TCVN: 'Đòn bẩy' đưa sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vào đời sống

Để đưa sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vào đời sống một cách sâu rộng, các cơ sở sản xuất cần áp dụng các tiêu chuẩn được quy định.
TCVN: 'Đòn bẩy' đưa sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vào đời sống ảnh 1Nông dân tại một hợp tác xã thu hoạch rau sạch. (Ảnh: TTXVN)

Tại Hội thảo "Tiêu chuẩn hóa thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững" diễn ra ngày 20/9 tại Hà Nội, ông Nguyễn Nam Hải – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, để đưa sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vào đời sống một cách sâu rộng, các cơ sở sản xuất cần áp dụng các tiêu chuẩn được quy định.

[Sản xuất hữu cơ góp phần nâng cao vị thế nông nghiệp Việt Nam]

Thực tế cho thấy, nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng Việt Nam đối với các sản phẩm an toàn, nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia vào các hoạt động đầu tư, sản xuất, nuôi trồng chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Tuy nhiên, thị trường cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam hiện còn mới, các hoạt động áp dụng và chứng nhận sự phù hợp với các tiêu chuẩn hữu cơ, công bố, gắn nhãn... còn chưa được triển khai rộng rãi, không phổ biến, chưa trở thành nhu cầu tất yếu đối với cả người sản xuất và tiêu dùng.

Để giải quyết vấn đề trên, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức xây dựng bộ Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ và trình Bộ Khoa học và Công nghệ công bố vào cuối năm 2017 với số hiệu TCVN 11041:2017. Nhóm các tiêu chuẩn đầu tiên trong bộ tiêu chuẩn này đề cập một cách toàn diện tới quá trình sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ…

"Tiêu chuẩn được xây dựng theo định hướng tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế, điều chỉnh phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Điều này sẽ giúp các cơ sở sản xuất tiếp cận thị trường có hiệu quả,” ông Hải nói.

Thạc sỹ Lê Thành Hưng, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho biết, các tiêu chuẩn Việt Nam được công bố sẽ góp phần minh bạch hóa các hoạt động sản xuất, chế biến, chứng nhận, ghi nhãn và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tạo động lực để ngành nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững.

Trong khi đó, tiến sỹ khoa học Hà Phúc Mịch – Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam nhận định, mỗi một thị trường đều có các yêu cầu về tiêu chuẩn hữu cơ riêng và để đáp ứng các yêu cầu đó cần phải đảm bảo tìm hiểu thị trường, tiêu chuẩn và các quy định an toàn thực phẩm.

TCVN: 'Đòn bẩy' đưa sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vào đời sống ảnh 2Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Nam Hải cho rằng, cần đẩy mạnh áp dụng tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ để phát triển bền vững. (Ảnh: TĐC)

Để tiêu chuẩn về sản phẩm hữu cơ được áp dụng rộng rãi, bảo đảm công bằng, các tổ chức chứng nhận cần nâng cao trình độ, hiểu biết trong chứng nhận hữu cơ; không bao che cho các đơn vị sản xuất chưa đạt chẩn mà vẫn được chứng nhận để tránh gây méo mó thị trường và mất niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm hữu cơ có chứng nhận.

Ông Mịch cũng khuyến nghị người tiêu dùng cần tìm hiểu rõ các thông tin khi mua sản phẩm hữu cơ, thông tin chứng nhận, truy xuất nguồn gốc để có được sản phẩm đúng nhu cầu của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục