Ngày 17/1, cựu chuyên gia kinh tế hàng đầu của Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới Joseph Stiglitz cho rằng tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn còn kéo dài.
Chủ nhân Giải Nobel Kinh tế, giáo sư kinh tế trường Đại học Columbia này nhận định mặc dù kinh tế toàn cầu đang phục hồi khả quan, nhưng tác động của cuộc khủng hoảng được coi là lớn nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước sẽ kéo dài 2-3 năm nữa.
Phát biểu tại hội thảo kinh tế ở thủ đô Pretoria của Nam Phi, ông Joseph Stiglitz lưu ý rằng cuộc khủng hoảng kinh tế mới đây trầm trọng hơn nhiều so với dự đoán.
Nền kinh tế toàn cầu kết thúc năm 2010 với sự phân chia sâu sắc hơn so với đầu năm, giữa một bên là các nền kinh tế thị trường mới nổi tăng trưởng nhanh và một bên là châu Âu và Mỹ trì trệ, có nguy cơ rơi vào suy thoái kép. Trong khi đó, tổng sản phẩm kinh tế của châu Á quá nhỏ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhưng đủ để đẩy giá hàng hóa thế giới tăng cao.
Những nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế của Mỹ hiện đang có nguy cơ phản tác dụng. Trong thị trường tài chính toàn cầu hóa, đồng tiền sẽ đổ về nơi có triển vọng nhất là châu Á, chứ không về Mỹ.
Ông Stiglitz nhận định mối đe dọa thậm chí còn lớn hơn đối với nền kinh tế toàn cầu hiện nay là làn sóng "thắt lưng buộc bụng." Sự nôn nóng thanh toán nợ của các nước có thể tiếp tục gây bất ổn định thị trường tài chính toàn cầu.
Trong thế giới hội nhập, sự suy thoái nếu xảy ra ở châu Âu sẽ làm trầm trọng hơn suy thoái ở Mỹ và ngược lại.
Trước dự đoán trên, ông Stiglitz kêu gọi các chính phủ tăng cường quản lý tỷ giá hối đoái để chúng ổn định và có sức cạnh tranh, trong bối cảnh việc in tiền ồ ạt ở Mỹ có thể khiến những đồng tiền quốc tế mất dần sức cạnh tranh.
Dự trữ ngoại tệ lớn ở châu Á cần phải được tái phân bố để đáp ứng nhu cầu toàn cầu chống biến đổi khí hậu và tạo việc làm. Trong khi đó, đầu tư nhằm giảm tác động của biến đổi khí hậu cũng hết sức cần thiết để phục hồi kinh tế bền vững./.