Thách thức với kinh tế toàn cầu và ba mâu thuẫn chính cần được chú ý

Phó Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc đánh giá khi trật tự vận hành kinh tế được khôi phục, chính sách kích thích kinh tế của các nước lại thiếu hụt đông lực tăng trưởng nội sinh.
Thách thức với kinh tế toàn cầu và ba mâu thuẫn chính cần được chú ý ảnh 1Các đại biểu tham gia một phiên họp tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2023. (Nguồn: China Daily)

Ngày 29/3, Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2023 đã tổ chức phiên họp "Triển vọng kinh tế thế giới."

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc Triệu Thần Hân cho biết thế giới hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức, ảnh hưởng đến sự vận hành ổn định của nền kinh tế thế giới.

Từ dữ liệu kinh tế được công bố bởi các nền kinh tế lớn năm ngoái, có thể thấy rằng sự phục hồi kinh tế thế giới là yếu, động lực tăng trưởng không đủ và áp lực suy thoái kinh tế tiếp tục nổi cộm.

Về vấn đề này, ông Triệu Thần Hân tin rằng tình hình hiện nay chủ yếu bị ảnh hưởng bởi hai yếu tố khá quan trọng, một là yếu tố mang tính xu hướng, hai là sự điều chỉnh chính sách.

Về mặt xu hướng, nền kinh tế thế giới đã được điều chỉnh sâu sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, với tốc độ tăng trưởng tiềm năng xuất hiện xu thế giảm.

Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy nền kinh tế thế giới tăng trưởng trung bình khoảng 3,2% mỗi năm trong thập kỷ 2009-2019, thấp hơn mức tăng trưởng 3,5% trong thập kỷ trước đó.

"Trong ba năm từ 2020-2023, tăng trưởng kinh tế đã có nhiều biến động, nhưng nhìn chung xu hướng giảm không thay đổi," ông Triệu Thần Hân nói.

Thế giới ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm là 1,9% trong ba năm tới, điều này chắc chắn có yếu tố tác động của dịch bệnh, nếu không nó sẽ không giảm nhanh như vậy.

Mặt khác, ông Triệu Thần Hân chỉ ra rằng trong bối cảnh dịch bệnh và suy thoái kinh tế sâu sắc, nhiều quốc gia đã đưa ra chính sách tài khóa và tiền tệ quy mô lớn nhằm đối phó sự sụp đổ của các doanh nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên.

Ông Triệu Thần Hân nhận định: "Những chính sách này có hiệu quả ngắn hạn, dường như ổn định nền kinh tế trong một thời gian, nhưng cũng mang lại tác dụng phụ của việc đẩy cao lạm phát hàng hóa.”

Ông giải thích rằng lạm phát toàn cầu đã đạt 4,7% vào năm 2021 và đến năm 2022, khi trật tự vận hành kinh tế được khôi phục, các chính sách kích thích kinh tế của các nước tiếp tục được đưa ra, lại bộc lộ sự thiếu hụt động lực tăng trưởng nội sinh.

Đối với năm 2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 2,7% và tỷ lệ lạm phát toàn cầu sẽ giảm xuống còn 6,6%, vẫn ở mức cao.

Tổ chức Thương mại Thế giới dự báo khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu chỉ tăng 1% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình thường hàng năm, "áp lực phục hồi của nền kinh tế thế giới vẫn còn rất lớn.”

Mặc dù cho rằng nền kinh tế thế giới thực sự phải đối mặt với không ít rủi ro và thách thức, nhưng ông Triệu Thần Hân vẫn tràn đầy tự tin, cho biết "chúng ta nên nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan và bình tĩnh, không thể vơ đũa cả nắm, mà là cần nắm bắt những mâu thuẫn chính."

[Khai mạc Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2023]

Ông Triệu Thần Hân đã chỉ ra ba khía cạnh đáng chú ý. Thứ nhất, có rất nhiều sự không chắc chắn về việc liệu các nền kinh tế lớn ở châu Âu và Mỹ có thể kiểm soát đợt lạm phát này hay không.

Trước đó, vào năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 7 lần, lũy kế 425 điểm cơ bản, trong năm nay lại tăng thêm 25 điểm cơ bản.

Ông lưu ý: "Hiện nay trật tự kinh tế tổng thể vẫn đang trong quá trình khôi phục, nhu cầu tụt hậu, không gian chính sách trong thời kỳ hỗn loạn có thể ngày càng thu hẹp, và hệ thống tài chính phải đối mặt với những thách thức dễ bị tổn thương."

Thứ hai, xu hướng đảo ngược toàn cầu hóa tiếp tục tăng. Ông Triệu Thần Hân chỉ ra rằng có quốc gia vì lợi ích riêng của mình, bất chấp quy luật kinh tế, tùy ý khuấy động quan hệ kinh tế thương mại toàn cầu, thông qua các thủ đoạn như kéo bè kết phái, xây tường dựng rào, tách rời và cắt đứt chuỗi sản xuất, điều này sẽ có ảnh hưởng quan trọng đối với quan hệ kinh tế, thương mại và quan hệ đầu tư thế giới.

Thứ ba, rủi ro trong nhiều lĩnh vực trọng điểm đang không ngừng tích tụ. Ví dụ, các vấn đề như nợ chính phủ, tính dễ bị tổn thương của hệ thống tài chính, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và chuỗi cung ứng chuỗi công nghiệp… đều là những vấn đề đáng được quan tâm, chú ý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục