Và trong cái không khí ấy, thời gian như lắng lại khi nghe phút trải lòng của những “người đàn bà đẹp” một thời lừng lẫy…, những buồn vui chuyện đời và cả sự sám hối của người về, kẻ ở.
Người về...
Vụ án buôn bán ma túy xuyên quốc gia Xiêng Phênh-Vũ Xuân Trường động trời vào thời điểm năm 1997 lúc đó càng “đình đám” bởi có sự tham gia của nhiều bóng dáng giai nhân. Trên Điện Biên là hoa hậu núi rừng Nguyễn Thị Hoa, còn dưới Hà Nội tích cực nhất là Tạ Thị Hiển…
Run rủi, hai “người đàn bà đẹp” cùng được thoát khỏi án chết, được chuyển vào trại giam số 5 thụ án tù chung thân và cùng về tổ may suốt từ năm 1998 đến nay.
Trong 246 phạm nhân được hưởng đặc xá có Tạ Thị Hiển, người đẹp bốc lửa trong vụ án Vũ Xuân Trường. Gần qua một con giáp, biết bao ngày tháng đằng đẵng nhưng nhan sắc của Tạ Thị Hiển vẫn phảng phất nét kiêu sa, lộng lẫy như một quý bà nhờ mái tóc nhuộm vàng để xõa và khuôn mặt thoa son điểm phấn.
Hiển nói, giọng buồn buồn: “Những ngày ở trại, ngoài lao động cải tạo, tôi và các chị em khác vẫn cố gắng chăm sóc bản thân, làm đẹp cho mình, cho nhau như niềm vui nho nhỏ còn sót lại…”
Hưởng niềm vui đặc xá năm nay, người đàn bà một thời lừng lẫy xúc động nói: “Đời tôi lầm lỗi, nhưng được hưởng quá nhiều sự khoan hồng của Đảng và nhà nước. Hôm nay được về, tôi không biết nói gì nữa… hạnh phúc này như được sinh ra lần thứ ba, sau ngày tôi được giảm án chết.”
Sự bồn chồn, mong ngóng trên gương mặt, ánh mắt chan chứa, quyết liệt như được thức dậy khi Hiển kể về mái ấm tình thương: “Sắp được gặp chồng và các con rồi. Ở tù ngần ấy năm rồi mà anh ấy vẫn bền bỉ lên với tôi mỗi năm một lần. Con trai lớn học Trung cấp Mỏ đã ra trường, con gái lớn đã thi đại học. Cảm ơn ông trời đã không tước mất những thứ quý giá của người đàn bà lầm lỡ như tôi.”
Kẻ... ở
Lỡ nhịp ngày về với người “cùng hội cùng thuyền” bấy lâu, “Người đẹp Điện Biên” Nguyễn Thị Hoa không được hưởng đặc xá lần này.
Sinh năm 1964, đã đi về phía bên kia của tuổi bốn mươi, là mẹ của 3 đứa con, qua từng ấy năm ở tù Hoa vẫn giữ được vẻ đẹp hoang dại, u buồn đến nao lòng cho người đối diện.
Chúng tôi đã từng ấn tượng về “người đẹp núi” khi được xem bộ phim tài liệu “Hoa cho thần chết” do đạo diễn Lê Mạnh Thích từng dàn dựng, tái hiện cuộc đời, thân phận "quái nữ" Nguyễn Thị Hoa...
Thế nhưng, khi đối diện trực tiếp với người phu nữ này, chúng tôi mới thấy hết được vẻ đẹp man dại, u buồn. Hoa trong phim cũng là phụ nữ đẹp nhưng giống như hoa thuốc phiện, hương sắc ấy đem lại tai họa cho chính cuộc đời cô và nhiều người khác.
Nữ phó giám thị, phụ trách phân trại số 4 cho biết Hoa không được may mắn có gia đình bên cạnh như Tạ Thị Hiển. Dạo Hoa mới lên trại, chồng Hoa và 3 đứa con trai thi thoảng cũng lên thăm nuôi. Nhưng rồi, cách đây mấy năm, chồng Hoa cũng bị bắt, bây giờ đang thi hành án ở trên Điện Biên.
Ba đứa con trai của Hoa mong manh như bầy gà con côi cút. Bi kịch gia đình bởi ma túy nuốt chửng mái ấm khi những đứa con của Hoa cũng đã mắc nghiện ma túy...
Hoa nghèn nghẹn: “Đời tôi coi như mất trắng, nhưng vẫn còn mẹ già đang chấp chới, con cái bơ vơ, thương mẹ và các con mà bất lực. Ngày về còn xa, nhưng tôi sẽ cố gắng cải tạo tốt để sớm được đặc xá đợt tới, may ra kịp báo hiếu với mẹ và sống cạnh các con.”
Và những hoa khôi làm mẹ trong tù
Rời khỏi trại 5, giữa dòng người xe chen chúc đón đưa những người thân lầm lỡ được trở về, chúng tôi vẫn nhớ như in hình ảnh hai người mẹ trẻ, xinh đẹp ôm con chạy lao ra cổng trại, phía người chồng đang giang rộng cánh tay.
Người mang vẻ đẹp như người mẫu chốn Hà Thành, kẻ phảng phất nét dịu dàng, đằm thắm của gái miền biển. Trần Thị Thanh và Nguyễn Thị Thanh đều vào trại giam vì tội mua bán ma túy khi đã là những người mẹ của bào thai chưa đầy ba tháng tuổi.
Ôm chặt con trong lòng, nựng nịu “ Con chuẩn bị gặp bố rồi…,” Trần Thị Thanh tủi thân, nói: “Vào trại, em hoang mang cực độ. Em phạm pháp, mình em chịu, nhưng nghĩ đến cảnh đứa con đứt ruột vô tội phải ra đời trong nhà tù, em thấy tội mình lớn quá. Con lớn lên từng ngày, em càng quyết tâm cải tạo để được ra tù sớm. Dù muộn màng nhưng bằng mọi giá để trả lại tuổi thơ trong trẻo cho con…”
Rồi quay sang nhìn đứa con trai bụ bẫm, kháu khỉnh, Thanh không khỏi bùi ngùi: “Chồng em sẽ lên đón hai mẹ con, trong tù em đã viết thư cho anh ấy xin đặt tên con là Trọng Hiếu. Tên con là lời hứa của mẹ sẽ làm lại từ đầu, là mong mỏi về tình mẫu tử, hiếu nghĩa. Sau khi đặc xá trở về, em sẽ tìm nghề chân chính. Quá khứ không mất đi, nhưng sự sám hối sẽ khiến nó ngủ quên…”