Tài chính liệu đã là sự đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng xanh?

Huy động 30 tỷ USD cho mục tiêu tăng trưởng bền vững là bài toán không đơn giản, bên cạnh đó công chúng còn có một câu hỏi, nếu có khoản tài chính trên Việt Nam sẽ có nền kinh xanh sau 5 năm?
Tài chính liệu đã là sự đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng xanh? ảnh 1Thu hồi gỗ khai thác trái phép. (Ảnh: Võ Hùng/Vietnam+)

30 tỷ USD là con số được đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra dự trù mức kinh phí thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam từ nay đến năm 2020. Được biết, nguồn kinh phí này sẽ khai thác khoảng 70% từ khu vực ngoài nhà nước.

Nhưng, thực tế để huy động được nguồn tiền này không phải đơn giản, hơn nữa, công chúng cũng có quyền đặt câu hỏi, nếu có khoản tài chính trên Việt Nam có đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững sau 5 năm nữa như Chiến lược đề ra.


Chủ trương luôn có…

Không phải đến thời điểm bây giờ Việt Nam mới chú trọng phát triển xanh và tăng trưởng bền vững, bởi từ nhiều năm nay, các giải pháp chiến lược cụ thể được xây dựng đồng bộ cả về tài chính, tuyên truyền, đào tạo, thanh kiểm tra đến chế tài xử phạt… đồng thời cũng đã được áp dụng triển khai rộng rãi trong cuộc sống.

Song trong đời sống-xã hội, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt, khám chữa bệnh… vẫn ngang nhiên xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí (như các trường hợp của Công ty Vedan, Công ty San Miguel Pure Foods, Đa khoa Yên Sơn-Tuyên Quang... xả chất thải), các con sông ô nhiễm nặng và khô cạn (sông Đồng Nai, sông Nhuệ-Đáy, sông Hồng), các cánh rừng bị tàn phá, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm tràn làn, … đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ thậm chí là gia tăng cả về số vụ việc và mức độ nghiêm trọng.

Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, Phó Ban Tuyên truyền lý luận - Báo Nhân Dân khẳng định, ở Việt Nam, chủ trương phát triển kinh tế xanh, bền vững đã được nhận thức rất sớm và thể hiện nhất quán với nội dung ngày càng hoàn thiện.

Ông Phong thẳn thắn đưa ra các dẫn chứng cụ thể, tại Chiến lược Phát triển kinh tế- xã hội (thời kỳ1991- 2000) của Việt Nam nhấn mạnh “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường”; Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội (thời kỳ 2001 - 2010) của Việt Nam tiếp tục khẳng định “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”; Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam (giai đoạn 2011 - 2020) được Chính phủ phê duyệt từ năm 2012 và gần đây Chính phủ đã ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020.

Tài chính liệu đã là sự đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng xanh? ảnh 2Một đoạn sông Nhuệ nước đen đặc chảy qua địa bàn huyện Thường Tín. (Ảnh: Hoàng Lâm/TTXVN)

GDP tăng 1% thì ô nhiễm môi trường “lấy lại” 3%

Bên cạnh đó, ông Phong cho rằng, “mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa quan trọng trong phát triển của đất nước song những thành tựu đạt được chưa vững chắc. Chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp, chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, khai thác và sử dụng nhiều tài nguyên, lao động giá rẻ... khiến tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường gia tăng. Việt Nam còn là một trong số các quốc gia sẽ chịu tác động rất lớn của biến đổi khí hậu toàn cầu.”

Theo công bố từ Báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, tăng trưởng kinh tế GDP bình quân của Việt Nam (từ năm 2001 đến năm 2014) là tăng 6,82%/năm. Tuy nhiên, số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) lại chỉ ra, tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam gây thiệt hại đến 5% tổng sản phẩm nội địa GDP hằng năm.

Ngoài khoản thiệt hại này, Việt Nam còn phải chi ra khoảng 780 triệu USD/năm cho công tác chữa trị những chứng bệnh do ô nhiễm môi trường gây ra (khoảng 20 triệu USD chi phí trực tiếp cho việc khám chữa bệnh tả, thương hàn, lỵ và sốt rét...)

Chưa kể đến những tổn thất do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, thiên tai gia tăng cả về quy mô cũng như chu kỳ lặp lại, từ đó làm mất đi nhiều thành quả của quá trình phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.

Trong giai đoạn 2002-2010, thiệt hại do thiên tai gây ra trên phạm vi cả nước thấp nhất là 0,14% GDP (năm 2004) và cao nhất là 2% GDP (năm 2006). Tính bình quân trong 15 năm qua, thiên tai đã gây tổn hại khoảng 1,5% GDP hằng năm. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế-môi trường trong nước, cứ tăng 1% GDP thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP.

Ngoài tổn thất kinh tế thì ô nhiễm môi trường cũng sẽ tác động tiêu cực và trực tiếp tới sức khỏe con người với tỷ lệ chi trả để bảo vệ chăm sóc sức khỏe của năm 2010 khoảng 0,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ tăng lên tới 1,2% GDP năm 2020. (Nguồn: Ban Kinh tế Trung ương).


Thái độ lịch sự có quan hệ như thế nào với môi trường

Bối cảnh toàn cầu hóa, những quy ước thông thường trong kinh tế học đã có sự “phá vỡ”. Nếu như “Kinh tế học hài ước” (Steven D. Levitt) từng mở ra một cuộc cách mạng về tư duy thì nay “Siêu kinh tế học hài ước” (Steven D. Levitt và Stephen J. Dubner) lại một lần nữa minh chứng các vấn đề có tính “siêu” vi mô cũng có thể tác động chi phối đến những vấn đề mang tầm cỡ vĩ mô.

Trong đời sống, có bao nhiêu công dân đã tiếp cận và tìm hiểu nội dung của“chiến lược hành động quốc gia về tăng trưởng xanh”? Song với bất kỳ người dân nào mỗi khi bước chân từ trong nhà ra đến xã hội, họ đều dễ dàng chứng kiến những hình ảnh quá đỗi bình thường và rất phổ biến, như một người trí thức sẵn sàng vứt rác bừa bãi, một công dân điều khiển chiếc ô-tô hạng sang bấm còi xe ầm ĩ… Giữa những con phố trung tâm của Thủ đô, những chiếc xe khách, xe buýt không hiểu lý do nào mà vẫn có thế vượt qua cơ quan đăng kiểm, xả khói đen nghi ngút trên đường.

Tại những chợ truyền thống, các bà nội trợ luôn được gắn với cái mác “người tiêu dùng thông minh.” Nhưng họ có thể “thông minh” được không khi chính người bán hàng còn không nắm chắc về chất lượng, nguồn gốc thực phẩm mình bán ra đồng thời người nuôi-trồng lại không thể hiểu rõ xuất xứ, chất lượng, vi lượng những chất động hại có trong chất bảo quản, chất phụ gia, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc… mà họ sử dụng.

Quyền công dân là được kinh doanh sinh sống nhưng không phải vì thế mà hè phố trở thành quán ăn thậm chí phát triển thành nét văn hóa tại các thành phố, đô thị lớn. Trong đó, một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên, thế hệ “trụ cột” trực tiếp thực thi chiến lược phát triển kinh tế xanh quốc gia đang sẵn sàng “hồ hởi” với những món ăn đường phố, vấn đề đến vệ sinh an toàn thực phẩm gần như rất được ít chú ý, với ​câu cửa miệng “khuất mắt trông coi.”

Tài chính liệu đã là sự đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng xanh? ảnh 3Các quán ăn hè phố tại Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Người đi đường khạc nhổ, thú nuôi cảnh phóng uế trên đường phố… cũng không phải là xa lạ, chưa có một nghiên cứu kinh tế chính thức đưa ra về những căn bệnh truyền nhiễm và sự quá tải của các bệnh viện cùng các chi phí khám, chữa bệnh liên quan đến những thói quen này.

Ứng xử “lịch sự” với môi trường không còn đơn thuần là nét văn hóa, “Siêu kinh tế học hài ước” cho thấy yếu tố "nhỏ bé" này có thể sẽ hứa hẹn sự góp không nhỏ vào việc giảm thiểu chi phí ​cho tăng trưởng xanh đồng thời là một trong những nhân tố đóng góp vào sự thành công của một chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững của mỗi quốc gia, không chỉ riêng Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục