Thái Lan nhấn mạnh ưu tiên thực hiện Đồng thuận 5 điểm về Myanmar

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết trong việc xúc tiến Đồng thuận 5 điểm của các nhà Lãnh đạo ASEAN, đặc biệt là việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar.
Thái Lan nhấn mạnh ưu tiên thực hiện Đồng thuận 5 điểm về Myanmar ảnh 1Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM 54) theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Thái Lan khẳng định việc thực hiện kịp thời Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về Myanmar, đặc biệt là việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo, vẫn là ưu tiên của của nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết lập trường nói trên được Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai nêu lên tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM 54) diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 2/8.

Tại hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của khối này trong việc xúc tiến Đồng thuận 5 điểm của các nhà Lãnh đạo ASEAN, đặc biệt là việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Don Pramudwinai cho biết Thái Lan đã đóng góp thông qua Hiệp hội Chữ thập đỏ Thái Lan cho Hiệp hội Chữ thập đỏ Myanmar và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Thái Lan (TICA) đã chuyển giao thiết bị y tế cho Phòng thí nghiệm Y tế quốc gia của Myanmar ở Yangon để nâng cao năng lực đối phó với tình hình COVID-19 đang diễn ra.

Cũng tại Hội nghị AMM 54, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái lập chiến lược can dự của ASEAN với các đối tác bên ngoài trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược của các cường quốc trong khu vực.

[Phối hợp kiểm soát dịch COVID-19, hỗ trợ phục hồi bền vững]

Trong ngày 2/8, Thứ trưởng Ngoại giao Thái Lan Vijavat Isarabhakdi đã thay mặt ông Don Pramudwinai tham dự các hội nghị liên quan.

Tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) lần thứ 23, Thứ trưởng Vijavat đã nêu bật tầm quan trọng của sự phối hợp xuyên trụ cột và liên ngành trong việc thực hiện Kế hoạch chi tiết APSC 2025, hợp tác quản lý biên giới, hợp tác trong các vấn đề pháp lý, cũng như việc đưa Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) và các vấn đề mới nổi khác như an ninh mạng và Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (WPS) vào bối cảnh Tầm nhìn sau năm 2025 của Cộng đồng ASEAN và sự phát triển sau đó của Kế hoạch chi tiết APSC tiếp theo.

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối ASEAN lần thứ 29, Thứ trưởng Vijavat đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc công nhận lẫn nhau về vaccine và chứng chỉ vaccine để chuẩn bị cho việc mở cửa khu vực trở lại.

Ngoài ra, trên cương vị Thái Lan là Điều phối viên ASEAN về Hợp tác Phát triển Bền vững, Thứ trưởng Vijavat cũng thúc đẩy hợp tác ASEAN về Kinh tế Sinh học-Tuần hoàn-Xanh (BCG) như một chiến lược phục hồi hậu COVID-19 và đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững. (SDG).

Tại Hội nghị Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Thứ trưởng Vijavat đã khuyến khích các nước thành viên ASEAN tham gia một cách xây dựng và chủ động với các nước có vũ khí hạt nhân và mong muốn có nghị quyết về Hiệp ước SEANWFZ tại kỳ họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Tại phiên Đối thoại giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đại diện của Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), Thứ trưởng Vijavat Isarabhakdi đã nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét các Điều khoản Tham chiếu (TOR) của AICHR để cho phép AICHR ứng phó tốt hơn với các tình huống nhân quyền đang nổi lên.

Thứ trưởng Vijavat cũng nêu bật tầm quan trọng của việc hỗ trợ sự tham gia giữa AICHR và Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ Quyền của Phụ nữ và Trẻ em (ACWC) để đảm bảo thực hiện hiệu quả và toàn diện Tuyên bố Nhân quyền ASEAN và Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em ở ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh hoạt động kinh doanh thời đại dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục