Ngày 22/7, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 12 bị cáo trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tiền vay của các ngân hàng và công ty tài chính, thông qua việc mua các sản phẩm bằng hình thức trả góp về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các đối tượng cùng ngụ huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh là Trần Thiện Chí (sinh năm 1963, ngụ ấp Long Bình, xã Long Thành Nam) 6 năm tù giam; Lâm Quốc Bảo (sinh năm 1981, ngụ ấp Long Chí, xã Long Thành Trung) 4 năm 6 tháng tù giam; Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1983, ngụ ấp Long Thới, xã Long Thành Trung) 3 năm tù; Phan Hùng Minh ( sinh năm 1964, ngụ ấp Hiệp Long, xã Hiệp Tân) 2 năm 6 tháng tù; Trầm Thanh Long (sinh năm 1968, khu phố 1, thị trấn Hòa Thành) 1 năm tù; Nguyễn Thị Ngọc Anh (sinh năm 1967, ngụ ấp Long Trung, xã Long Thành Trung) 6 tháng 4 ngày;
Tòa tuyên phạt các đối tượng cùng huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh là Nguyễn Thị Kim Liên (sinh năm 1976, ngụ ấp Thanh Phước, xã Thanh Điền) 3 năm 6 tháng tù; Trần Tấn Đạt (sinh năm 1986, ngụ ấp Thanh Sơn, xã Thanh Điền) 6 tháng 4 ngày; Nguyễn Thanh Hùng (sinh năm 1978, ngụ ấp Thanh Hòa, xã Thanh Điền) 1 năm tù.
Các đối tượng Lê Kim Điệp (sinh năm 1990, ngụ ấp 4, xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) 2 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Ánh Nguyệt ( sinh năm 1963, ngụ ấp Thạnh Sơn, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) 9 tháng tù; Nguyễn Thị Màu (sinh năm 1984, ngụ ấp 4, xã Tuyên Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) 6 tháng 4 ngày.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh, để tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu mua sắm tài sản nhưng không đủ khả năng tài chính (có khoản tiền bằng 30% giá trị tài sản) nên các công ty tài chính, ngân hàng cử nhân viên đến các cửa hàng kinh doanh xe gắn máy, điện thoại di động, điện tử... hướng dẫn cho khách hàng hoàn tất các thủ tục vay vốn mua hàng trả góp không cần thế chấp tài sản, với điều kiện khách hàng phải cung cấp thông tin cá nhân, người thân và các giấy tờ nhân thân cần thiết như sổ hộ khẩu, phiếu tính tiền điện, nước... Ngân hàng hay công ty tài chính chỉ điện thoại xác minh nhân thân của người đi vay để kiểm chứng. Nếu đáp ứng đủ yêu cầu sẽ cho giải ngân.
Lợi dụng sơ hở trong khâu thẩm định, giải quyết thủ tục cho vay dễ dãi, nên Trần Thiện Chí cùng đồng bọn nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản là khoản tiền vay của Ngân hàng bằng cách dùng sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, hóa đơn tiền điện hợp lệ.
Sau khi hoàn tất thủ tục, nhận hàng (xe gắn máy, điện thoại di động, tivi...) bọn chúng đem đi bán lại với giá rẻ hơn để lấy tiền tiêu xài. Khi đến hạn phải thanh toán tiền vay thì các đối tượng tìm cách lẩn trốn nhằm chiếm đoạt số tiền trên. Mỗi phi vụ thành công Chí sẽ chia cho các đối tượng có liên quan từ 500 ngàn đồng đến 2 triệu đồng.
Kể từ đầu năm 2013 đến tháng 1/2014, Chí cùng các đồng phạm tổ chức tổng cộng 13 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các Công ty Tài chính PPF, ACS, JACCS, Ngân hàng VBBank chi nhánh tại Tây Ninh với số tiền lừa đảo trên 157 triệu đồng./.