Sáng 12/10, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã thả hơn 78.000 con cá giống xuống lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, nhằm tái tạo và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản tự nhiên năm 2015.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, kể từ khi được tích nước, hồ thủy điện Tuyên Quang được ví như “Hạ Long trên cạn” rộng hơn 8.000ha mặt nước. Nơi đây có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc cư trú và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Trên vùng nước lòng hồ thủy điện Tuyên Quang từng có rất nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá chiên, cá anh vũ, cá rầm xanh và nhiều loại cá khác. Thế nhưng, sau nhiều năm trời bị người dân dùng vó đèn đánh bắt, khai thác bừa bãi theo kiểu tận diệt, nguồn thuỷ sản dồi dào này đang dần cạn kiệt.
Chính vì thế, theo ông Cường, để góp phần từng bước ổn định và nâng cao đời sống của cộng đồng 22 dân tộc anh em sống trong vùng lòng hồ Tuyên Quang, Tổng cục Thủy sản cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã triển khai điểm thả bổ sung hơn 780.000 con cá giống thuộc 6 đối tượng đặc sản như: cá bỗng, rầm xanh, cá anh vũ, mè hoa, chép, trôi.
Song song với đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang cũng đã ban hành Quy chế quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ở các vùng nước trên địa bàn tỉnh, đây là công cụ pháp lý thiết thực nhằm đảm bảo nguồn lợi thủy sản trên các vùng nước nội địa nói chung và vùng lòng hồ nói riêng của tỉnh ngày càng dồi dào, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con trong vùng.
Về phía Tổng cục Thủy sản, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế cho biết, để từng bước ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, tại Quyết định số 188/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020. Theo đó, hằng năm sẽ thả bổ sung một số loài thủy sản bản địa, nhằm khôi phục nguồn lợi, tăng mật độ quần thể của các loài thủy sản đã bị khai thác.
Theo ông Mạnh, việc thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản là hoạt động hết sức thiết thực và có ý nghĩa, thể hiện vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chung tay bảo vệ, bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. "Đây cũng sẽ là bài học kinh nghiệm để nhân rộng ra các lưu vực nước tự nhiên khác trên toàn quốc trong những năm tiếp theo," ông Mạnh nói.
Tại buổi lễ, lãnh đạo Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cũng đã kêu gọi toàn thể các cán bộ, các doanh nghiệp, người dân trong vùng lòng hồ tích cực tham gia công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hồ, giữ gìn nguồn lợi thủy sản cho chính chúng ta và cho các thế hệ mai sau.
Thông qua công tác tuyên truyền, ngay sau lễ thả cá, đông đảo người dân sinh sống ven hồ thủy điện Tuyên Quang cũng đã cam kết “chung tay” bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tạm ngừng các hoạt động đánh bắt tôm, cá trên lòng hồ thủy điện trong vòng một tháng, để tái tạo nguồn lợi thủy sản cho tương lai./.