Tăng học phí là bước đầu để tính đúng, tính đủ

Mức học phí mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất trong đề án "Đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008-2012” đang là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Bên lề phiên họp Quốc hội chiều 20/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã trao đổi với phóng viên báo chí về vấn đề này.

Mức học phí mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất trong đề án "Đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008-2012” đang là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Bên lề phiên họp Quốc hội chiều 20/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã trao đổi với phóng viên báo chí về vấn đề này.
 
Bộ trưởng đánh giá như thế nào về mức học phí mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất trong đề án "Đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008-2012”?
 

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Những đề xuất trong đề án rất hợp lý vì nó tạo ra cơ chế để chuyển đổi phương thức quản lý về tài chính một cách căn bản và phù hợp với khả năng thu nhập của người dân Việt Nam. Nếu không căn cứ vào trung bình thu nhập mà chỉ tính từ chi phí phải đầu tư cho giáo dục thì người dân sẽ không thể chịu nổi vì ở các nước chi phí đào tạo rất cao. Việc tăng học phí chỉ là bước đầu cho quá trình dần dần tính đúng, tính đủ.
 
Trong chi phí giáo dục có hai phần, phần đầu tư cho cơ sở vật chất và phần chi phí cho dạy và học. Có thể nói, hiện nay chi phí đầu tư cho dạy và học, kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất nhà nước vẫn đang phải bù vào. Chúng ta phải làm dần dần mới có thể thay đổi căn bản cơ chế tài chính, giúp các cơ sở giáo dục và đào tạo chủ động hơn trong hoạt động thu chi, chủ động cải tiến chất lượng dạy và học, từng bước người làm giáo dục được hưởng lợi ích theo cống hiến.
 
Như vậy, với mức học phí của bậc giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất tăng gấp 3-4 lần, còn học phí giáo dục phổ thông, tính theo mức 6% thu nhập bình quân hộ gia đình thì thực ra vẫn chưa đủ bù đắp chi phí đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, do thu nhập của dân mình thấp nên đành chấp nhận.
 
Theo Bộ trưởng, mức học phí như thế nào là phù hợp?
 

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Việc tính theo 6% thu nhập cũng là tính ở mức trung bình, để đi dần từng bước cho phù hợp với lối sống và thu nhập của người dân. Giả sử người dân có nhu cầu cao hơn nữa, học theo nhu cầu thì phải đóng thêm ở mức cao hơn. Vì nếu ngay một lúc quy định mức cao quá thì dân và nhà nước đều không chịu được, ở đây phải hài hòa giữa khả năng của dân và cân đối ngân sách.
 
Sắp tới nếu đề án này được thông qua, thì đồng thời sẽ phải sửa rất nhiều cơ chế để minh bạch hóa tài chính cho giáo dục. Theo đó, phương thức cấp phát ngân sách cũng sẽ phải thay đổi theo hướng minh bạch hơn. Tất nhiên, đề án này cũng đang hướng tới mục tiêu minh bạch. Việc điều chỉnh tăng thêm học phí là đã hướng tới những người có khả năng chi trả. Còn đối tượng người nghèo, gia đình chính sách, rõ ràng là không chỉ được miễn như hiện nay mà còn phải được cấp học phí. Cơ chế sẽ chuyển dần theo hướng như vậy.
 
Theo Bộ trưởng, mức học phí mới có nên áp dụng ngay tại thời điểm này, trong bối cảnh kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn?
 

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Việc này đã bàn từ rất lâu mới đưa ra. Mỗi bối cảnh đều có khó khăn, nếu làm tốt thì cũng không ảnh hưởng lớn lắm đến người dân vì nhà nước vẫn lo cho các đối tượng trong diện chính sách. Đi theo cơ chế này cũng sẽ tạo điều kiện để Nhà nước chăm lo tốt hơn cho những đối tượng chính sách, mà cũng không ảnh hưởng lớn đến những người có thu nhập./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục