Tăng cường giám sát các chương trình giảm nghèo

Diễn đàn với chủ đề "Phương pháp đối thoại xã hội giảm nghèo" được tổ chức nhằm tăng cường giám sát các chương trình giảm nghèo.
Theo tin từ Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ), một diễn đàn với chủ đề "Phương pháp đối thoại xã hội giảm nghèo" được tổ chức tại tỉnh Thanh Hoá ngày 6/10, nhằm tạo cơ hội cho người dân địa phương trao đổi thông tin với các cơ quan chính quyền sở tại và đưa ra các đánh giá, đề xuất liên quan đến các chương trình giảm nghèo.

Diễn đàn này là một hoạt động trong khuôn khổ Dự án giảm nghèo do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và phối hợp với GTZ thực hiện. Dự án do Chính phủ Đức tài trợ khoảng 4 triệu EUR, được thực hiện từ năm 2006 đến năm 2012.

Phương pháp đối thoại xã hội giảm nghèo được triển khai với mong muốn hoàn thiện công tác thực thi chính sách và dịch vụ công trong giảm nghèo thông qua sự tham hiệu quả hơn của người dân vào quá trình giám sát chất lượng và đánh giá kết quả. Ngoài ra, phương pháp này còn dễ áp dụng và tiết kiệm chi phí. Các kết quả sau những cuộc đối thoại này sẽ được dùng cho việc lập kế hoạch và giám sát các hoạt động can thiệp trong giảm nghèo.

Theo kế hoạch của dự án, những cán bộ hỗ trợ thúc đẩy chủ chốt được hướng dẫn trong diễn đàn này sẽ triển khai áp dụng phương pháp tại các vùng nghèo nhất của tỉnh, trước mắt là hai huyện Quan Hoá và Như Xuân, sau sẽ chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm để nhân rộng mô hình cho các vùng khác tại Thanh Hoá.

Thời gian vừa qua, nỗ lực xóa đói giảm nghèo của Việt Nam đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 78% năm 1986 xuống 12% năm 2008. Cộng đồng quốc tế tiếp tục dành những ưu tiên cao trong chính sách giảm nghèo cho chính phủ Việt Nam.

Tuy nhiên, từ năm 2004, việc xoá đói giảm nghèo ở nông thôn bị coi là chậm, đặc biệt ở những vùng người dân tộc thiểu số sinh sống và miền núi. Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức về giảm chênh lệch giữa thành thị với nông thôn và ngay cả khoảng cách phát triển xã hội giữa các vùng đô thị. Bên cạnh đó là sự cần thiết phải giảm nhẹ tác động của khủng hoảng tài chính và kinh tế đối với người nghèo./.

Ngọc Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục