Tập đoàn PVN là số ít doanh nghiệp dầu khí có lãi trong năm 2020

Với lợi nhuận dự kiến đạt trên 10 nghìn tỷ đồng (trên 430 triệu USD), PVN là một số ít các doanh nghiệp dầu khí thế giới hoạt động có lãi trong năm 2020.
Tập đoàn PVN là số ít doanh nghiệp dầu khí có lãi trong năm 2020 ảnh 1Giàn công nghệ Trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ. (Ảnh: Vietnam+)

Trong bức tranh nhiều gam tối của ngành dầu khí thế giới với hàng loạt tập đoàn tên tuổi bị thua lỗ, thậm chí phá sản, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là một trong số ít các doanh nghiệp dầu khí “vượt bão” an toàn.

Tuy nhiên, những thách thức với một tập đoàn kinh tế từng đóng góp hơn 20% tổng thu ngân sách Nhà nước này vẫn ở phía trước. Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Hoàng Quốc Vượng xung quanh vấn đề này.

- Nhìn lại năm 2020 vừa qua, theo ông đâu là những “gam màu sáng nhất và trầm nhất” trong bức tranh sản xuất kinh doanh của PVN?

Chủ tịch Hoàng Quốc Vượng: Với tác động kép của đại dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu, nhiều công ty, tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới như Shell, BP, Chevron... đều ghi nhận các khoản thua lỗ tới hàng chục tỷ USD, thậm chí nhiều công ty phá sản.

Đối với PVN, năm 2020 là năm khó khăn nhất kể từ trước tới nay khi tác động kép này đã ảnh hưởng nặng nề đến tất cả 5 lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh chính.

Tuy nhiên, nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả gói giải pháp ứng phó tác động kép, các chỉ tiêu sản xuất cốt lõi của PVN đều hoàn thành vượt mức kế hoạch năm đề ra.

Với lợi nhuận dự kiến đạt trên 10 nghìn tỷ đồng (trên 430 triệu USD), PVN là một số ít các doanh nghiệp dầu khí thế giới hoạt động có lãi trong năm 2020.

Những “gam mầu sáng nhất” trong năm 2020 của PVN theo tôi là thứ nhất, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong toàn PVN được thực hiện nghiêm túc. Toàn PVN không có trường hợp nhiễm COVID- 19.

Thứ hai, hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn PVN được duy trì ổn định. Đến hết tháng 11/2020, PVN đã hoàn thành kế hoạch cả năm 2020 ở 3 chỉ tiêu quan trọng gồm gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 15 triệu tấn quy dầu (sớm 6 tháng); khai thác dầu 10,62 triệu tấn (sớm 25 ngày) và sản xuất đạm 1,562 triệu tấn (sớm hơn 1,5 tháng).

Thứ ba, PVN tiếp tục được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đánh giá tín nhiệm độc lập ở mức BB+.

Thứ tư, hoạt động đầu tư của Tập đoàn đạt nhiều kết quả tích cực ở các dự án: Tìm kiếm thăm dò dầu khí tại Lô 114; giàn BK-21; hòa đồng bộ Tổ máy số 1 Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 vào hệ thống điện quốc gia; lắp đặt thành công khối thượng tầng Dự án SV- ĐN và đón nhận dòng khí đầu tiên từ mỏ SV đến đường ống tiếp bờ Nam Côn Sơn 2.

Thứ năm, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoàn thành bảo dưỡng tổng thể lần thứ 4 theo đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng và chi phí bảo dưỡng thấp hơn dự toán.

Thứ sáu, xuất khẩu phân đạm của PVN trong năm 2020 đạt mức kỷ lục 371.000 tấn, đánh dấu bước đột phá quan trọng trong chiến lược vươn ra thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, “bức tranh” sản xuất kinh doanh năm 2020 của PVN vẫn có những “gam màu trầm.” Trước hết, giá dầu giảm sâu dẫn đến hoạt động đầu tư vào thăm dò và khai thác (E&P) phải dừng hoặc giãn tiến độ, ảnh hưởng đến sản lượng khai thác dầu khí của PVN năm 2021 và những năm tiếp theo, đồng thời ảnh hưởng đến các đơn vị dịch vụ dầu khí.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu suy giảm mạnh khiến các đơn vị sản xuất và phân phối xăng dầu gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, nguồn thu của PVN suy giảm mạnh so với năm 2019 do giá dầu năm 2020 giảm 35% so với năm 2019, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các kế hoạch trung hạn, dài hạn và chiến lược phát triển Tập đoàn những năm tới.

Trong khi đó, các cơ chế chính sách tạo điều kiện cho PVN phát triển ổn định, bền vững để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược đã được Bộ Chính trị định hướng, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035; Quyết định 1749/QĐ- TTg ngày 14/10/2015 về Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 vẫn chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận.

Điển hình như Quy chế tài chính của Công ty mẹ-Tập đoàn, đề án tái cấu trúc toàn diện Tập đoàn giai đoạn 2020- 2025; Đề án xử lý nguồn tài chính cho PVN để thanh toán nghĩa vụ ưu đãi thuế nhập khẩu cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Nghi Sơn…

- Năm 2021 được dự đoán vẫn thách thức với ngành dầu khí thế giới. Vậy các thách thức này sẽ ảnh hưởng thế nào tới PVN và Tập đoàn sẽ có các giải pháp gì để về đích năm 2021, thưa ông?

Chủ tịch Hoàng Quốc Vượng: Năm 2021, giá dầu thô và sản phẩm lọc hóa dầu được dự báo vẫn diễn biến khó lường và duy trì ở mức thấp trong khi nhu cầu tiêu thụ phục hồi chậm. Các yếu tố này sẽ khiến nguồn thu của PVN tiếp tục bị ảnh hưởng; các đơn vị thăm dò và khai thác dầu khí, sản xuất và phân phối sản phẩm xăng dầu sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng trực tiếp trong hoạt động.

Tôi cho rằng, những bài học kinh nghiệm từ thực hiện hiệu quả Gói giải pháp ứng phó với tác động kép “dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu” trong năm 2020 sẽ tạo niềm tin, bản lĩnh cho toàn PVN vượt qua những thách thức để triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021.

Tập đoàn PVN là số ít doanh nghiệp dầu khí có lãi trong năm 2020 ảnh 2Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Để hoàn thành mục tiêu năm 2021, PVN đang tập trung dự báo các vấn đề về kinh tế-xã hội trong năm 2021 để xây dựng các kịch bản dự phòng, trên cơ sở đó xây dựng các định hướng quản trị để hạn chế đà suy giảm, đồng thời lấy lại đà tăng trưởng.

PVN cũng tiếp tục rà soát chi phí để tối ưu, tiết giảm chi phí vận hành, cân đối sản lượng giữa các mỏ sẵn sàng ứng phó với kịch bản giá dầu thấp hơn dự kiến; tiếp tục chỉ đạo xuyên suốt các đơn vị tham gia vào các chuỗi giá trị từ khai thác- chế biến- vận chuyển- phân phối sản phẩm.

Bên cạnh đó, PVN còn triển khai xây dựng phương án số hóa toàn diện cơ sở dữ liệu để ứng dụng quản trị trên nền tảng số nhằm tiết giảm chi phí quản lý, vận hành.

Ngoài ra, PVN còn tiếp tục phối hợp chặt với các bên liên quan để triển khai các dự án tại vùng nước sâu, xa bờ nhằm gia tăng trữ lượng dầu khí cũng như góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển Đông.

- Thưa ông, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình vừa giao nhiệm vụ cho PVN đẩy nhanh tiến độ các dự án nhiệt điện trọng điểm; trong đó yêu cầu đưa Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vào vận hành an toàn, chất lượng trong các năm 2021-2022. Vậy theo ông đâu là các giải pháp tiên quyết để tháo gỡ những “nút thắt” của dự án Thái Bình 2?

Chủ tịch Hoàng Quốc Vượng: Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong những dự án trọng điểm của ngành điện nói chung và PVN nói riêng. Với công suất 1.200 MW, dự án sẽ mang lại doanh thu lớn cho PVN và nộp ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm lâu dài cho hàng trăm lao động.

Đến thời điểm hiện tại, tiến độ và khối lượng tổng thể Dự án đã hoàn thành đạt khoảng 86%. Vấn đề tiên quyết hiện nay PVN rất cần có sự thông cảm, chia sẻ về những vấn đề quá khứ của dự án; có cơ chế hỗ trợ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để PVN triển khai sớm hoàn thành dự án.

Đó là “cho phép tiếp tục thực hiện Cơ chế đặc thù đã ban hành tại Quyết định số 2414/QĐ-TTg ngày 11/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh danh mục, tiến độ một số dự án điện và quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư các công trình điện cấp bách trong giai đoạn 2013-2020 và Chi phí theo Tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 đã được phê duyệt để hoàn thành xây dựng Dự án.”

- Với 5 dự án yếu kém của ngành dầu khí, thưa ông đâu là những vấn đề còn tồn tại cho tới thời điểm này cần tháo gỡ để có thể xử lý dứt điểm trong thời gian tới?

Chủ tịch Hoàng Quốc Vượng: Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến 5 dự án khó khăn này đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương." Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, PVN gặp rất nhiều vướng mắc khách quan và chủ quan.

Đối với Dự án Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, do quy định không bỏ thêm vốn nhà nước trong khi các doanh nghiệp đa phần đều trong tình trạng tài chính khó khăn nên việc khôi phục hoạt động phụ thuộc vào việc hợp tác với đối tác. Sau một thời gian nỗ lực tìm kiếm đối tác, hiện nay Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPOLY) đang hợp tác có hiệu quả với đối tác Shinkong là một trong những nhà sản xuất xơ sợi tổng hợp lớn nhất Đài Loan (Trung Quốc).

Đến nay, sản phẩm do VNPOLY hợp tác sản xuất với Shinkong đã được nhiều khách hàng trên thế giới sử dụng; trong đó có cả những thương hiệu lớn như Adidas, Target. Cùng đó, PVN và VNPOLY đã xây dựng, hoàn thiện phương án tái cấu trúc; tái cơ cấu nợ vay và xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hạn.

Đối với Dự án nhiên liệu sinh học Dung Quất, hiện giá xăng dầu đang ở mức thấp, giá nhập khẩu ethanol thấp và thuế nhập khẩu ethanol được điều chỉnh từ 20% xuống 15%, còn giá sắn lát khô ở mức cao dẫn tới việc sản xuất ethanol khó mang lại hiệu quả.

Vì vậy, mặc dù hợp đồng hợp tác gia công với đối tác đã được ký nhưng Nhà máy chưa vận hành được. Để tháo gỡ khó khăn, PVN đã chỉ đạo đơn vị hợp tác với đối tác, xem xét phương án tiêu thụ ethanol sử dụng cho hóa chất, y tế.

Đối với các Dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Bình Phước, PVN không góp vốn trực tiếp mà do đơn vị thành viên của PVN là PVOIL góp vốn cùng các cổ đông ngoài ngành dầu khí với tỷ lệ không chi phối. Hiện PVOIL đang phối hợp với các cổ đông xử lý theo Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với Dự án đóng tàu Dung Quất, đây là dự án do PVN nhận lại từ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), hiện nay đang giải quyết các vấn đề còn tồn tại từ giai đoạn trước khi nhận bàn giao về PVN.

Các vấn đề này đều vượt thẩm quyền quyết định của PVN. Do đó, PVN và Vinashin đã báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét xử lý./.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục