Tam giác mới của cường quốc biển Trung Quốc-Nga-Iran hành động

Sự tham gia của Trung Quốc trong cuộc tập trận hải quân chung với Nga và Iran cho thấy rõ ý định của Bắc Kinh đóng một vai trò tích cực hơn ở khu vực Trung Đông.
Tam giác mới của cường quốc biển Trung Quốc-Nga-Iran hành động ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: The Daily Beast)

Trang mạng timesofisrael.com/ Đài Sputnik/TNHK đưa tin Iran, Trung Quốc và Nga đã bắt đầu tổ chức các cuộc tập hải quân chung lần đầu tiên trong 4 ngày (27-30/12) ở Ấn Độ Dương và Vịnh Oman nhằm mục đích huấn luyện và hợp tác “chưa từng có tiền lệ.”

Vùng biển xung quanh Iran đã trở thành một trọng tâm nơi xảy ra căng thẳng quốc tế, giữa lúc Mỹ gia tăng áp lực đối với các nước mua dầu thô của Iran và đe dọa cắt đứt các quan hệ thương mại khác đối với những nước nào vi phạm.

Iran muốn gì qua cuộc tập trận này?

Người đứng đầu hải quân Iran, Hossein Khanzadi cho biết cuộc tập trận chung giữa ba nước bắt đầu từ phía Đông Nam thành phố cảng Chahbahar ở Vịnh Oman và gần biên giới với Pakistan, nhằm mục đích tăng cường an ninh cho tuyến đường biển của khu vực.

Đô đốc chỉ huy đội tàu Iran, ông Gholamreza Tahani, phát biểu trên truyền hình nhà nước: “Thông điệp của cuộc tập trận này là hòa bình, hữu nghị và an ninh lâu dài thông qua hợp tác và đoàn kết, và kết quả của nó cho thấy là Iran không thể bị cô lập.”

[Iran: Tập trận hải quân Iran-Nga-Trung Quốc là thông điệp gửi tới Mỹ]

Theo Đài truyền hình nhà nước Iran, các cuộc tập trận hỗn hợp gồm các hoạt động ứng cứu các tàu bị cháy hoặc tàu bị cướp biển tấn công, và các cuộc tập trận sử dụng vũ khí.

Cuộc tập trận chung lần đầu tiên này diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng Năm năm ngoái đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 giữa Iran với sáu quốc gia và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nước này, làm tê liệt nền kinh tế Iran và khiến cho nước này dần vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận.

Bên cạnh đó, Vịnh Oman là một tuyến đường thủy đặc biệt nhạy cảm, kết nối với Eo biển Hormuz, eo biển nối với Vùng Vịnh, nơi qua lại của khoảng 1/5 lượng dầu trên thế giới.

Washington đề xuất một chiến dịch hải quân do Mỹ lãnh đạo sau nhiều vụ tấn công hồi tháng Năm và tháng Sáu nhắm vào các tàu buôn quốc tế, kể cả tàu chở dầu của Saudi Arabia, trong các vùng biển trên Vịnh Persia. Mỹ đổ lỗi cho Iran là bên thực hiện các cuộc tấn công, nhưng Tehran bác bỏ những cáo buộc đó.

Do đó, thông qua cuộc tập trận này, Tehran muốn tìm cách đẩy mạnh hợp tác quân sự với Bắc Kinh và Nga trong bối cảnh các trừng phạt kinh tế hà khắc từ Washington.

Các chuyến thăm Iran của các đại diện hải quân Trung Quốc và Nga cũng nhiều hơn trong những năm gần đây. Iran tuần trước cho biết họ đã bắt đầu thử nghiệm mô hình máy li tâm mới nhất và nhanh hơn.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói trong chuyến thăm Malaysia: “Hiện nay, máy li tâm mới IR-6 đang hoạt động và máy li tâm IR-9 mới hơn đang được thử nghiệm.”

Theo các quan chức Iran, một máy li tâm IR-6 có thể sản xuất urani được làm giàu nhanh hơn 10 lần so với máy li tâm IR-1 (thế hệ đầu tiên).

Trong khi đó, IR-9 nhiều khả năng hoạt động nhanh hơn 5 lần so với IR-6 và nhanh hơn 50 lần so với IR-1.

Lợi ích của Trung Quốc ở Trung Đông

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết đại diện cho Hải quân Trung Quốc tại cuộc tập trận là tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Xining.

Tại cuộc họp báo ngắn, ông Ngô Khiêm lưu ý mục đích của cuộc tập trận là tăng cường liên lạc và mở rộng hợp tác giữa lực lượng hải quân của ba nước, thể hiện khả năng cùng nhau bảo vệ hòa bình và an ninh trên biển, chứng tỏ một sự đồng thuận giữa các bên tham gia.

Cho đến gần đây, Trung Quốc đã thể hiện thái độ kiềm chế, không xác định lợi ích của mình trong khu vực, mặc dù nước này phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Trung Đông.

Nhà khoa học chính trị từ Đại học St. Petersburg Yana Leksyutina trong cuộc phỏng vấn của Sputnik cho rằng sự tham gia của Trung Quốc trong cuộc tập trận hải quân chung với Nga và Iran cho thấy rõ ý định của Bắc Kinh đóng một vai trò tích cực hơn ở khu vực Trung Đông.

Chuyên gia Yana Leksyutina phân tích: “Điều rất quan trọng là Trung Quốc nói rõ rằng họ có lợi ích trong khu vực. Chắc là Bắc Kinh muốn đóng một vai trò tích cực hơn trong khu vực này. Một điểm quan trọng khác- sự tham gia cuộc tập trận hải quân chung là một định dạng tương đối mới đối với Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh hợp tác quân sự với Nga.'

"Trước đó, Trung Quốc đã tham gia các cuộc tập trận trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), hoặc các cuộc tập trận hải quân song phương. Bây giờ tham gia các cuộc tập trận có cả những quốc gia khác, Nga và Trung Quốc đang phát triển quan hệ đối tác khá chặt chẽ. Chỉ một tháng trước, hải quân Trung Quốc lần đầu tiên tham gia một cuộc tập trận chung với Nga và Nam Phi. Xu hướng này đang phát triển, bây giờ có cuộc tập trận chung với Iran."

Một điểm quan trọng khác là các cuộc tập trận hải quân được tổ chức không chỉ gần biên giới Nga hay Trung Quốc mà còn ở những khu vực khá xa. Bằng cách này, Nga và Trung Quốc bày tỏ sẵn sàng phối hợp hành động ở các khu vực khác nhau trên thế giới.

Tín hiệu gửi Mỹ

Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Ji Kaiyun, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Iran thuộc Đại học Tây Nam (Trung Quốc), nhận xét cuộc tập trận ba bên ở một điểm nhạy cảm của Trung Đông là một yếu tố tăng cường sự ổn định trong khu vực để chống lại sự hỗn loạn mà Mỹ tạo ra ở đó bằng các hành động của mình.

Chuyên gia từ Viện nghiên cứu chiến lược Nga, ông Vladimir Evseev đồng ý với ông Ji Kaiyun. Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Evseev nói việc Trung Quốc biểu dương lực lượng trong khu vực là một cảnh báo về việc Mỹ và các đồng minh của họ không thể giành độc quyền trong các hoạt động kiểm soát Ấn Độ Dương.

Ông nói: “Bằng cách này, Bắc Kinh gửi một tín hiệu cho Washington. Mỹ đang cố gắng thành lập một liên minh để kiểm soát các tàu thuyền đi qua eo biển Hormuz. Gần đây, Hàn Quốc bắt đầu tham gia vào liên minh này. Mỹ đang cố gắng ép buộc các đồng minh tham gia chiến dịch này, gia tăng áp lực quân sự ở Vịnh Persia, tăng cường quân tới vùng Vịnh."

"Cuộc tập trận chung của Nga, Iran và Trung Quốc cho thấy, hiện có một phương án lựa chọn để bảo đảm an ninh trong khu vực. Đây là một tín hiệu gửi tới Mỹ- không được thiết lập sự độc quyền trong lĩnh vực kiểm soát các nguồn năng lượng"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục