Tăng tốc ngay từ đầu năm, cả nước có 7 mặt hàng xuất khẩu vượt tỷ USD

Với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp trong việc "nâng chất” sản phẩm Việt để vươn ra thế giới, xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để tăng trưởng nhanh, bền vững.
Tăng tốc ngay từ đầu năm, cả nước có 7 mặt hàng xuất khẩu vượt tỷ USD ảnh 1Thông quan xuất khẩu hàng hóa qua Cảng Hải phòng những tháng đầu năm. (Ảnh: TTXVN)

Mặc dù có số ngày làm việc thực tế chỉ 24 ngày, song kim ngạch xuất khẩu của cả nước vẫn giữ nhịp tăng trưởng trong tháng đầu tiên của năm mới 2022.

Nhóm công nghiệp chế biến giữ ưu thế

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong tháng 1/2022 ước đạt 29 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Thống kê cho thấy, nhóm nông, lâm, thuỷ sản đóng góp khoảng 2,67 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 9,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhiều mặt hàng trong nhóm này có mức tăng cao, như: thủy sản đạt 870 triệu USD, càphê đạt 395 triệu USD; hạt tiêu đạt 71 triệu…

[Có giải pháp căn cơ để tăng tỷ lệ xuất khẩu chính ngạch]

Cũng trong tháng 1/2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến đem về 24,95 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ, chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.

“Sau hai năm ứng phó với dịch bệnh COVID-19 nên các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã dần thích nghi và phát triển. Do vậy, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu trong tháng đầu năm 2022 đều duy trì được tăng trưởng xuất khẩu dương,” đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Đáng chú ý, trong tháng đầu tiên của năm mới, cả nước có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 63,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 4 tỷ USD. Tiếp đến là Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,5 tỷ USD; hàng dệt may và may mặc đạt 3,3 tỷ USD…

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho biết năm 2021 dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp song doanh nghiệp vẫn có mức tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận, trong đó lợi nhuận tăng 11%, thu nhập bình quân người lao động tăng 7,6% so với năm 2020.

“Hiện nay, May 10 đã có đơn hàng đến hết quý 2, trong đó có những mặt hàng có đơn hàng cho cả năm, đây là yếu tố thuận lợi để doanh nghiệp phát huy hết khả năng lao động sáng tạo, sáng kiến trong sản xuất kinh doanh, khẩn trương vận hành các dây chuyển ngay từ những ngày đầu năm,” ông Thân Đức Việt chia sẻ.

Đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh, hiện nhiều hàng hóa của Việt Nam đã xác lập được vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng của một số sản phẩm, như: Điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, dệt may, da giày, đồ gỗ, thuỷ sản, gạo, càphê, hồ tiêu... Đây cũng là nhóm những mặt hàng trong thời gian vừa qua có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá cao.

“Việt Nam đã sở hữu được 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết các thị trường trọng điểm trên thế giới, nhờ vậy tạo ra một xung lực lớn cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu, cũng như giúp chúng ta tiếp nhận được nhiều công nghệ tiên tiến, hiện đại và đào tạo được lực lượng lao động chuyên nghiệp hơn…,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Khai thác triệt để các cơ hội

Khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) dường như là một trong những thế mạnh của xuất khẩu Việt Nam, nhất là khi các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) có hiệu lực.

Cùng với đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ đầu năm nay cũng tiếp tục là xung lực mới cho xuất khẩu của Việt Nam.

Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP. PRO thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, chỉ trong 5 năm gần đây, thủy sản xuất khẩu chế biến từ nguyên liệu nhập khẩu chiếm từ 24- 30% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, qua đó góp phần không nhỏ đưa Việt Nam nên vị trí thứ ba trong số các nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới.

“Chúng tôi dự đoán nhập khẩu thủy sản sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới vì ngành công nghiệp chế biến thủy sản trong nước ngày càng phát triển với công nghệ chế biến sâu hiện đại, với đội ngũ lao động tay nghề cao và với lợi thế về thuế quan nhập khẩu sau khi có các hiệp định EVFTA, CPTPP… và các hiệp định khác,” bà Lê Hằng nói.

- Cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 1/2022:

Cũng trong tháng đầu năm 2022, cả nước đã chi 29,5 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó phần nhiều vẫn là các sản phẩm phục vụ sản xuất và xuất khẩu.

Vì vậy, trong tháng 1/2022, thâm hụt thương mại khoảng 0,5 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu gần 2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Cùng với kết quả trên, để tạo đà cho việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội những tháng tới, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất-kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu; trong đó tập trung vào các dự án trọng điểm ngay từ đầu năm nhằm tạo nguồn hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, cơ quan này cũng đẩy nhanh việc khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.

Cùng với đó, ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.

Với sự nỗ lực mạnh mẽ của các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp trong việc "nâng chất” sản phẩm Việt để vươn ra thế giới, theo như đánh giá của người đứng đầu ngành Công Thương: “Xuất khẩu của Việt Nam đang hội tụ các yếu tố thiên thời-địa lợi-nhân hòa để tiếp tục bứt phá, tăng trưởng nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục