Tạo điều kiện để thanh niên Việt Nam thực hiện hoài bão

Thanh niên là lực lượng chủ chốt thực hiện chương trình quốc gia về phát triển bền vững, chúng ta cần đầu tư cho thanh niên trên nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, phát triển kỹ năng...
Tạo điều kiện để thanh niên Việt Nam thực hiện hoài bão ảnh 1Thanh niên tình nguyện Huyện đoàn Phước Long với mô hình Áo xanh ra đồng hỗ trợ người dân thu hoạch rau màu trong thời gian giãn cách xã hội. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Thanh niên Việt Nam là lực lượng xã hội to lớn, là nguồn nhân lực quan trọng và là một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh của đất nước.

Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để chăm lo, phát huy sức mạnh, sáng tạo của thanh niên, lực lượng lao động chính của xã hội; trong đó nổi bật là Luật Thanh niên, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Nhân Ngày Quốc tế thanh niên (12/8), phóng viên TTXVN đã phỏng vấn bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, về công tác phát triển thanh niên ở Việt Nam.

- Xin bà có thể đưa ra những đánh giá khái quát về vai trò của thanh niên với tư cách là lực lượng then chốt trong quá trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 ở Việt Nam?

Bà Naomi Kitahara: Việt Nam đang trải qua thời kỳ thay đổi nhanh chóng về dân số và xã hội. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam ghi nhận có tỷ lệ thanh niên cao nhất trong lịch sử (20,4 triệu người trong độ tuổi từ 10-24, chiếm 21% dân số).

Điều này mở ra một thời kỳ dân số vàng, với sự xuất hiện của điều mà chúng tôi gọi là “lợi tức dân số” - Việt Nam có thể tận dụng thời kỳ này để tăng tốc phát triển kinh tế xã hội, nếu như các chính sách phù hợp được áp dụng cho thanh niên.

Điều này càng đặc biệt quan trọng khi Việt Nam đang ghi nhận nhiều tiến bộ trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), chẳng hạn như giảm tỷ lệ nghèo đa chiều quốc gia từ mức 9,9% trong năm 2016 xuống còn 4,8% vào năm 2020 và duy trì tốc độ tăng trưởng GDP khả quan ở mức 6,7% (2015), 6,2% (2016) và 7,02% (2019).

Rõ ràng, thanh niên là lực lượng chủ chốt thực hiện chương trình quốc gia về phát triển bền vững. Chúng ta cần đầu tư cho thanh niên trên nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, phát triển kỹ năng, việc làm và công bằng xã hội, bao gồm bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực giới.

[Ba sẵn sàng: Ngọn lửa thắp sáng tinh thần cách mạng tuổi trẻ]

Chúng ta cũng cần tạo môi trường thuận lợi để những người trẻ tham gia vào quá trình ra quyết định và trao quyền để họ ngày càng có vai trò lớn hơn trong tất cả các lĩnh vực xã hội, kinh tế, văn hóa và chính trị.

Khi chiến lược chuyển đổi số của Chính phủ được coi là động lực phát triển chính, kỹ năng sử dụng thành thạo công nghệ thông tin sẽ mở ra các cơ hội mới cho người trẻ.

Một điều quan trọng cần lưu ý là thanh niên không phải là một nhóm đồng nhất và điều này cần được tính đến khi thiết kế, thực hiện các chính sách liên quan ở cả cấp quốc gia và địa phương.

Việc chấp nhận sự đa dạng trong giới trẻ có thể tạo điều kiện thuận lợi để họ tham gia và đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, và để không ai bị bỏ lại phía sau.

Tạo điều kiện để thanh niên Việt Nam thực hiện hoài bão ảnh 2Đoàn viên thanh niên hỗ trợ lực lượng chức năng tại chốt kiểm dịch thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

- Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn dân số vàng với đội ngũ lao động đông đảo, tuy nhiên, tốc độ già hóa dân số tăng mang đến những áp lực không nhỏ cho kinh tế – xã hội. Theo bà, Việt Nam cần có những biện pháp gì nhằm kéo dài và phát huy lợi thế thời kỳ dân số vàng?

Bà Naomi Kitahara: Việt Nam đang trải qua một quá trình thay đổi cơ cấu dân số rất đáng chú ý vào thời điểm hiện tại. Trong khi chúng ta có số lượng người trẻ tuổi cao nhất trong lịch sử, số lượng người cao tuổi ở Việt Nam cũng đang tăng lên.

Số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, nhóm người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% dân số, tương đương hơn 11,4 triệu người, trong đó 58,1% là phụ nữ lớn tuổi và 67,1% sống ở nông thôn. Có thể thấy, xu hướng già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh ở Việt Nam.

Sự chuyển dịch cơ cấu dân số này phản ánh những thách thức của quá trình già hóa dân số. Nhưng ở đây, cần chỉ ra rằng già hóa dân số xảy ra không chỉ vì tỷ lệ tử vong giảm, con người sống lâu hơn mà còn do mức sinh giảm. Với mức sinh giảm trong những thập kỷ qua, tỷ lệ người cao tuổi trong tổng cơ cấu dân số của Việt Nam đã tăng lên.

Khi số lượng người cao tuổi tăng lên, các dịch vụ khác nhau sẽ cần được cung cấp, đặc biệt là các dịch vụ bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe và lương hưu. Chúng ta cần nhìn vào thực tế là rất nhiều người cao tuổi sống một mình, thậm chí nhiều người trong số đó bị khuyết tật, đặt ra những thách thức rất cụ thể.

Ngoài ra, phụ nữ cao tuổi có nhiều nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo đói hơn và do đó, việc tính đến những yếu tố như tỷ lệ nghèo và tỷ lệ già hóa ở nữ giới (so với nam giới) trong quá trình ra quyết định, chính sách là cần thiết.

Tuy nhiên, già hóa dân số cũng có thể mang đến cơ hội mới, đó có thể là việc làm cho người cao tuổi, bổ sung họ vào lực lượng lao động hay là sự xuất hiện của các doanh nghiệp mới trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi.

Về cơ hội từ dân số vàng, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên sử dụng đầy đủ cách tiếp cận vòng đời trong quá trình ra quyết định chính sách của mình, để những người trẻ chuẩn bị đầy đủ cho tuổi già và lập kế hoạch cuộc sống phù hợp. 

Điều quan trọng là Chính phủ phải đầu tư thông minh vào giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho thanh niên - bao gồm cả sức khỏe tình dục và sinh sản, để họ có thể đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước, với tư cách là những công dân trưởng thành và có trách nhiệm.

Theo tôi, giai đoạn hiện tại là cơ hội hiếm có để Việt Nam tận dụng “lợi tức dân số” nhằm đẩy nhanh và củng cố sự phát triển kinh tế - xã hội.

- Bà có khuyến nghị hay thông điệp gì để mỗi thanh niên có thể tự chăm sóc bản thân và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng trong thời gian bùng phát dịch bệnh hiện nay?

Bà Naomi Kitahara: Mặc dù đại dịch COVID-19 có xu hướng ảnh hưởng nhiều hơn đến người cao tuổi, điều đó không có nghĩa là những người trẻ sẽ không bị nhiễm bệnh và không bị nhiễm nặng. Do đó, những người trẻ cần tuân thủ hoàn toàn các biện pháp phòng ngừa như khuyến cáo 5K và các biện pháp khác theo khuyến cáo của chính quyền Trung ương, địa phương.

Các bạn trẻ cần đồng hành cùng với đất nước trong công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19. Điều này cũng là để bảo vệ cho chính bản, gia đình, những người thân yêu, cộng đồng và đất nước.

Cùng với đó, chúng ta cần ý thức rằng, những người trẻ tuổi cũng đang phải chịu những ảnh hưởng như các nhóm đối tượng khác trong xã hội; trong đó, hoạt động giáo dục và đời sống xã hội chịu tác động nghiêm trọng.

Do vậy, việc tạo cơ hội để thanh niên quay trở lại cuộc sống và theo đuổi các hoạt động học tập, nghề nghiệp ngay khi làn sóng COVID-19 hiện tại lắng xuống là rất quan trọng.

Với tư cách là những người trưởng thành, chúng ta có trách nhiệm rất lớn trong việc tạo điều kiện để những người trẻ ở Việt Nam thực hiện hoài bão, hoạch định cuộc đời và phát triển.

Tôi muốn gửi lời chào tới các bạn tình nguyện viên trẻ trên khắp cả nước, những người đang chung tay giúp đỡ các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19.

Đó là công việc hỗ trợ trong các bệnh viện, cơ sở y tế, cũng như chăm sóc và hỗ trợ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm người già, phụ nữ, trẻ nhỏ và người khuyết tật. Họ đang thực hiện một công việc tình nguyện tuyệt vời, với niềm tin mạnh mẽ rằng chúng ta có thể cùng nhau ngăn chặn và ứng phó hiệu quả với COVID-19.

Thanh niên là niềm hy vọng của Việt Nam, và đó là lý do tại sao chúng ta kỷ niệm Ngày Quốc tế Thanh niên. Những người trẻ của Việt Nam thật tuyệt vời - họ không chỉ là những nhà lãnh đạo trong tương lai, mà họ thực sự đã là những nhà lãnh đạo của ngày hôm nay.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục