Tập đoàn Panasonic mở rộng sản xuất thiết bị điện tại Việt Nam

Công ty con của Tập đoàn là Panasonic Eco-solutions Việt Nam chuẩn bị khai trương nhà máy mới tại khu công nghiệp VSIP II – Annex ở tỉnh Bình Dương.
Tập đoàn Panasonic mở rộng sản xuất thiết bị điện tại Việt Nam ảnh 1 HTML clipboard Giám đốc Bộ phận kinh doanh thiết bị điện của Panasonic. (Nguồn: Hữu Thắng/Vietnam+)

Theo phóng viên Vietnam+ tại Nhật Bản, Tập đoàn Panasonic vừa công bố kế hoạch mở rộng sản xuất các thiết bị điện trong nhà như công tắc điện, cầu dao, ổ cắm,… tại Việt Nam nhằm cung cấp trực tiếp do nhu cầu trong nước ngày càng tăng.

Công ty con của Tập đoàn là Panasonic Eco-solutions Việt Nam chuẩn bị khai trương nhà máy mới tại khu công nghiệp VSIP 2 – Annex ở tỉnh Bình Dương với số vốn đầu tư ban đầu lên tới 396 tỷ đồng.

Với năng lực sản xuất và đầu tư mỗi năm tăng lên, nhà máy tại Việt Nam sẽ không chỉ cung ứng thiết bị điện cho thị trường Việt Nam mà có thể xuất sang nước ngoài. Điều này cho thấy vai trò ngày càng lớn của Việt Nam trong chuỗi cung ứng sản phẩm của Tập đoàn Panasonic. Năng lực sản xuất của nhà máy hiện vào khoảng 30 triệu thiết bị điện lưới như ổ cắm, công tắc và hơn 5 triệu thiết bị điện nguồn như cầu dao trong năm đầu đi vào sản xuất. Dự kiến, ngày 15/11, nhà máy sẽ chính thức khai trương.

Nhân sự kiện chuẩn bị khánh thành Nhà máy mới tại Việt Nam, phóng viên Vietnam+ tại Nhật Bản đã có cuộc trao đổi với ông Takashi Ogasawara, Giám đốc Bộ phận Thiết bị điện Tập đoàn điện tử Panasonic.

- Panasonic sắp khai trương một Nhà máy mới ở Việt Nam, ông có thể cho biết vai trò của Nhà máy này trong chuỗi sản xuất của Panasonic không?

Ông Takashi Ogasawara: Hiện nay, chúng tôi vẫn đang sản xuất các thiết bị điện lưới trong nhà tại công xưởng ở Thái Lan và xuất sang Việt Nam. Nhờ hiệu quả kinh doanh tại thị trường Việt Nam nên lượng sản xuất thiết bị cung ứng cho thị trường của chúng tôi tại nhà máy ở Thái Lan tăng tới 140% so với năm trước. Tuy nhiên, việc sản xuất sản phẩm cung cấp cho khách hàng Việt Nam gặp phải những bất tiện do nguồn cung cấp ở xa. Thay vào đó, việc sản xuất sản phẩm tại chỗ nhằm cung ứng trực tiếp cho thị trường sẽ khắc phục được hạn chế nêu trên. Đó là lý do đầu tiên khiến Panasonic quyết định xây dựng thêm nhà máy ở Việt Nam.

Mục đích tiếp theo của việc thành lập nhà máy ở Việt Nam là chúng tôi muốn phối hợp cùng với cơ quan quản lý chất lượng của Việt Nam, cung cấp cho thị trường những sản phẩm có chất lượng tốt và an toàn, thay thế dần các sản phẩm chất lượng thấp, trôi nổi hiện nay.

- Mức tăng trưởng sản xuất 140% quả thật là ấn tượng. Ông có chia sẻ nào thêm về điểm này không?

Ông Takashi Ogasawara: Đúng vậy, mức tăng trưởng về sản lượng 140% này liên tục trong một thời gian dài. Điều này cũng khiến cho chúng tôi cảm thấy thực sự bất ngờ. Tôi nhận thấy là kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng và nhu cầu về xây dựng nhà ở và các công trình tăng mạnh, khiến nhu cầu tiêu thụ các thiết bị điện lưới ngày càng lớn. Cụ thể, độ tuổi trung bình của dân số Việt Nam là 28 tuổi, phải nói là rất trẻ, và sẽ có rất nhiều người có nhu cầu ra ở riêng. Với nhu cầu đó của thị trường, lượng nhà ở được xây mới sẽ gia tăng mạnh.

Ngoài ra, các khu nhà ở của các gia đình ở Việt Nam thường cao 3-4 tầng trở lên nên số lượng thiết bị điện lưới trong nhà được tiêu thụ nhiều hơn so với Nhật Bản, chỉ với 2-3 tầng. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ điện năng ở Việt Nam cũng lớn hơn và hầu như tất cả các bức tường trong nhà đều có công tắc, cầu dao và mạng điện. Đó có thể là lý do giải thích cho mức tăng trưởng ấn tượng 140% của chúng tôi.

- Năng lực sản xuất của nhà máy mới tại Việt Nam phải chăng là không chỉ cung cấp cho thị trường Việt Nam, thưa ông?

Ông Takashi Ogasawara: Một phần số sản phẩm tại Nhà máy này sẽ xuất sang Nhật Bản. Hồi tháng 10/2011, ở Thái Lan xảy ra trận lũ lớn gây nhiều thiệt hại đối với các nhà máy. Sản phẩm cung cấp cho thị trường Nhật Bản vì thế mà bị ngừng mất một thời gian, gây phiền hà cho khách hàng. Trong tình cảnh đó, chúng tôi đã phải tính đến việc chuyển sang sản xuất tại Việt Nam nhằm giảm thiểu nguy cơ gián đoạn nguồn cung thiết bị cho khách hàng giống như trận lụt ở Thái Lan năm 2011. Đó là lý do các sản phẩm cung ứng cho thị trường Nhật Bản được sản xuất ở nhà máy mới này.

- Kinh tế Việt Nam thời gian qua đã khởi sắc hơn so với giai đoạn trước nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Để kinh doanh hiệu quả, Panasonic có đề ra chiến lược nào tại thị trường này không?

Ông Takashi Ogasawara: Tỷ giá hối đoái và giá nhân công tăng cao ở Việt Nam hiện nay là một vấn đề khiến chúng tôi trăn trở. Tuy vậy, chúng tôi vẫn đặt nhiều hy vọng vào chiến lược mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Lý do cơ bản khiến chúng tôi quyết định triển khai như lúc nãy tôi đã đề cập là độ tuổi trung bình của dân số Việt Nam trẻ, thị trường đang lớn mạnh, từ đó lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm điện lưới trong nhà cũng tăng mạnh. Ngoài các sản phẩm như công tắc, cầu dao điện, chúng tôi cũng mong muốn trong thời gian tới sẽ mở rộng sản xuất ổ cắm, phích cắm, ổ đấu nối các chủng loại cũng như các thiết bị điện chuyên dụng dùng cho các doanh nghiệp.

- Khó khăn nhất hiện nay mà Nhà máy có thể gặp phải là gì?

Ông Takashi Ogasawara: Cái khó khăn nhất hiện nay là tỷ giá hối đoái ở Việt Nam không ổn định. Ngoài ra, nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất ở Việt Nam hiện không đáp ứng đủ cho sản xuất. Hiện chỉ có số ít công ty có thể đảm đương được một phần nguồn cung cấp đầu vào cho Nhà máy. Vấn đề nguồn cung nguyện liệu là bài toán khó đối với chúng tôi.

- Ông đánh giá thế nào về vấn đề chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam?

Ông Takashi Ogasawara: Vấn đề nhân lực quả thật khá là bất ngờ. Kể từ tháng 4/2014 đến nay, có khoảng hơn 670 người làm việc liên tục tại nhà máy, sản xuất các thiết bị xuất sang Nhật Bản. Tôi thấy chất lượng tay nghề của công nhân Việt Nam khá cao. Hiện nay, quy trình quản lý QCD (quality, cost, delivery - chất lượng, chi phí và phân phối) của chúng tôi đang trở thành một vấn đề được chúng tôi đặc biệt quan tâm. Tôi cho rằng nhà máy được cho đã hoạt động rất tốt theo tiêu chuẩn đánh giá này.

- Liên quan đến cơ cấu nhân lực, tỷ lệ lãnh đạo là người Việt Nam trong nhà này là bao nhiêu và trong tương lai Panasonic có kế hoạch nâng tỷ lệ này lên hay không?

Ông Takashi Ogasawara: Hiện tại, Giám đốc nhà máy là người Nhật và các bộ phận quản lý sản xuất cũng là người Nhật. Lý do là vì nhà máy mới đi vào hoạt động và cần phải có thời gian để ổn định sản xuất và tăng cường đào tạo nhân lực. Ba người tại hiện trường - một người chỉ huy bộ phận sản xuất và hai người phụ trách mảng chế tạo, cộng thêm giám đốc và quản đốc là năm người Nhật. Hiện tại, đây là những nhân viên ưu tú nhất của Panasonic được cử xuống hiện trường để điều hành nhà máy. Trong tương lai, chúng tôi sẽ giảm dần số lượng quản lý người Nhật.

- Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam có đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn đầu vào sản phẩm cho nhà máy không?

Ông Takashi Ogasawara: Các đối tác Việt Nam có thể cung ứng được nguyên liệu đầu vào cho chúng tôi vẫn còn rất ít. Lý do đầu tiên là hiện chúng tôi không biết nhiều về các đối tác cung ứng tiềm năng ở nước sở tại. Hiện nay, Việt Nam cũng có nhiều sản phẩm công nghiệp phụ trợ để cung ứng các sản phẩm thiết yếu như lĩnh vực sản xuất xe hơi chẳng hạn. Tôi đơn cử như ốc vít, một bộ phận rất cần thiết đối với các thiết bị điện phải nhập từ nước ngoài. Nếu như ở Việt Nam sẵn có nguồn cung ốc vít thì sẽ thuận tiện hơn. Nhìn chung, tỷ lệ các sản phẩm nội địa cung ứng cho nhà máy chỉ chiếm vài phần trăm.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục