Tăng cường năng lực cho hệ thống dự báo và cảnh báo thiên tai

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, cần tiếp tục đầu tư, tăng cường năng lực của các hệ thống quan trắc, hệ thống dự báo và hệ thống thông tin cảnh báo về thiên tai tới nhân dân.
Tăng cường năng lực cho hệ thống dự báo và cảnh báo thiên tai ảnh 1Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Nhân dịp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành năm 2015 và 5 năm 2011-2015; triển khai kế hoạch công tác năm 2016, định hướng năm 2016-2020, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

Sau đây là nội dung phỏng vấn:

- Vai trò của hệ thống chính trị trong công tác phòng chống thiên tai như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Cao Đức Phát: Mỗi khi có thiên tai xảy ra thì hầu như cả hệ thống chính trị vào cuộc rất nhanh chóng, hướng dẫn, tổ chức cho nhân dân vượt qua những khó khăn về vật chất, vượt qua tâm lý chủ quan để ứng phó kịp thời với thiên tai nên chúng ta đã hạn chế được rất nhiều thiệt hại.

Bên cạnh đó, khi có thiên tai xảy ra thì nhân dân chủ động, các cấp chính quyền, hệ thống chính trị vào cuộc cùng nhân dân khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, giúp nhân dân sớm ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.


- Thưa Bộ trưởng, trong thời gian tới kế hoạch xây dựng chương trình quốc gia về nông thôn mới gắn với công tác phòng chống thiên tai sẽ được thực hiện ra sao, để mỗi xã nông thôn mới thực sự trở thành “một pháo đài” về công tác phòng chống thiên tai?


- Bộ trưởng Cao Đức Phát:
Trong phòng chống thiên tai, chúng ta thực hiện phương châm "4 tại chỗ." Thực chất việc thực hiện theo phương châm đó là dựa vào cấp cơ sở, dựa vào nhân dân là chính. Công tác phòng chống thiên tai không phải do Nhà nước, do các cấp chính quyền, do bên ngoài thực hiện mà trước hết phải do nhân dân, do từng làng, xã tổ chức thực hiện thì mới đạt được hiệu quả thiết thực.

Khi thiên tai xảy ra thì ngay cả việc ứng phó, tìm kiếm cứu nạn trước hết cũng phải do các cơ sở từng thôn, từng xã tổ chức thực hiện, các lực lượng ứng cứu từ bên ngoài vào thường gặp rất nhiều khó khăn và phải mất rất nhiều thời gian nên việc phát huy vai trò của người dân, của cơ sở là yếu tố hết sức quan trọng.

Trong những năm qua, chúng ta đã duy trì thực hiện phương châm này và rõ ràng là đã có hiệu quả. Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được và tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn phương châm "4 tại chỗ." Gắn việc thực hiện phương châm đó thành những hành động cụ thể trong quá trình thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đưa những tiêu chí về phòng chống thiên tai vào trong nội dung của xây dựng nông thôn mới.

- Trong bối cảnh thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường, vậy Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có kế hoạch như thế nào để tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống, đồng thời vẫn giúp người dân chủ động phòng tránh thiên tai có hiệu quả, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Cao Đức Phát: Trong thời gian tới, do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai có xu hướng diễn ra khốc liệt hơn, nhiều cực đoan hơn, nhưng mặt khác khi đất nước phát triển chúng ta có nhiều cơ sở về kinh tế được hình thành. Do vậy nên sự “đe dọa” của thiên tai đối với kinh tế, đối với người dân cũng trở nên nhiều hơn, có khả năng gây ra những thiệt hại lớn hơn. Vì thế nên chúng ta cần phải có các kế hoạch để lường trước các tình huống và đưa ra những phương án để ứng phó.

Nhưng trước hết, chúng ta phải nỗ lực làm cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là xây dựng các cơ sở hạ tầng cũng như xây dựng các cơ sở về kinh tế phải được tính đến khả năng ứng phó được với thiên tai, không được để các hậu quả do thiên tai gây ra khốc liệt hơn đối với chính cơ sở kinh tế đó.

- Thưa Bộ trưởng, một trong những yếu tố hết sức quan trọng giúp chủ động phòng chống thiên tai có hiệu quả là công tác dự báo. Theo Bộ trưởng, trong thời gian tới công tác dự báo, cảnh báo thiên tai cần chú trọng và quan tâm đến những vấn đề chủ yếu nào?


- Bộ trưởng Cao Đức Phát:
Rõ ràng là công tác dự báo, cả ngắn hạn và dài hạn là yếu tố rất quan trọng để chúng ta có được những cơ sở để tính toán, những phương án dự phòng khi có thiên tai xảy ra. Việc theo dõi, dự báo thông tin kịp thời, sâu rộng đến người dân để nhân dân biết được diễn biến thực tế của thiên tai, có những phương án, hành động phòng tránh phù hợp là yếu tố hết sức quan trọng. Vì thế chúng ta cần tiếp tục đầu tư, tăng cường năng lực của các hệ thống quan trắc, hệ thống dự báo và hệ thống thông tin cảnh báo về thiên tai tới nhân dân.

Tăng cường năng lực cho hệ thống dự báo và cảnh báo thiên tai ảnh 2Mưa lũ gây ngập đường. (Ảnh: Việt Ý/TTXVN)

- Trước hình thái thiên tai mới và biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, chẳng hạn như xói lở bờ biển và xâm nhập mặn ngày càng phổ biến, theo Bộ trưởng đâu là kinh nghiệm và cần phải tập trung chú ý những vấn đề gì trong công tác phòng chống thiên tai trong thời gian tới?

- Bộ trưởng Cao Đức Phát: Biến đổi khí hậu đang diễn ra và tác động ngày càng gia tăng đối với nước ta, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long. Khu vực này chịu tác động rất mạnh mẽ của nước biển dâng và hiện nay tỉnh Cà Mau hàng năm có 200-300ha đất bị sạt lở và mất.

Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, để khắc phục vấn đề này, trước hết tùy theo từng khu vực, có nơi thì có thể xây dựng và nâng cấp hệ thống đê biển nhưng cũng có nơi thì phải có những biện pháp thích ứng phù hợp khác như kết hợp với trồng rừng, xây dựng các công trình ngăn mặn.

Về tổng thể, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có Nghị quyết để triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ đã có chiến lược về vấn đề này. Nhiệm vụ của chúng ta là tiếp tục cụ thể hóa và lựa chọn ra những giải pháp ưu tiên để huy động các nguồn lực, sớm triển khai thực hiện.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục