Như vậy, sau hơn chín năm hoạt động, các ngân hàng này đã giải ngân 15.000 tỷ đồng cho 1,1 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay để đầu tư phát triển sản xuất, xóa nghèo và vươn lên làm giàu.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách trên đã góp phần giúp cho 170.000 lượt hộ ở Tây Nguyên thoát nghèo, giải quyết việc làm ổn định cho 83.000 lao động và hỗ trợ cho 153.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay để yên tâm học tập.
Các Ngân hàng chính sách xã hội ở Tây Nguyên cũng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng 165.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, nhất là các địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, cũng theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hoạt động tín dụng chính sách ở vùng Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là chất lượng tín dụng chính sách chưa cao, chưa đồng đều giữa các tỉnh trong vùng, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm cao trong tổng dư nợ (chiếm 1,62%).
Nguyên nhân là do điều hành, tác nghiệp của một số chi nhánh, phòng giao dịch còn yếu và phần lớn hộ vay vốn ở các ngân hàng chính sách xã hội là hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chưa có ý thức cao về tiết kiệm. Các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác ở nhiều nơi chưa làm đúng các công đoạn đã được các Ngân hàng chính sách xã hội vùng Tây Nguyên ủy thác, đặc biệt là việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ vay vốn, giám sát việc sử dụng vốn vay, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn...
Để nâng cao chất lượng tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần vào việc giảm nghèo nhanh, bền vững ở vùng Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đề nghị các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn quan tâm hơn nữa việc chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các Ngân hàng chính sách xã hội trong việc nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thu hồi vốn đến hạn.
Các tỉnh cũng đặc biệt quan tâm lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm với hoạt động tín dụng chính sách ở cơ sở, tăng cường công tác thông tin truyên truyền, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật xuống các thôn, buôn, phổ biến kiến thức làm ăn, ý thức tiết kiệm, trả nợ của người vay vốn cho đồng bào...
Hiện nay, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có năm chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam cấp tỉnh, 56 phòng giao dịch cấp huyện, 694 điểm giao dịch cấp xã và gần 15.000 tổ tiết kiệm vay vốn./.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, các Ngân hàng chính sách xã hội ở Tây Nguyên đã có tổng dư nợ trên 8.960 tỷ đồng, với trên 624.000 khách hàng.
Quang Huy (TTXVN)