Sudan: TMC và phe đối lập thành lập ủy ban giải quyết bất đồng

Hội đồng quân sự chuyển tiếp (TMC) và lực lượng đối lập tại Sudan ngày 24/4 đã nhất trí thành lập một ủy ban giải quyết các bất đồng trong bối cảnh leo thang căng thẳng tại quốc gia châu Phi này.
Sudan: TMC và phe đối lập thành lập ủy ban giải quyết bất đồng ảnh 1Hàng nghìn người biểu tình tập trung bên ngoài tổng hành dinh quân đội ở thủ đô Khartoum, phản đối Hội đồng quân sự chuyển tiếp điều hành đất nước. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hội đồng quân sự chuyển tiếp (TMC) và lực lượng đối lập tại Sudan ngày 24/4 đã nhất trí thành lập một ủy ban giải quyết các bất đồng trong bối cảnh leo thang căng thẳng về thời hạn chuyển tiếp sang chính quyền dân sự sau khi cựu Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ.

Phát biểu trên đài truyền hình sau cuộc gặp với phe đối lập, người phát ngôn TMC Shams El Din Kabbashi khẳng định TMC và phe đối lập là những đối tác cùng mang lại sự an toàn cho Sudan.

Theo ông, TMC đã nhất trí hầu hết các yêu cầu của phe đối lập. Dù không nêu rõ hai bên có đạt được đồng thuận về yêu cầu chính mà phe đối lập đưa ra đó là chuyển giao quyền lực cho chính quyền quân sự hay không, song theo ông Kabbashi, hiện "không còn bất đồng lớn."

[Sudan: Hội đồng Quân sự chuyển tiếp đề nghị gặp các thủ lĩnh biểu tình]

Kể từ khi Tổng thống al-Bashir bị lật đổ, TMC và phe đối lập vẫn bất đồng về thời gian tiến hành chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự.

Trong khi phe đối lập yêu cầu nhanh chóng thực hiện tiến trình này, TMC lại cho rằng quá trình thực hiện có thể phải mất tới 2 năm. Do đó, TMC đã đề nghị gặp các thủ lĩnh biểu tình để tìm giải pháp.

Ngay sau khi cuộc họp trên kết thúc, TMC thông báo 3 trung tướng là thành viên của hội đồng này đã từ chức, trong đó có Trung tướng Omar Zain al-Abideen, người đứng đầu ủy ban chính trị của TMC.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh lực lượng đối lập kêu gọi biểu tình lớn trong ngày 25/4 nếu TMC không chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự.

Một nguồn tin cho biết một trong số những yêu cầu mà phe đối lập Sudan đưa ra đó là 3 trung tướng trên phải từ chức.

Hiện hàng nghìn người biểu tình vẫn đang dựng trại bên ngoài các sở chỉ huy quân sự ở trung tâm thủ đô Khartoum.

Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn sau khi các thẩm phán Sudan lần đầu tiên tuyên bố tham gia cuộc biểu tình ngồi trước các sở chỉ huy quân sự nhằm "ủng hộ sự thay đổi và một nền tư pháp độc lập"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục