Tạo sức bật, nâng tầm giá trị sản phẩm thương mại khu vực miền núi

Bộ Công Thương đã giao các đơn vị tham mưu rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa có thế mạnh của miền núi, vùng sâu, vùng xa
Tạo sức bật, nâng tầm giá trị sản phẩm thương mại khu vực miền núi ảnh 1Diễn đàn Kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo năm 2022. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tiềm năng sẵn có, song nhiều đặc sản khu vực vùng sâu, vùng xa vẫn chưa có điều kiện để phát huy hết các lợi thế. Vì vậy, nhằm tạo đầu ra ổn định, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương thì việc xây dựng các cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư, gắn kết giữa sản xuất-tiêu dùng là đòn bẩy hết sức quan trọng.

Đây cũng là nội dung chính được thảo luận tại Diễn đàn kinh tế: “Kết nối, hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo năm 2022,” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 5/10, tại Hà Nội.

Chưa phát huy hết tiềm năng

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, phía Tây Bắc của Tổ quốc, là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với cả 2 quốc gia Lào và Trung Quốc, là cửa ngõ giao thương của khu vực Tây Bắc Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào thông qua cửa khẩu Quốc tế (Tây Trang-Pang Hốc), cửa khẩu Quốc gia (Huổi Puốc-Na Son) và nhiều lối mở biên giới.

[Cơ hội thưởng thức các trái cây, rau củ đặc sản vùng miền tại Hà Nội]

Theo ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh khá thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, tính thương mại hóa trong sản xuất nông nghiệp tương đối cao, trong đó nhiều đặc sản đã có tiếng trên thị trường như: gạo Điện Biên, chè Shan tuyết, càphê, cao su…

Tuy nhiên, do năng lực sản xuất nội tại còn hạn chế, các sản phẩm của Điện Biên tuy có phẩm cấp cao nhưng số lượng lớn còn ít, chưa được chế biến sâu trong khi điều kiện hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn, các tỉnh nước bạn có chung biên giới với tỉnh Điện Biên đều thuộc khu vực kém phát triển của mỗi nước.

Tạo sức bật, nâng tầm giá trị sản phẩm thương mại khu vực miền núi ảnh 2Đặc sản Ninh Thuận giới thiệu tới người tiêu dùng Thủ đô. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Hơn nữa, việc sản xuất của người dân vẫn chủ yếu tự cung tự cấp, nên chất lượng nhiều sản phẩm còn chưa ổn định, ít tham gia vào chuỗi phân phối tại các thị trường lớn.

Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tỉnh Điện Biên hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, nguồn lực còn hạn chế; các chính sách hỗ trợ, xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu đối với các doanh nghiệp còn ít, nguồn lực đầu tư cho phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa còn có phần hạn chế, vì vậy chưa tạo liên kết vùng mạnh để thu hút thương mại và đầu tư.

Đáng lo ngại là tình trạng hàng giả hàng nhái vẫn còn xảy ra tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người dân mà cả về an ninh, phát triển kinh tế-xã hội.

Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Điện Biên đề xuất Bộ Công Thương và thành phố Hà Nội hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản, kết nối đưa các sản phẩm hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh Điện Biên vào tiêu thụ ổn định tại hệ thống các siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh, thành phố trong cả nước; hỗ trợ mở rộng thị trường xuất khẩu.

Cùng với đó, đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp, nông, lâm sản của tỉnh Điện Biên góp phần nâng cao giá trị thương hiệu cho các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Điện Biên trở thành các sản phẩm quen thuộc của người tiêu dùng trong cả nước.

"Cần kịp thời cung cấp thông tin dự báo về nhu cầu đối với các sản phẩm có lợi thế của các địa phương nhất là các mặt hàng nông lâm sản trên thị trường quốc tế; thông tin về các cơ chế chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, để các địa phương chủ động, linh hoạt hơn trong quá trình tham gia hội nhập của đất nước cũng như hoạch định phát triển sản xuất theo hướng ổn định, bền vững," ông Phạm Đức Toàn nêu ý kiến.

Còn theo ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành khối cửa hàng đại siêu thị GO!  Big C khu vực Hà Nội và miền Bắc, khó khăn lớn nhất là các nhà cung cấp ở vùng sâu vùng xa vẫn chưa quen với hình thức thương mại hiện đại và nguồn hàng chưa ổn định nên doanh nghiệp phải làm việc rất nhiều và cần có sự hỗ trợ của cán bộ chuyên môn ở địa phương để đảm bảo kế hoạch sản xuất và tiến độ giao hàng.

Hơn nữa, do không quen với các thủ tục về giấy tờ nên các cán bộ ở Sở Nông nghiệp và Sở Công Thương cùng vào cuộc để hỗ trợ doanh nghiệp.

"Đặc sản vùng miền dù có thể thân quen với một số nơi nhưng với người tiêu dùng của BigC vẫn chưa phải là sản phẩm tiêu dùng phổ biến, nên doanh nghiệp cần phải làm rất nhiều chương trình hỗ trợ ưu tiên về trưng bày, quảng bá để thu hút người tiêu dùng," ông Lê Mạnh Phong cho hay.

Thương hiệu-Yếu tố tạo sức bật cho sản phẩm

Thực tế cho thấy, với chất lượng cuộc sống ngày càng nâng nên đòi hỏi người nông dân không chỉ bán những gì mình nuôi trồng sẵn có mà cần tìm hiểu để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Do đó, việc "bắt tay"giữa Nhà nước-Nhà khoa học-Doanh nghiệp-Người nông dân chính là yếu tố quan trọng nhất nhằm tạo sức lan tỏa lớn cho việc nâng cao giá trị sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho các sản vật đặc trưng vùng miền.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, cho rằng nhiều sản phẩm tại khu vực miền núi, hải đảo… vẫn chưa có giá trị thương hiệu tốt hay đem lại lợi ích cho người dân bởi đa phần doanh nghiệp có kinh nghiệm đầu tư làm thương hiệu và làm thương mại lại tập trung ở các vùng kinh tế phát triển, còn đầu tư ở vùng sâu vùng xa mức độ rủi ro rất cao cộng thêm chi phí rất cao.

Hơn nữa, xu hướng thương mại điện tử rất phát triển song với nhiều vùng trồng, việc hoàn thiện và đóng gói sản phẩm cũng như điều kiện điểm bán còn chưa đồng bộ và phát triển tương xứng, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm cũng như yếu tố cạnh tranh của sản phẩm đó…

Vì vậy, theo bà giá trị lớn nhất chính là giá trị thương hiệu và giá trị cốt lõi để xây dựng lên giá trị thương hiệu chính là tính khác biệt.

Tạo sức bật, nâng tầm giá trị sản phẩm thương mại khu vực miền núi ảnh 3Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cũng nhấn mạnh đến yếu tố thương hiệu, bà Thạch Thị Chal Thi, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trà Vinh Farrm chia sẻ, doanh nghiệp đã chọn xây dựng thương hiệu bắt nguồn từ văn hoá địa phương, về những lợi thế vùng miền, kết hợp với công nghệ để khẳng định chất lượng và tính tác động xã hội của mô hình.

"Xây dựng thương hiệu là một quá trình dài, chứ không nhanh được, nên với định hướng chân thật sẽ giúp mình luôn giữ được cái hồn của doanh nghiệp...," bà Thạch Thị Chal Thi nói.

Đánh giá Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020, theo đại diện Bộ Công Thương, Chương trình không chỉ kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, mà thông qua tổ chức các hội nghị, hội thảo còn hình thành được những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Song để tạo ra hiệu quả lớn hơn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cho biết Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 1162/QĐ-TTg với mục tiêu trong cả giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt mức tăng trưởng 9-11% hàng năm; phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của khu vực...

Về phía Bộ Công Thương đã giao cho các đơn vị tham mưu rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện khung pháp lý nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa có thế mạnh của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, nghiên cứu phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng đối với hàng hóa được sản xuất khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Cùng với đó, tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực và kết nối thị trường cho thương nhân tham gia xuất khẩu hàng hóa của khu vực qua biên giới cũng như phối hợp với các địa phương và hệ thống phân phối để tổ chức các hoạt động phân phối hàng hóa phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; kết nối đưa hàng hóa là lợi thế khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo với các kênh phân phối trên thị trường cả nước.

Ông Hải cũng đề nghị Chính phủ quan tâm, bố trí nguồn ngân sách để hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các chợ truyền thống ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đặc biệt ở những vùng khó khăn, cũng như khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng và hải đảo, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại tại khu vực này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục