Tân Ngoại trưởng Mỹ có cuộc điện đàm đầu tiên với Saudi Arabia

Truyền thông nhà nước Saudi Arabia đưa tin Ngoại trưởng của quốc gia vùng Vịnh này, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken vào ngày 5/2.
Tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trong cuộc họp báo tại Washington, DC, ngày 27/1. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trong cuộc họp báo tại Washington, DC, ngày 27/1. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Truyền thông nhà nước Saudi Arabia đưa tin Ngoại trưởng của quốc gia vùng Vịnh, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud, đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken vào ngày 5/2. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai quan chức này kể từ khi ông Blinken nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ hồi tuần trước.

Theo hãng thông tấn SPA, Ngoại trưởng Al Saud đã chúc mừng ông Blinken được bổ nhiệm vào cương vị mới và cho biết Saudi Arabia hy vọng hợp tác với Mỹ để đối mặt với những thách thức chung cũng như duy trì ổn định khu vực.

Chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần này tuyên bố sẽ chấm dứt sự hỗ trợ của Washington đối với chiến dịch quân sự do Riyadh dẫn đầu chống lực lượng Houthi ở Yemen và cho biết sẽ thúc đẩy ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Yemen thông qua việc bổ nhiệm một phái viên về Yemen.

Ngày 5/2, Mỹ cũng thông báo kế hoạch thu hồi quyết định của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump về việc đưa Houthi vào danh sách tổ chức khủng bố, nhằm giảm bớt tình trạng khủng hoảng nhân đạo ở quốc gia này.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn cam kết hỗ trợ Saudi Arabia bảo vệ lãnh thổ trước các cuộc tấn công của lực lượng Houthi.

[Ngoại trưởng Mỹ Blinken cam kết hợp tác với EU và Afghanistan]

Theo thông báo, quyết định của Mỹ hoàn toàn vì mục đích nhân đạo, sau khi Liên hợp quốc (LHQ) và nhiều tổ chức cảnh báo rằng việc liệt Houthi vào danh sách tổ chức khủng bố sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới tại Yemen.

Yemen rơi vào nội chiến từ cuối năm 2014 khi các tay súng của Houthi đánh chiếm thủ đô Sanaa và chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi phải lưu vong.

Năm 2015, một liên minh quân sự giữa các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã can thiệp vào Yemen để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Hadi khôi phục quyền lực.

Từ cuối tháng 9/2019, Saudi Arabia đã tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức với Houthi để giảm bớt tình trạng bạo lực.

Theo LHQ, đến nay, xung đột tại Yemen đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, phần lớn là dân thường, đồng thời gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục