Tây Ninh đẩy mạnh cải cách hành chính trong thực thi công vụ

Theo Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Tây Ninh, trong 7 tháng đầu năm 2022, Trung tâm phục vụ hành chính công tiếp nhận gần 90.000 hồ sơ hành chính của người dân và doanh nghiệp.
Tây Ninh đẩy mạnh cải cách hành chính trong thực thi công vụ ảnh 1Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Thanh Tân/Vietnam+)

Hiện nay, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Tây Ninh là đơn vị đầu mối tập trung giải quyết các thủ tục hành chính thuộc các sở, ngành trên địa bàn tỉnh, được xây dựng quy trình điện tử liên thông trên hệ thống phần mềm một cửa nhằm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính tốt nhất cho người dân.

Thời gian qua, trung tâm được người dân đánh giá mức độ hài lòng rất cao, qua đó góp phần thực hiện cải cách hành chính, tạo sự công khai, minh bạch trong quá trình thực thi công vụ.

Theo Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Tây Ninh, trong 7 tháng đầu năm 2022, Trung tâm phục vụ hành chính công tiếp nhận gần 90.000 hồ sơ hành chính của người dân và doanh nghiệp, trong đó nhận trực tiếp hơn 71.000 hồ sơ; nhận qua bưu chính công ích hơn 3.500 hồ sơ; nhận qua dịch vụ công trực tuyến hơn 14.000 hồ sơ, chiếm hơn 15%. Kết quả giải quyết và trả hơn 83.000 hồ sơ, chiếm hơn 99%, còn 223 hồ sơ trả quá hạn.

Anh Trần Hoàng Tân, ngụ huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh làm nghề tài xế lái xe tải, tỏ ra khá hài lòng khi đến Trung tâm phục vụ hành chính công để làm hồ sơ, thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe gần hết hạn.

Anh Tân cho biết anh chỉ mất thời gian khoảng 30 phút để thực hiện các thủ tục xin cấp đổi giấy phép lái xe. Anh cảm thấy bất ngờ vì quá nhanh và đơn giản; cán bộ giải quyết hồ sơ hướng dẫn rất rõ ràng nên anh chỉ thực hiện điền thông tin là đã xong thủ tục.

“Tôi thấy khi thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công này rất tiện lợi cho người dân; cần thủ tục hành chính nào thì cứ lên tại Trung tâm phục vụ hành chính công thì giải quyết được hết, không giống như lúc trước cứ chạy tới lui rất bất tiện và rắc rối thủ tục,” anh Trần Hoàng Tân chia sẻ thêm.

Tây Ninh đẩy mạnh cải cách hành chính trong thực thi công vụ ảnh 2Người dân làm căn cước công dân gắn chip tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Thanh Tân/Vietnam+)

Qua giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh về kết quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước và phát triển chính quyền số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, ông Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh nhận định qua giám sát cho thấy Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Tây Ninh trong thời gian vừa qua đã có nhiều nỗ lực, cố gắng khắc phục điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất; khó khăn về sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cơ quan để thực hiện cùng một nhiệm vụ chung là phục vụ tốt nhất cho nhân dân, dù số lượng hồ sơ giải quyết là rất lớn, nhưng cơ bản đã làm tròn nhiệm vụ đặt ra.

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Tây Ninh là đầu mối thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận, giám sát, đôn đốc giải quyết thủ tục hành chính của 17 sở ngành của tỉnh, tích hợp hệ thống phần mềm một cửa dùng chung kết nối tất cả các cơ quan, đơn vị thực hiện dịch vụ công cấp độ 3-4 theo quy định.

Người dân có thể nộp hồ sơ trực tiếp, trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Phạm Hùng Thái nhấn mạnh.

[Cổng Dịch vụ công quốc gia: Nhìn lại các tiện ích sau gần 3 năm]

Qua giám sát thực tế của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, thực tế vẫn còn tồn tại một số hạn chế về việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước như các phần mềm một số sở, ngành chưa tương thích, chưa đồng bộ với nhau nên còn bất cập trong cập nhật hồ sơ, mất nhiều thời gian nhập liệu, dẫn đến một số hồ sơ bị trễ hạn theo quy định.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Phạm Hùng Thái yêu cầu lãnh đạo Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Tây Ninh cần tuyên truyền hơn nữa để người dân hiểu, tham gia thực hiện hồ sơ thông qua việc áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn để giảm tải khâu giải quyết hồ sơ trực tiếp. Trung tâm cũng cần kiến nghị các bộ, ngành và các sở ngành trên địa bàn tỉnh cùng thống nhất sử dụng phần mềm tương thích để thuận lợi trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cũng như áp dụng ứng dụng thông tin trong quản lý Nhà nước, từ đó giúp lãnh đạo tỉnh giám sát điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo theo dõi kịp thời các hoạt động của sở, ngành, cũng như các huyện, thị trên địa bàn tỉnh.

Hiện Tây Ninh đã tích hợp 1.001/1.818 thủ tục dịch vụ công mức độ 4 lên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Còn một số dịch vụ công chưa được tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia ở mức độ 4 do không đáp ứng tiêu chí của Văn phòng Chính phủ.

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với các ngành đánh giá lại các dịch vụ công mức 4 để tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh quyết định cho phù hợp với thực tế, qua đó, bảo đảm 100% dịch vụ công đáp ứng đủ điều kiện đưa lên mức độ 4 và đáp ứng các yêu cầu của Văn phòng Chính phủ thì cung cấp ở mức độ 4, các dịch vụ công không đáp ứng thì đưa về mức độ 3.

Tây Ninh đẩy mạnh cải cách hành chính trong thực thi công vụ ảnh 3Người dân lấy căn cước công dân gắn chip tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Thanh Tân/Vietnam+)

Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã giải quyết trên 58.000 hồ sơ trực tuyến mức độ 4 trên tổng gần 324.000 hồ sơ tiếp nhận, đạt tỷ lệ tương đương 18%. Dự kiến tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tổng số hồ sơ sẽ đạt từ 30% trở lên.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh Nguyễn Tấn Đức, để thực hiện được mục tiêu chuyển đổi số phục vụ cải cách hành chính theo lộ trình của tỉnh thì người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chỉ đạo, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ về chuyển đổi số. Người đứng đầu cần trực tiếp chủ trì xây dựng các kế hoạch chuyển đổi số phục vụ cải cách hành chính cho ngành, cho lĩnh vực phụ trách theo từng lộ trình đã đề ra.

Các đơn vị đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành để tích hợp, chia sẻ với các cơ quan của Trung ương, các cơ quan ở địa phương và đặc biệt là tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh mở dữ liệu ngành cho người dân, doanh nghiệp cùng khai thác, chia sẻ và cập nhật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục