Sự quyết đoán mới trong chính sách ngoại giao của Australia

Dù có những khoảng thời gian Australia theo đuổi chính sách ngoại giao thầm lặng nhưng cũng có những thời điểm Canberra cần phải lên tiếng thể hiện lo ngại và thuyết phục các quốc gia khác.
Sự quyết đoán mới trong chính sách ngoại giao của Australia ảnh 1 Ngoại trưởng Australia Marise Payne. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bất chấp nguy cơ "đổ thêm dầu vào lửa" trong mối quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Australia và Trung Quốc, Ngoại trưởng Australia Marise Payne mới đây đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc "góp phần gieo rắc bầu không khí lo ngại và chia rẽ” về dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19).

Tại một sự kiện được tổ chức ở trường Đại học An ninh Quốc gia Australia tối 16/6, Ngoại trưởng Payne nhấn mạnh rằng dịch COVID-19 đang tạo ra “mảnh đất màu mỡ” cho tin giả, đồng thời nhấn mạnh những biện pháp mà Twitter đã triển khai để phơi bày các hoạt động đáng lên án trên nền tảng này của Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng.

Bà Payne thậm chí còn cho rằng việc Trung Quốc khuyến cáo công dân tránh đến Australia vì lo ngại nguy cơ trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công phân biệt chủng tộc là thông tin sai lệch. Ngoại trưởng Australia nhấn mạnh: “Ở những thời điểm như hiện nay, điều chúng ta cần là hợp tác và thấu hiểu.”

Nhà ngoại giao hàng đầu của Australia viện dẫn báo cáo của Ủy ban châu Âu về việc các phần tử nước ngoài và các quốc gia, dẫn đầu là Nga và Trung Quốc, thực hiện các chiến dịch “thông tin sai lệch,” với mục đích phá hoại tiến trình tranh luận dân chủ và gây ra nhiều hiểu lầm về đại dịch.

Bà Payne cho biết một ngày sau khi báo cáo được phát hành, Twitter - mạng xã hội trực tuyến nổi tiếng trên toàn cầu - đã gỡ bỏ hơn 32.000 tài khoản được cho là có liên kết tới các hoạt động tuyên truyền nhà nước ở Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Australia nói: "Thật rắc rối khi một số quốc gia tìm cách lợi dụng đại dịch để phá hoại nền dân chủ tự do và thúc đẩy các mô hình độc đoán hơn của riêng họ."

Bà Payne kỳ vọng các tổ chức đa phương như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ đóng vai trò là “kho thông tin chính thống để các chính phủ có thể dựa vào đó, đưa ra các quyết định bảo vệ công dân của mình.”

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, liên quan đến những tranh cãi của nhiều chuyên gia chính sách đối ngoại và các nghị sỹ thuộc Công đảng đối lập về việc Australia gần đây tiên phong thúc đẩy một cuộc điều tra toàn cầu về COVID-19, đổ lỗi rằng nỗ lực này của chính phủ đã khiến Trung Quốc “ngầm” trả đũa kinh tế đối với Australia, dẫn đến thiệt hại khoảng 1 tỷ USD xuất khẩu thịt bò và lúa mạch, người đứng đầu ngành ngoại giao Australia khẳng định nước này cần có một vị trí ổn định hơn trên trường quốc tế, nếu không muốn bị các quốc gia khác chiếm mất cơ hội.

Bà Payne cho rằng thay vì “suy nghĩ trong một phạm vi hạn hẹp, rụt rè với những mục đích và lo sợ rủi ro,” Australia nên đưa ra các quyết định dù khó khăn nhưng ưu tiên cho vấn đề chủ quyền, cũng như lợi ích dài hạn của quốc gia.

Tháng trước, WHO đã nhất trí thông qua kiến nghị xúc tiến một cuộc điều tra độc lập về COVID-19 với kỷ lục 145 nhà đồng tài trợ, trong đó Australia cùng với Liên minh châu Âu (EU) là hai nhân tố đóng vai trò chủ chốt.

Ngoại trưởng Payne nhấn mạnh rằng dù có những khoảng thời gian Australia theo đuổi chính sách ngoại giao thầm lặng ở hậu trường, nhưng “cũng có những thời điểm Canberra cần phải lên tiếng thể hiện lo ngại và thuyết phục các quốc gia khác về sự cần thiết của hành động.”

Trong bài phát biểu của mình, Ngoại trưởng Australia kêu gọi các quốc gia nỗ lực ủng hộ các tổ chức quốc tế như WHO cùng chống lại “dịch thông tin giả.”

Bà Payne nói: “Chúng ta sẽ làm điều đó bằng sự thật và sự minh bạch, với nền tảng là các giá trị dân chủ mà chúng ta tiếp tục thúc đẩy ở cả trong và ngoài nước.”

Bà cũng lưu ý rằng đã có một sự “xem xét kỹ lưỡng” về hiệu suất làm việc của WHO khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu, khẳng định sẽ không có một thể chế nào khác có thể thay thế WHO trong việc tập hợp các nỗ lực của mọi quốc gia để cải thiện hệ thống an ninh và y tế trên toàn thế giới.

Những công việc quan trọng và thiết thực mà WHO đã thực hiện không thể bị “làm lu mờ” bởi các câu hỏi liên quan đến hoạt động của “cơ quan đầu não” WHO tại Geneva.

Trong suốt hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc đã từng bước củng cố ảnh hưởng của mình trong nhiều cơ quan thuộc Liên hợp quốc, với 4 trong số 15 cơ quan chuyên môn hiện do các công dân Trung Quốc đứng đầu.

Theo bà Payne, các cơ quan toàn cầu đang trải qua những thách thức căng thẳng chưa từng có từ một kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược mới, sự thay đổi trong quyền lực toàn cầu, mâu thuẫn về công nghệ và các thách thức an ninh, y tế và kinh tế phức tạp.

Australia đã chứng kiến những ảnh hưởng mà công dân Australia trong nước và cả ở nước ngoài bị tác động do các hành động y tế công cộng toàn cầu - hoặc không hành động. Vì vậy, Australia có một động lực mạnh mẽ để thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc làm cho WHO hiệu quả nhất có thể.

Herve Lemahieu, Giám đốc Chương trình Ngoại giao và Quyền lực châu Á của Viện Lowy, cho biết việc thúc đẩy cuộc điều tra độc lập của Australia là một thành tựu quan trọng, vì nó cho thấy khả năng tạo ra sự ảnh hưởng đến hành vi của Trung Quốc "khi chúng ta có sức mạnh về số lượng."

Ông Lemahieu nói: “Đây thực sự mới chỉ là khởi đầu cho những gì tiếp theo - điều cần thiết phía sau đó là chúng ta phải thúc đẩy một loạt các nghĩa vụ y tế quốc tế khác.”

Theo ông Lemahieu, đó không chỉ là sự độc lập của ban thư ký WHO, mà còn là khả năng đưa ra cảnh báo, và thậm chí có thể bao gồm cả các biện pháp trừng phạt, đối với việc không tuân thủ các nghĩa vụ y tế quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục