Tây Balkan nhất trí thành lập khu vực kinh tế chung châu Âu

Ngày 12/7, các nhà lãnh đạo EU cùng 6 quốc gia và Tây Balkan gặp nhau tại Triste, Italy, trao đổi ý tưởng về iệc tăng cường hợp tác và gia tăng cơ hội để Tây Balkan gia nhập liên minh.
Tây Balkan nhất trí thành lập khu vực kinh tế chung châu Âu ảnh 1Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) tham dự Hội nghị. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 12/7, các nhà lãnh đạo thuộc Liên minh châu Âu (EU) cùng 6 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Tây Balkan đã có cuộc gặp thượng đỉnh tại Triste của Italy, để trao đổi ý tưởng về cách thức tăng cường hợp tác và gia tăng cơ hội để Tây Balkan gia nhập liên minh này.

Tại hội nghị, lãnh đạo 6 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Tây Balkan gồm Albania, Bosnia-Herzegovina, Kosovo, Macedonia, Montenegro, Serbia đã nhất trí thành lập một vùng hợp tác kinh tế khu vực.

Thỏa thuận này, do EU đề xuất, được nhìn nhận là sự mở rộng của Thỏa thuận Thương mại Tự do Trung Âu (CEFTA) hiện hành và cũng là bước đệm để các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực trở thành thành viên EU trong tương lai.

[Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Tây Balkan lần thứ tư tại Italy]

Kết thúc hội nghị, nước chủ nhà Italy đã ra tuyên bố cuối cùng, nhấn mạnh “tương lai của Tây Balkan nằm ở EU."

Tuyên bố cho biết hội nghị đã nhất trí về 7 dự án kết nối mới, với tổng vốn đầu tư trên 500 triệu euro; trong đó có 194 triệu euro là các khoản cho vay và viện trợ không hoàn lại của Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu.

Hội nghị cũng cam kết thêm một khoản viện trợ không hoàn lại của EU trị giá 11,4 triệu euro cho các dự án năng lượng và giao thông vận tải ở khu vực này.

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều ủng hộ việc Tây Balkan xích lại gần hơn với EU; đồng thời nhấn mạnh tới liên kết không thể tách rời liên quan đến sự ổn định chính trị của hai bên.

Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh EU có trách nhiệm đưa khu vực Tây Balkan hướng tới khối này “một cách chậm rãi nhưng chắc chắn.”

Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni, trong bài phát biểu kết thúc Hội nghị, cũng khẳng định việc mở rộng EU “sẽ không diễn ra sớm,” nhưng phải được để ngỏ như là một khả năng cụ thể.

Trong cuộc gặp trước thềm hội nghị, lãnh đạo ba nước Italy, Đức và Pháp cũng tái khẳng định cam kết xây dựng một châu Âu thống nhất hơn và thảo luận về những biện pháp hỗ trợ Italy trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục