Đồng Nai: Công nghiệp hóa gắn liền với tăng trưởng xanh

Xác định rõ nguồn vốn FDI đóng vai trò lớn trong phát triển kinh tế, song Đồng Nai cũng đã từ chối không ít các dự án có công nghệ lạc hậu, nhiều chất thải, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Đồng Nai: Công nghiệp hóa gắn liền với tăng trưởng xanh ảnh 1Dây chuyền sản xuất kẹo tại Công ty cổ phần Bánh kẹo Biên Hòa, Đồng Nai. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, từ một địa phương có nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, cuối năm 2014, Đồng Nai đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh có GDP bình quân đầu người xếp vào diện nhất nhì cả nước.

Tỷ trọng công nghiệp-xây dựng chiếm 56,9% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, trong đó, công nghiệp giữ vai trò chủ đạo, tạo điều kiện thúc đẩy các nền kinh tế khác phát triển, nhất là dịch vụ và nông nghiệp.

Tạo sức bật từ phát triển công nghiệp

Trong 5 năm trở lại đây, Đồng Nai luôn giữ mức tăng trưởng từ 12%/năm trở lên, cao hơn mức tăng trưởng bình quân vùng Đông Nam Bộ và gấp 2 lần mức tăng trưởng bình quân cả nước (5,8%).

Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh hiện đạt trên 64 triệu đồng/người/năm. Từ một tỉnh nhập siêu, địa phương hiện nằm trong top 5 tỉnh, thành có số vốn FDI đứng đầu cả nước.

Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã có 31 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 9.559,35ha; trong đó, 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy bình quân 67%. Các khu công nghiệp trên đều đã hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi tiếp nhận các dự án đầu tư.

Đồng Nai cũng là một trong số ít địa phương thu hút được nhiều dự án có quy mô vốn trên 100 triệu USD như Formosa-Đài Loan; Vedan-Singapore & Đài Loan; Hualon-Malaysia & Đài Loan; Fujitsu-Nhật Bản….

Vốn đầu tư nước ngoài đã là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế địa phương, nhất là đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa.

Tính đến giữa tháng 5/2015, tổng số dự án đầu tư nước ngoài lũy kế được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn tỉnh là 1.488 dự án với tổng vốn đầu tư 27,10 tỷ USD; trong đó, số dự án còn hiệu lực là 1.133 dự án.

Ông Đình Quốc Thái, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, năm 2015, cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã cải thiện đáng kể.

Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây đi vào hoạt động cùng với các cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistic thực hiện tốt đáp ứng yêu cầu thông thương với các tỉnh lân cận. Đặc biệt, khi sân bay quốc tế Long Thành được đầu tư xây dựng sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Công nghiệp hóa nông nghiệp-nông thôn

Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, giá trị sản xuất nông nghiệp của Đồng Nai hiện tăng cao hơn 0,7% so với cả nước. Cơ cấu nông nghiệp có sự chuyển dịch rõ nét theo hướng giảm tỷ trọng lĩnh vực trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp.

Đây là hướng chuyển dịch đúng nhằm phát huy tốt tiềm năng lợi thế và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững về kinh tế-xã hội và môi trường.

Hiện giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất nông nghiệp đạt 98 triệu đồng/ha, tăng gần 48 triệu đồng/ha so với năm 2009.

Đồng Nai đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh nông nghiệp mang lại giá trị cao như vùng chuyên canh ngô, xoài, tiêu, chôm chôm, thanh long, các trang trại nuôi lợn, gà với quy mô lớn…

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 32 triệu đồng/người/năm.

Đồng Nai cũng là tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất khu vực phía Nam, với trên 1,2 triệu con lợn, đàn gà hơn 12 triệu con. Toàn tỉnh có gần 3.000 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đang hoạt động; trong đó, 253 cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh, đạt 56,22% so với chỉ tiêu đề ra đến năm 2015.

Nổi bật nhất trong quá trình đổi mới ngành nông nghiệp của tỉnh là đã gắn quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Cách làm này đã giúp tăng nhanh năng suất, chất lượng, thu nhập của người nông dân, góp phần xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng và đô thị hóa nông thôn. Các lĩnh vực như giao thông, trường học, trạm y tế được chú trọng đầu tư làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Năm 2014, Đồng Nai là địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, hiện đã có 52/136 xã và 2 đơn vị cấp huyện (huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh) được công nhận là huyện hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trong năm nay, tỉnh phấn đấu có thêm 12 xã và 3 huyện hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 64 xã và 5 huyện trong toàn tỉnh hoàn thành tiêu chí này.

Thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đinh Quốc Thái khẳng định, dù tập trung cho phát triển công nghiệp, nhưng Đồng Nai vẫn luôn đặt vấn đề bảo vệ môi trường lên đầu.

Những năm gần đây, địa phương thực hiện thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc, hướng đến phát triển các khu công nghiệp xanh.

Bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho biết, Đồng Nai tuy xác định rõ nguồn vốn FDI đóng vai trò lớn trong phát triển kinh tế, song những năm gần đây, địa phương đã từ chối không ít dự án có công nghệ lạc hậu, nhiều chất thải, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Một số doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp có nhu cầu mở rộng sản xuất, nhưng không đảm bảo các tiêu chí đặt ra cũng bị từ chối.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu tháng 7/2014, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chính thức ban hành Quyết định 2163 về danh mục dự án thuộc ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư, thu hút đầu tư có điều kiện và tạm dừng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Đồng Nai ưu tiên ngành nghề sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ có công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất sản phẩm phần cứng, phần mềm, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm...

Ngoài ra, tỉnh đã quy định các ngành nghề tạm dừng thu hút đầu tư, gồm sản xuất giấy, bột giấy từ nguyên liệu thô, chế biến tinh bột sắn, chế biến mủ cao su chưa sơ chế, sản xuất hóa chất cơ bản, thuộc da, sơ chế da.

Từ nay đến năm 2020, Đồng Nai tập trung thực hiện chuyển dịch kinh tế theo chiều sâu, hình thành và phát triển các khu công nghệ cao, phát triển kinh tế tri thức, đầu tư một số sản phẩm mũi nhọn của địa phương. Tỉnh cũng mở rộng các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống, nhất là ở các khu công nghiệp và đô thị.

Riêng khu vực kinh tế nông nghiệp, địa phương tiếp tục đẩy mạnh các chương trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp…

Ngành công nghiệp tiếp tục giữ vai trò, vị trí then chốt. Địa phương cũng khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp có trình độ công nghệ cao./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục