Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, tại cuộc họp của Trung tâm Xử lý dịch bệnh COVID-19, do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chủ trì, Thái Lan đã thông qua kiến nghị hoãn kỳ nghỉ Tết cổ truyền Songkran hay còn gọi là Lễ hội té nước, dự kiến vào giữa tháng Tư tới.
Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội Twitter ngày 16/3, phó phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Rachada Thanadirek cho biết lý do Thái Lan hoãn kỳ nghỉ Tết Songkran từ ngày 13-15/4 là để “tăng khoảng cách xã hội” và “giảm thiểu sự di chuyển của người dân cả trong nước và du khách quốc tế.”
Bà Rachada cho biết thời điểm nghỉ bù sẽ được công bố sau.
Một nguồn tin từ trung tâm nói trên cũng tiết lộ tuần tới, cơ quan này sẽ trình lên nội các kiến nghị buộc tất cả các địa điểm giải trí đóng cửa từ 20 giờ hằng ngày, đồng thời yêu cầu các trường đại học cho sinh viên tạm nghỉ và triển khai giảng dạy trực tuyến từ ngày 1/4 cho tới khi tình hình được cải thiện.
Giám đốc Trung tâm Khoa học y tế về các bệnh mới xuất hiện thuộc Đại học Chulalongkorn, bác sỹ Thiravat Hemachudha, cho rằng việc người dân từ các thành phố về quê trong dịp Tết cổ truyền Songkran vào tháng Tư có thể là nguồn phát tán virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 sang những thành viên khác trong gia đình. Do đó, ông lo ngại rằng kỳ nghỉ Songkran có thể làm cho tình hình lây nhiễm COVID-19 ở Thái Lan có thể trầm trọng hơn.
[Thái Lan: Dịch vụ ăn uống bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19]
Do lo ngại dịch COVID-19, rất nhiều lễ hội Songkran dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng Tư tới ở các địa phương của Thái Lan đã bị hủy, kể cả những sự kiện nổi tiếng ở thủ đô Bangkok, Chiang Mai, bãi biển Patong ở Phuket, Hat Yai và Khon Kaen.
Ngày 16/3, Thái Lan cũng đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày nhiều nhất kể từ khi dịch bùng phát, với 33 trường hợp, đưa tổng số trường hợp mắc bệnh ở nước này lên 147.
Hiện đang có những khuyến cáo từ các bác sỹ rằng quốc gia Đông Nam Á này đang bước vào “giai đoạn ba” của dịch bệnh, tức là có sự lây lan rộng trong cộng đồng.
Sau khi có thông tin về số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục được phát hiện trong một ngày, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã kêu gọi người dân bình tĩnh và khẳng định chính phủ đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm thiết yếu.
Trong khi đó, các tập đoàn bán lẻ lớn cũng khẳng định có đủ hàng để bán và người dân không cần tích trữ nhu yếu phẩm vào thời điểm này.
Với khoảng 94% dân số theo đạo Phật, Thái Lan và nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia và Myanmar đón Năm mới theo Phật lịch và từ "Songkran" xuất phát từ tiếng Phạn có nghĩa là "lúc thời gian chuyển dịch” hàm ý về sự đổi mới, phát triển.
Ngoài ra, lễ hội cũng là một hoạt động văn hóa liên quan đến chu kỳ sản xuất nông nghiệp ở Đông Nam Á.
Trong khi đó, Philippines cũng đã tiến hành biện pháp mạnh tay nhất nhằm khống chế dịch COVID-19.
Ngày 16/3, chính phủ nước này đã áp đặt biện pháp "cách ly cộng đồng tăng cường" trên toàn bộ hòn đảo chính Luzon của nước này. Theo đó, người dân trên khắp hòn đảo sẽ buộc phải ở trong nhà.
Giao thông và mọi hoạt động khác cũng sẽ bị đình trệ, trừ các dịch vụ thiết yếu.
Người phát ngôn Tổng thống Salvador Panelo cho biết mục đích của biện pháp này là bảo vệ người dân.
Dự kiến, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng sẽ có bài phát biểu trong ngày 16/3.
Trước đó, từ ngày 15/3, người dân thủ đô Manila, nằm trên đảo Luzon, cũng đã phải cách ly tại nhà trong 30 ngày.
Hơn 1/2 dân số Philippines, gồm 170 triệu người, sinh sống trên đảo Luzon. Trong 10 ngày qua, số ca mắc COVID-19 tại Philippines đã tăng mạnh từ 3 lên 140, với 12 ca tử vong./.