sử dụng miếng dán nicotine cũng an toàn hơn cho sức khỏe so với hút thuốc lá, vì ngoài nicotine, trong miếng dán ko chứa chất độc khác giống như trong khói thuốc lá là benzene, hắc ín. Do không có phản ứng đốt cháy như thuốc lá điếu, nên có thể gọi đây là dạng nicotine “không khói."
Nicotine “không khói” liệu có thay thế hoàn toàn thuốc lá điếu?
Tổ chức Y tế Thế giới dự đoán từ nay đến trước năm 2025, thế giới sẽ vẫn có hơn 1 tỷ người hút thuốc lá. Trong nhiều thập kỷ qua, giới nghiên cứu khoa học luôn nỗ lực trong việc tìm ra giải pháp thay thế tốt hơn cho những người đang hút thuốc lá điếu, nhằm giúp họ cai bỏ hoàn toàn, hoặc chuyển đổi sang các giải pháp có hàm lượng chất gây hại ít hơn.
Mặc dù các liệu pháp thay thế nicotine thông thường được đánh giá là an toàn nhất trong các sản phẩm có chứa nicotine, thế nhưng lại chưa đáp ứng đúng nhu cầu của người hút thuốc.
Thạc sỹ-bác sỹ Lê Đình Phương - Trưởng khoa Nội tổng quát và Y học Gia đình Bệnh viện FV cho biết người nghiện hút thuốc ngoài nghiện nicotine, còn nghiện các hành vi có điều kiện như thói quen cầm điếu thuốc, hút một điếu thuốc để giải lao, hoặc động tác rít, hít điếu thuốc…
Khi đề cập đến cai thuốc lá, các chuyên gia y tế nhấn mạnh cần cai cả nicotine và hành vi. Đây là điều mà rất ít người hút thuốc lá có thể thực hiện thành công.
Đến nay, giải pháp “nicotine không khói," ngoài được ứng dụng trong các liệu pháp thay thế nicotine, còn được ứng dụng sản xuất những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử, thuốc lá ngậm snus.
Mặc dù những sản phẩm này không thể so sánh được với các liệu pháp thay thế nicotine thông thường về mức độ an toàn, nhưng được xác minh là có hàm lượng các chất gây hại ít hơn so với thuốc lá điếu.
Vẫn theo thạc sỹ-bác sỹ Lê Đình Phương, người hút thuốc lá điếu bị lệ thuộc vào nicotine tuy nhiên, chất nicotine chỉ chiếm 5% độc tính, các chất khác có trong khói thuốc lá chiếm cả 95% độc tính còn lại.
Nếu không thể cai nghiện hoàn toàn thuốc lá thì “thay vì hút một điếu thuốc lá với tất cả độc hại thì có thể chọn thay thế bằng sản phẩm chỉ chứa nicotine và giảm những độc tính khác; hơn nữa, khí thở ra chỉ chứa hơi nước và tỷ lệ thấp chất gây ung thư, vì thế, việc gây hại do hút thuốc thụ động cũng thấp hơn," bác sỹ Phương nêu ý kiến.
Theo kết quả báo cáo gần nhất, chọn giải pháp “nicotine không khói” với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đã làm thay đổi đáng kể cục diện ngành thuốc lá trong vài năm qua.
Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE), thuộc Bộ Y tế Anh quốc, đã khuyến cáo những người hút thuốc lá điếu, nếu không thể cai nghiện, chuyển đổi sang các sản phẩm thuốc lá không khói.
Tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở Anh đã giảm 25% kể từ năm 2013, khi thuốc lá không khói trở nên phổ biến. Còn tại Thụy Điển, cung do cởi mở đối với snus (thuốc lá ngậm), tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá điếu ở nước này thấp nhất trong số các quốc gia phát triển, chỉ ở mức 7%.
Chiến lược chống thuốc lá trên toàn cầu hiện đang có sự điều chỉnh. Nicotine không còn là đối tượng bị khoa học “tấn công” mạnh nhất nữa, thay vào đó các chuyên gia y tế xác định khói của thuốc lá điếu mới là tác nhân cần loại trừ.
Nhiều quan điểm trong giới chuyên gia cũng cho rằng nếu chấp nhận giải pháp dùng nicotine trong y tế như một liệu pháp cai thuốc lá thông thường (chẳng hạn như miếng dán nicotine, xịt nicotine, kẹo gum nicotine…) thì cũng không nên “không nên phân biệt đối xử” với nicotine trong các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới./.