Hạnh phúc gia đình tan vỡ, anh Phương dứt lòng chuyển đứa con trai chưa đầy tuổi cho người họ hàng nhận làm con nuôi để đi làm thuê làm mướn kiếm kế sinh nhai. Tưởng rằng đau đến thế đã là tột cùng thì anh lại vĩnh viễn ra đi bởi cơn “sóng thần trên cạn.” Đầu bạc khóc đầu xanh Chiều thu miền Tây Bắc se lạnh, lối vào nhà anh Bùi Văn Phương (sinh năm 1974) ở xóm Dài (Bắc Phong, Cao Phong, Hòa Bình) rắc đầy tiền, vàng mã. Mùi nhang khói đọng lại cộng với vẻ hoang tàn của những ngôi nhà tranh xiêu vẹo khiến người ta không khỏi mủi lòng. Chốc chốc, người phụ nữ chỉ đường cho vị khách lạ từ Hà Nội tìm đến nhà anh Phương lại thở dài thườn thượt: “Số nó đã khổ đến thế, vậy mà trời lại không cho sống…” Lúc chúng tôi tới nơi cũng là thời điểm những người thân của anh Phương dỡ bỏ ngôi nhà nhỏ bé nằm trên sườn đồi mà lối đi lên cũng chỉ là đường đất, gặp mưa là trơn tuồn tuột. Cạnh đó, ngôi nhà tranh của chị dâu và cũng là nơi ở của người cha hơn 80 tuổi của anh Phương cũng lúp xúp, điêu tàn. Vài người cho thuê bát đĩa đang đến thu gom, sắp xếp lại đồ vật phục vụ đám ma cũng bùi ngùi thương cho một kiếp người vất vả. Sau khi rót nước mời khách, anh Bùi Văn Hương, em trai của anh Phương kể rằng thời điểm sự cố tràn nước từ bể áp lực, anh Hương đang trực ở trên đập [anh Hương làm công nhân thủy điện Suối Tráng-pv]. Nhận được điện thoại báo mất điện, anh Hương nhanh chóng vặn nút đóng cánh phai tại cửa nhận nước để không cho nước vào khu vực mương dẫn xuống bể áp lực tràn. Tuy nhiên, trong mương nước dài 1,8km vẫn có một khối lượng nước khổng lồ và tràn qua bể. Thêm vào đó, độ cao từ khu vực nhận nước xuống nhà máy là 38m khiến áp lực của khối nước là rất lớn. Một lúc sau, anh Hương nghe nói có người bị nạn do nước cuốn và không ngờ đó chính là người anh ruột của mình. “Khổ nhất là bố tôi,” anh Hương chỉ tay vào ông lão ngoại bát tuần đang ngồi bên bậc cửa với vẻ mặt u sầu. Nghe tin con mất, ông Bùi Văn Ửu bị sốc nặng. Người đầu bạc khóc kẻ đầu xanh, nỗi đau này khiến người cha già chán nản, không ăn uống và nằm li bì một chỗ khiến người nhà phải đi cầu viện y tế tiêm thuốc trợ lực và ép ông uống sữa để lấy sức. “Số Phương cả đời đã khổ, giờ chết cũng khổ nên ai mà không đau xót cho đành,” anh Bùi Văn Khoa (người xóm Môn) bùi ngùi.
Những người họ hàng quyết định dỡ nhà anh Phương bởi không còn ai đến ở. (Ảnh: TH/Vietnam+)
Nhói đau với một kiếp người Những người họ hàng của anh Phương kể rằng, khoảng 5 năm về trước, vợ chồng anh do bất hòa nên đã đường ai nấy đi. Khi ấy, lấy nhau đã 6 năm nên anh chị đã có 2 mặt con: gái bốn tuổi và trai chưa đầy một tuổi. Vợ anh Phương khi ra khỏi nhà đã mang theo đứa con gái xuống huyện Kim Bôi và nghe nói giờ đã có chồng. Còn lại với đứa con thơ, Phương loay hoay tìm cách để tồn tại và không đi bước nữa. Cuộc sống làm nông, lên nương rẫy không đủ sống, anh Phương buộc phải dứt lòng chuyển đứa con trai chưa đầy tuổi cho người họ hàng cùng xã nhận làm con nuôi để đi làm thuê làm mướn kiếm kế sinh nhai. Thậm chí, có những lần anh theo đám thợ lên Hà Nội phụ hồ… Từ ấy, căn nhà tranh chỉ một mình anh đi về thui thủi. Nhiều khi nhớ con, anh Phương lại qua xóm Môn bên cạnh để nhìn cháu Trung. Khi nhận được tin anh Phương qua đời, đứa con gái và con trai cũng được họ hàng đưa đến tiễn đưa bố về nơi an nghỉ cuối cùng, còn người vợ cũ không có mặt. Nói về chuyện dỡ nhà của người đã chết, anh Hương phân bua: “Người Mường rất kiêng phá nhà, nhưng nhà anh Phương giờ có ai ở, ai về chăm nom nữa đâu. Có để bàn thờ anh bên ấy cũng rất hiu quạnh nên cực chẳng đã chúng em mới quyết định dỡ bỏ căn nhà, chuyển bát hương của anh về bên nhà bố đẻ để tiện bề nhang khói.” Còn anh Khoa thì bảo, trước lúc dỡ nhà, những người họ hàng đã phải uống rượu để lấy thêm can đảm, bởi ai cũng xót xa. Trò chuyện với phóng viên Vietnam+, ông Bùi Duy Đại (58 tuổi), hàng xóm nhà Phương kể rằng do sống có một mình nên cứ mỗi khi đi làm cùng với con trai ông Đại, anh Phương lại mang gạo sang nhờ vợ chồng ông nấu cơm để về ăn chung. “Tuy nghèo khó nhưng Phương đối xử rất tốt với hàng xóm và không có mâu thuẫn, hằn thù với ai. Khi có việc, Phương đều gọi anh em bạn bè đi làm để tăng thu nhập,” ông Đại cho biết. Chúng tôi rời khỏi xóm Dài khi bóng tối ập về. Trong cảnh heo hút của vùng đồi núi, khói đã bắt đầu xuất hiện trên những mái bếp, quện vào nhau thành những đám lờn vờn quanh đỉnh đồi. Tiếc rằng từ bây giờ, khói bếp nhà anh Phương sẽ không còn nữa. Đâu đó có người nói thôi thì cũng là giải thoát cho một kiếp người, để mong được tái sinh tốt đẹp ở kiếp sau. Chỉ có điều, nỗi đau luôn hiện hữu với những người ở lại…/.
Trung Hiền (Vietnam+)