Tăng khả năng tiếp cận thông tin cho người dân vùng đặc biệt khó khăn

Dự án Truyền thông và Giảm nghèo về Thông tin (Dự án 6) gồm hai tiểu dự án: Giảm nghèo về thông tin (Tiểu dự án 1) và Truyền thông về giảm nghèo đa chiều (Tiểu dự án 2).

Truyền thông và giảm nghèo về thông tin là một trong 7 dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo Bền vững Giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)
Truyền thông và giảm nghèo về thông tin là một trong 7 dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo Bền vững Giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Truyền thông và giảm nghèo về thông tin là một trong 7 dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo Bền vững Giai đoạn 2021-2025.

Dự án Truyền thông và Giảm nghèo về Thông tin (Dự án 6) gồm hai tiểu dự án: Giảm nghèo về thông tin (Tiểu dự án 1) và Truyền thông về giảm nghèo đa chiều (Tiểu dự án 2).

Năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông về công tác giảm nghèo bền vững theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Các bộ, ngành trung ương, địa phương và cơ quan báo chí tập trung thông tin, truyền thông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo.

Động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết năm 2023, Tiểu dự án giảm nghèo về thông tin được ngân sách trung ương phân bổ 420,7 tỷ đồng vốn sự nghiệp và ngân sách địa phương phân bổ 15,67 tỷ đồng vốn sự nghiệp. Nguồn huy động khác hơn 2,9 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn này, các bộ, cơ quan trung ương tổ chức sản xuất và phát sóng hơn 590 chương trình phát thanh, truyền hình; 64 ấn phẩm báo in với số lượng phát hành hơn 188,4 nghìn tờ; sản xuất và đăng tải hơn 6.570 bài viết chuyên sâu, tin, ảnh minh họa, 90 file điện tử, 1.725 sản phẩm truyền thông khác trên báo điện tử; 300 sản phẩm truyền thông đăng tải trên mạng Internet, mạng xã hội; 96 video clip và 57,5 nghìn tờ rơi, áp phích... để cung cấp thông tin thiết yếu của ngành, lĩnh vực; ưu tiên cung cấp thông tin thiết yếu cho nhân dân ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo.

Đồng thời, tổ chức 16 lớp bồi dưỡng, tập huấn cho 4.760 đối tượng thuộc cơ quan, tổ chức theo phân cấp quản lý; thực hiện lựa chọn hơn 800 tác phẩm báo chí có nội dung thiết yếu, có giá trị phổ biến lâu dài để chuyển sang định dạng số và phát hành trên không gian mạng, các nhà xuất bản tổ chức sản xuất mới 36 xuất bản phẩm và lựa chọn 125 xuất bản phẩm in để xuất bản dưới hình thức xuất bản phẩm điện tử đối với các tác phẩm có giá trị nội dung lâu dài, cung cấp thông tin thiết yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội...

Các địa phương đã tổ chức sản xuất và phát sóng hơn 25.000 chương trình phát thanh, 11.700 chương trình truyền hình; 748 ấn phẩm báo in với số lượng phát hành hơn 20,7 triệu tờ; sản xuất và đăng tải hơn 86.700 bài viết chuyên sâu, tin, ảnh minh họa, 1.994 file điện tử, 426 sản phẩm truyền thông khác trên báo điện tử; sản xuất hơn 28,5 nghìn sản phẩm truyền thông đăng tải trên mạng Internet, mạng xã hội; 493 video clip và 76.700 tờ rơi, áp phích... để thông tin, tuyên truyền đến các đối tượng thụ hưởng của Chương trình nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người dân cả nước, nhất là người dân ở vùng đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo.

Ngoài ra, các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặc thù của Tiểu dự án, như thiết lập mới 6 cụm thông tin điện tử tại khu vực cửa khẩu quốc tế đường bộ; hỗ trợ 493/1.589 điểm cung cấp dịch vụ thông tin công cộng tại các điểm cung cấp dịch bưu chính công cộng phục vụ tiếp cận thông tin của nhân dân ở các xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo.

Triển khai phát triển 360 đài truyền thanh cho các xã chưa có đài truyền thanh ở khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn…

Tiểu dự án Truyền thông về giảm nghèo đa chiều được phân bổ gần 168,3 tỷ đồng vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương, 13,57 tỷ đồng vốn sự nghiệp nguồn ngân sách địa phương và nguồn huy động khác là 48 triệu đồng.

Thông qua các nguồn vốn, đã tổ chức được 598 lớp tập huấn cho gần 39.300 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo; 262 chương trình, phong trào; hơn 1.000 bài viết tuyên truyền, khơi dậy ý chí, khát vọng tự lực vươn lên của người dân, nhân rộng những tấm gương điển hình, những mô hình tốt, cách làm hay trong lĩnh vực giảm nghèo, nhất là ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; những đề còn tồn tại trong thời gian qua và đề xuất các kiến nghị và giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Để góp phần tuyên truyền, hỗ trợ trong thực hiện các cơ chế, chính sách về công tác giảm nghèo từ trung ương đến địa phương, Văn phòng Quốc gia Giảm nghèo đã xây dựng "Cẩm nang cơ chế, chính sách về giảm nghèo giai đoạn 2021-2025" theo hình thức ấn bản điện tử.

Cẩm nang tập hợp các văn bản và giải đáp các vướng mắc thường gặp về công tác giảm nghèo liên quan đến việc hướng dẫn, triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Văn phòng quốc gia về giảm nghèo cũng ban hành Sổ tay hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo để hướng dẫn về quy trình và cách thức tổ chức thực hiện dự án cho cán bộ quản lý, tổ chức thực hiện ở các cấp.

Sổ tay gồm ba phần chính, hướng dẫn một cách khái quát, có hệ thống quy trình chặt chẽ từ khâu chuẩn bị cho đến tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện dự án.

Tuy nhiên, cũng như nhiều dự án khác thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin có tiến độ giải ngân rất chậm. Hầu hết các nguồn vốn của Dự án mới giải ngân được trên dưới 10%.

Liên quan đến chiều thiếu hụt về thông tin, mục tiêu Chương trình đặt ra là 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet.

ttxvn-nguoi-ngheo-4257.jpg
Mục tiêu Chương trình đặt ra là 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

95% các hộ gia đình sinh sống địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông.

Chính phủ ước tính năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet đạt 50%. Tỷ lệ hộ gia đình sinh sống địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông đạt 90%.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV mới đây, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) đề nghị cần tiếp tục lãnh đạo đổi mới phương thức truyền thông trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.

Nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, nhất là cấp cơ sở, địa bàn dân cư về những mục tiêu, giải pháp của đề án, chương trình tổng thể để làm thay đổi mạnh mẽ nếp nghĩ, cách làm của người dân là đối tượng thụ hưởng trực tiếp từ hiệu quả của các chương trình.

Qua đó, vừa truyền tải thông tin về truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc, những thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc, vừa nắm bắt, phản ánh, tâm tư, nguyện vọng, tiếng nói của đồng bào dân tộc với cấp ủy, chính quyền các cấp về những tồn tại, hạn chế, bất cập để kịp thời sửa đổi, bổ sung các chủ trương, chính sách, góp phần vào việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống lại các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục