Tăng tuổi nghỉ hưu: Chỉ nên áp dụng cho khu vực công?

Nhiều đại biểu băn khoăn về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động tại dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) cho rằng chưa phù hợp những người lao động trong khu vực sản xuất trực tiếp.
Ông Ngọ Duy Hiểu (Đoàn đại biểu Quốc hôi Thành phố Hà Nội) phát biểu ý kiến về dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 29/5, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Thúy Anh đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại Quốc hội.

Theo dự án Bộ luật Lao động, Chính phủ đã đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ. Tuy nhiên, tại báo cáo đã chỉ ra đề xuất trên chưa làm rõ được tính hợp lý về khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ từ quan điểm bảo đảm bình đẳng giới thực chất hay các biện pháp đặc biệt tạm thời theo tinh thần Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.

Nội dung báo cáo cho biết: “Khoảng cách tuổi nghỉ hưu cần được xem xét tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tính chất lao động, điều kiện lao động của những nhóm lao động khác nhau và liên quan mật thiết đến nhiều chính sách khác.”

Tăng tuổi nghỉ hưu tác động đến kinh tế-xã hội lâu dài

Liên quan đến tuổi nghỉ hưu, thảo luận tại tổ, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến thẳng thắn với mong muốn dự án Bộ luật Lao động đưa ra các quy định dựa trên các căn cứ khoa học và tiến bộ hơn so với các quy định hiện hành.

Đại biểu Phạm Quang Thanh (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động tình hình kinh tế, xã hội, chính trị lâu dài, trong khi đó cơ quan soạn thảo lại chưa đưa ra những đánh giá khoa học. Một số lập luận so sánh độ tuổi nghỉ hưu với các nước khác cũng được đại biểu này phản biện, đó là cách so sánh “áng chừng,” trong khi cần phải có những nghiên cứu khoa học cụ thề về sức khỏe ở tuổi cao của người Việt Nam.

Tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Khi đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua, Luật phải có cơ sở lý luận,” ông Phạm Quang Thanh nhấn mạnh.

[Đánh giá kỹ tác động khi điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu]

Mặc dù đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu song đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng lưu ý, việc thiết kế dự thảo Luật cần có bản đối chiếu luật hiện hành, bởi Luật mới khi ra đời đòi hỏi phải có sự tiến bộ hơn với việc xác định ngành nghề, đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu. Ông cũng đưa ra dẫn chứng: “Hầu hết các quốc gia tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động là những quốc gia đang thiếu lao động, trong khi dự thảo lại đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đúng vào thời điểm giảm biên chế. Thêm vào đó, hàng triệu người lao động đang thất nghiệp, trong đó có 100.000 người là cử nhân.”

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Thúy Anh cũng chỉ ra, để có đủ thông tin trình Quốc hội xem xét, thảo luận, đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn sự phù hợp của việc đề xuất mức tuổi nghỉ hưu 62 với nam, 60 với nữ trên các yếu tố, cụ thể: tuổi nghỉ hưu so với tuổi thọ trung bình và tuổi thọ mạnh khỏe, mối quan hệ giữa việc tăng tuổi nghỉ hưu và bảo hiểm xã hội cùng các yếu tố ảnh hưởng khác.

Tăng tuổi nghỉ hưu tại khu vực lao động phổ thông có hợp lý?

Đóng góp ý kiến cho dự án Luật, đại biểu Quốc hội, giáo sư, tiến sỹ y khoa Nguyễn Anh Trí cho rằng, về tâm tư cá nhân ông chưa đồng ý với các phương án mà Ban soạn thảo đưa ra. Bởi theo ông, nếu tăng tuổi nghỉ hưu chung cho người lao động rất khó. Trong các ngành nghề có môi trường làm việc khác nhau, những người phụ nữ làm công việc như cô giáo, bác sỹ, kỹ sư với người lao động tay chân có môi trường làm việc rất khác nhau.

“Mặc dù dự thảo luật cũng đã tính đến chuyện này, song khi xem xét kỹ vẫn còn nhiều vấn đề chưa hợp lý,” giáo sư nói.

Cụ thể, đại biểu Ngọ Duy Hiểu chỉ ra, phần lớn người lao động trực tiếp bằng cơ bắp trong các ngành nghề năng nhọc sẽ không mong muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Mặt khác, các chủ doanh nghiệp cũng không mong muốn giữ người lao động quá lớn tuổi.

Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về nhóm đối tượng sẽ tăng tuổi nghỉ hưu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cũng băn khoăn về vấn đề tuổi nghỉ hưu, đại biểu Nguyễn Đức Sáu (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy hầu như người lao động đều mong muốn giữ tuổi lao động như hiện tại. Một số trong cấp quản lý có thể có ý kiến đồng thuận nhưng tỷ lệ không cao. Trong khi, lực lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường mỗi năm là rất lớn, do đó cần có đánh giá tác động xã hội nếu tăng tuổi nghỉ hưu trong điều kiện sản xuất hiện nay, liệu điều này có làm gia tăng lực lượng thất nghiệp nhiều hơn?”

Ngoài ra, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) có thẳng thắn đề cập đến nguyên nhân đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu trong bối cảnh “vỡ quỹ bảo hiểm xã hội” là không hợp lý.

“Các vấn đề dưới góc độ tài chính nên giải quyết chính bằng các nguyên tắc tài chính,” bà Mai nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: “Nếu khi tăng tuổi nghỉ hưu rồi mà vẫn ‘vỡ quỹ bảo hiểm xã hội’ thì sao? Trong khi đó, Bảo hiểm xã hội không có biện pháp hữu hiệu nào đòi được nợ.”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục