Tạo cơ chế để phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Các đại biểu đều cho rằng, cùng với xây dựng nông thôn mới, cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp và đầu tư khoa học công nghệ vào lĩnh vực này là chủ trương đúng đắn, phù hợp.
Tạo cơ chế để phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ảnh 1(Nguồn: TTXVN)

Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về dự thảo các văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ một trong những định hướng lớn hướng tới mục tiêu Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Bên lề Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các đại biểu đều cho rằng, cùng với xây dựng nông thôn mới, cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp và đầu tư khoa học công nghệ vào lĩnh vực này là chủ trương đúng đắn, phù hợp, nhằm nâng cao hơn nữa năng lực sản xuất và đời sống của người dân nông thôn.

Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) cho rằng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, nếu chỉ nhấn mạnh đến vấn đề điện, đường, trường, trạm... thì chưa đủ, mà cần phải bảo đảm vấn đề nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Chính vì vậy, dự thảo các Văn kiện của Đại hội Đảng lần này đặt ra vấn đề phát triển kinh tế nông thôn gắn liền với xây dựng nông thôn mới, tạo ra một cơ chế mới để làm sao nông nghiệp có một giá trị gia tăng cao. Lúc đó, người dân có thể tiếp cận được với các ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo đảm cuộc sống ngày càng được nâng lên. Theo đại biểu, đó là yếu tố cốt lõi để xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ mới.

Theo đánh giá của đại biểu Cao Văn Hóa (Ninh Thuận), 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã giúp huy động sức mạnh của toàn dân. Người dân là chủ thể để xây dựng bộ mặt nông thôn tươi đẹp hơn.

Về tái cơ cấu nông nghiệp, đại biểu thấy rằng phải tập trung phát triển những thế mạnh nông nghiệp của từng vùng, hình thành vùng chuyên canh, gắn với phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ chế biến nhằm tạo ra chuỗi giá trị cạnh tranh được với thị trường thế giới.

Đó là mục tiêu chúng ta cần đạt được- đại biểu nhận định, có như vậy mới tăng mức sống, thu nhập của người nông dân. Đại biểu cho biết Ninh Thuận cũng triển khai theo hướng những vùng khô hạn thì chuyển sang trồng những cây chịu hạn tốt, đồng thời phát triển đàn gia súc, gia cầm gắn với phát triển đồng cỏ, nâng cao chuỗi giá trị nông sản.

Đại biểu Đỗ Đình Việt (Vĩnh Phúc) cho rằng, trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần này có nêu rõ là thực hiện tốt sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, để nâng cao năng lực và sức cạnh tranh hàng hóa nông nghiệp và đời sống của nhân dân.

Theo quan điểm của đại biểu Đỗ Đình Việt, trong thời gian tới, để thực hiện đột phá về nông nghiệp, quan trong nhất là phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, đưa khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp theo mô hình công nghệ cao và quy mô lớn để sản xuất ra khối lượng hàng hóa có thể đáp ứng được nhu cầu; đồng thời khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng, để tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Trong tái cơ cấu nền nông nghiệp, đại biểu Đỗ Đình Việt quan tâm vấn đề làm sao đưa được khoa học công nghệ cao có chất lượng vào sản xuất và kết nối được giữa nhà sản xuất với các doanh nghiệp và nhà khoa học. Đại biểu đánh giá đây là mấu chốt của vấn đề để tái cơ cấu nền nông nghiệp. Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt việc tích tụ ruộng đất, để làm nền tảng cho việc tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Minh Hùng (Hải Dương) rất tâm đắc khi Trung ương nêu một số vấn đề liên quan đến việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong các dự thảo Văn kiện; trong đó không những hướng tới nâng cao giá trị thu nhập cho người dân mà nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đó là tập trung xử lý các vấn đề môi trường. Bởi đại biểu thấy rằng vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay không chỉ ở những nơi sản xuất công nghiệp mà ngay cả nông thôn đang đặt ra vấn đề bức xúc trong nhân dân.

Với những mục tiêu đặt ra từ sau Đại hội đến năm 2020, việc xử lý triệt để các rác thải tập trung và rác thải y tế, rác thải nông thôn đã được xác định thành một chỉ tiêu cụ thể.

Đại biểu Nguyễn Văn Dừa (Cao Bằng) cho rằng, người nông dân cần quan tâm năng lực, trình độ và đưa khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Khó khăn lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam là do điều kiện sản xuất, năng lực sản xuất còn ở điều kiện thấp, nền sản xuất nông nghiệp, số lượng, chất lượng chưa đạt được tiêu chuẩn; chưa có sự liên kết thực sự giữa 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân), do đó khả năng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn thấp.

Đứng trước khó khăn của của ngành nông nghiệp, đại biểu đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đầu tư cho hạ tầng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ; nghiên cứu tìm đầu ra cho các thị trường nông sản; tổ chức liên kết các vùng, đặc biệt là vùng Đông bắc, Tây bắc để tạo ra các sản phẩm có thế mạnh để đưa ra thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng bền vững hơn.

Là đại biểu của tỉnh Đồng Tháp, một tỉnh trọng điểm của nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu Nguyễn Văn Công mong muốn trong thời gian sắp tới, Trung ương sẽ có các quyết sách để nông dân có điều kiện sản xuất tốt hơn, từ đó điều kiện sống được nâng lên từ mảnh ruộng của mình.

Cụ thể, đại biểu mong muốn Trung ương có những chính sách về vấn đề sản xuất quy mô lớn, sản xuất hàng hóa, quan tâm nhiều hơn đến giải pháp khoa học công nghệ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư ngày càng nhiều hơn vào lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn cũng như có các giải pháp phù hợp để phát triển các hợp tác xã nông nghiệp. Trên cơ sở đó giúp sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới mang lại hiệu quả tốt hơn, đặc biệt là trong xu thế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với các quốc gia trên thế giới.

Đại biểu thể hiện sự tâm đắc với ý kiến phải có một nguồn lực để bảo đảm các chính sách đề ra phát huy tác dụng cũng như cần có sự quan tâm hơn trong việc áp dụng các kiến thức khoa học công nghệ, để từ đó giúp người nông dân sản xuất mang lại hiệu quả. Cụ thể là có thể bảo đảm sản xuất hàng hóa với chi phí thấp hơn, cạnh tranh với các nông sản trên thế giới, như vậy đời sống của người nông dân mới có thể thay đổi được - đại biểu nhấn mạnh.

Cũng là một đại biểu đến từ Đồng bằng sông Cửu Long, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long đồng chí Trần Văn Rón đặc biệt quan tâm và cho rằng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong những nội dung quan trọng nhất trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Theo đại biểu đánh giá, đây là vấn đề không chỉ Vĩnh Long mà người dân của Đồng bằng sông Cửu Long đều rất quan tâm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục