Tăng cường quản lý nhà nước đối với rượu bia và đồ uống có cồn

Uống quá nhiều rượu, bia không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người uống, mà còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, gây mất trật tự an ninh xã hội và trở thành gánh nặng cho gia đình
Tăng cường quản lý nhà nước đối với rượu bia và đồ uống có cồn ảnh 1Công an giao thông tỉnh Quảng Nam đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)

Uống quá nhiều rượu, bia không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người uống, mà còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, gây mất trật tự an ninh xã hội và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Uống rượu, bia khi lái xe là nguyên nhân gây nên tai nạn giao thông, uống rượu bia trong giờ làm việc ảnh hưởng đến kết quả công việc…

Hàng loạt chính sách được ban hành

“Nhận thức rõ điều này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương có những biện pháp để tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sử dụng rượu, bia,” ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương cho biết.

Theo ông Dũng, việc quản lý đồ uống có cồn trong đó có sản phẩm rượu bia đã được Nhà nước thực hiện thông qua nhiều hình thức cụ thể như quản lý thông qua quy hoạch ngành, thông qua việc ban hành các chính sách của nhà nước với hàng loạt các chính sách về thuế, về xuất nhập khẩu, về đầu tư, về đăng ký kinh doanh, về quy định an toàn vệ sinh thực phẩm...

Riêng một số ngành đặc thù như sản xuất đồ uống có cồn, bên cạnh những chính sách chung Nhà nước lại yêu cầu có những biện pháp quản lý riêng.

Điển hình là trong năm 2014, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 12/2/2014 ban hành Chính sách quốc gia phòng chống tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn.

“Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong năm 2014, Bộ Công Thương phải ban hành Nghị định về sản xuất kinh doanh bia và đồ uống có cồn khác (ngoài sản phẩm rượu).

Về lâu dài Chính sách phòng chống tác hại lạm dụng rượu bia và đồ uống được nghiên cứu để nâng lên thành luật trình Quốc hội thông qua. Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang tiến hành nghiên cứu Đề án nâng cao quản lý đối với sản phẩm bia. Đề án có hiệu quả sẽ tiến tới áp dụng cho toàn bộ các đồ uống có cồn”, ông Dũng cho biết.

Hiệu quả rõ rệt

Cũng theo ông Dũng, việc quản lý hoạt động sản xuất bia thông qua quy hoạch ngành ngày càng được hoàn thiện và đã mang lại kết quả khả quan.

Hiện số lượng doanh nghiệp sản xuất bia giảm nhanh nhất là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ với trang thiết bị lạc hậu. Số lượng cơ sở sản xuất bia từ 400-500 cơ sở (năm 2000), đến nay đã thu gọn còn 118 cơ sở…

Nhiều doanh nghiệp lớn có thương hiệu phát triển mạnh với những nhà máy công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đa dạng về chủng loại và giữ được khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường. Sản lượng sản xuất đến năm 2013 đạt 3 tỷ lít bia, tiêu thụ bình quân đầu người 30 lít/người/năm.

Trước thời điểm Nghị định và sản xuất kinh doanh rượu ra đời, trong năm 2005, sản lượng rượu tiêu thụ tại Việt Nam vào khoảng 462 triệu lít, bình quân 5,5 lít/người/ năm, trong đó rượu do dân tự nấu khoảng 360 triệu lít (chiếm 78%). Rượu sản xuất công nghiệp, do các nhà máy sản xuất đạt 82 triệu lít (chiếm 17,7%), rượu cao cấp (chủ yếu là rượu ngoại) tiêu thụ khoảng 19 triệu lít (chiếm 4,9%).

Đặc biệt, rượu thủ công là loại không kiểm soát được chất lượng, không thu được thuế và đem lại hệ quả xấu về nhiều mặt như thói quen tiêu dùng không lành mạnh, hại sức khỏe, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, suy giảm sức lao động, gia tăng tai nạn giao thông…

Ngoài ra, dưới góc độ thị trường, việc sản xuất rượu thủ công không có giấy phép, hành vi làm rượu giả, nhập khẩu rượu trái phép, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hàng hóa, trốn thuế đã tạo nên sự bất bình đẳng trong cạnh tranh, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Sau khi Nghị định của Chính phủ về sản xuất kinh doanh rượu ra đời, ngành sản xuất và kinh doanh rượu đã từng bước đi vào nề nếp, chất lượng công nghiệp đã được cải thiện, mẫu mã, nhãn mác ngày càng phong phú và đẹp mắt.

Người tiêu dùng (nhất là các thành phố và đô thị) đã chuyển dần sang sử dụng rượu sản xuất công nghiệp với chất lượng đảm bảo hơn rượu thủ công. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất rượu công nghiệp; các thương nhân phân phối bán buôn bán lẻ đã được cấp phép sản xuất hoặc giấy phép kinh doanh. Các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh cũng bắt đầu ý thức thực hiện theo quy định của Nhà nước về sản xuất kinh doanh rượu và an toàn thực phẩm…

“Hoạt động cấp phép của các cơ quan quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu của các thương nhân trên các địa bàn được kiểm tra trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 cho thấy phần lớn đều tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Các làng nghề cũng dần sản xuất và bán tập trung vào một vài đầu mối chịu trách nhiệm chính. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm cũng dần được quan tâm do đó chất lượng rượu cũng được cải thiện,” ông Dũng chia sẻ.

Tăng cường tuyên truyền để thay đổi hành vi

Có thể nói, các chính sách quản lý rượu và đồ uống có cồn đã tạo ra những kết quả khả quan với những chuyển biến rõ rệt về ý thức đến hành vi của người dân cũng như nhà sản xuất.

Theo các khảo sát cho thấy, hiện nay tại các làng quê, người dân đã chuyển dần sang sử dụng rượu can được sản xuất tại các nhà máy đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các loại rượu quê có nhãn mác.

Tại các làng nghề đã có những doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, hiệp hội mang tên làng nghề đó… sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu làng nghề với chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tại các tỉnh thành phố, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh và chú trọng tới các đối tượng sản xuất, kinh doanh rượu; công tác kiểm tra, giám sát của địa phương đối với các doanh nghiệp cũng được thực hiện thường xuyên đã góp phần giảm lượng rượu sản xuất thủ công.

Đặc biệt, hiện tượng người dân mang rượu thủ công đi bán rong tại các tỉnh, thành phố đã gần như không còn…

Tuy nhiên, để các hoạt động trên đi vào nền nếp vẫn rất cần có những kiểm soát chặt chẽ của các cấp chính quyền để các sản phẩm sản xuất ra đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền sâu rộng đối với mọi đối tượng, tầng lớp nhân dân về trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi sử dụng rượu bia và các đồ uống có cồn nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc thực hiện chủ trương phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia và đồ uống có cồn của Chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục