Thái Nguyên tổ chức giao lưu người làm báo "Giữ trọn niềm tin yêu"

Hội Nhà báo, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Thái Nguyên tổ chức chương trình giao lưu người làm báo với chủ đề "Giữ trọn niềm tin yêu".
Thái Nguyên tổ chức giao lưu người làm báo "Giữ trọn niềm tin yêu" ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015), tối 18/6, Hội Nhà báo, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức chương trình giao lưu người làm báo với chủ đề "Giữ trọn niềm tin yêu."

Phát biểu tại buổi giao lưu, ông Phan Hữu Minh, Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh từ sự ra đời của tờ Thanh Niên với số phát hành đầu tiên vào ngày 21/6/1925 - cơ quan ngôn luận của “Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập, đến nay trải qua 90 năm hình thành và phát triển, Báo chí cách mạng Việt Nam luôn đóng vai trò quan trọng, là vũ khí đấu tranh sắc bén của Đảng, tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân đứng lên giành độc lập thống nhất cho dân tộc.

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, báo chí tiếp tục đóng vai trò xung kích trên mặt trận chính trị, tư tưởng văn hóa, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh”.

Trong lịch sử vinh dự và tự hào của nền báo chí cách mạng Việt Nam, Thái Nguyên đã ghi những dấu ấn quan trọng, với những sự kiện mang tính bước ngoặt. Đó là sự ra đời của nhiều tờ báo Trung ương và của các ngành như báo Nhân dân, báo Quân đội Nhân dân, báo Lao động, Văn nghệ cứu quốc... tại an toàn khu Định Hóa trong giai đoạn 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954).

Nhiều nhà báo lớn của Việt Nam cũng đã có mặt tại đây như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy, Trần Quang Huy, Hà Xuân Trường, Quang Đạm, Tố Hữu, Hoàng Tùng, Thép Mới, Hồng Hà…

Cũng tại Thái Nguyên, tháng 4/1949, lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng, lớp đào tạo cán bộ báo chí cách mạng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam được mở, thu hút gần 50 học viên.

Đặc biệt, ngày 21/4/1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên, Hội Những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam) đã chính thức được thành lập.

Với vinh dự và niềm tự hào đó, trong hơn nửa thế kỷ qua, báo chí Thái Nguyên đã trưởng thành và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khẳng định vị trí và vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như vị trí trong các cơ quan báo chí tại Việt Nam.

Đội ngũ người làm báo đông đảo gồm 250 hội viên Hội nhà báo Việt Nam cùng sự phát triển của các cơ quan báo chí địa phương và các cơ quan báo chí của Trung ương, của các ngành thường trú trên địa bàn đã đưa hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy, quảng bá sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh cũng như phục vụ đắc lực các nhiệm vụ chính trị, chiến lược phát triển của địa phương và đất nước...

Tại buổi giao lưu, đông đảo khán giả tham dự đã được gặp mặt, trò chuyện với những nhà báo, phóng viên của các cơ quan báo chí tại Thái Nguyên đã từng tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa và các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trực tiếp tham gia vào việc tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam; gặp gỡ những nhà báo có các tác phẩm đấu tranh chống tiêu cực xuất sắc trên địa bàn và các tác phẩm báo chí tạo nên hiệu ứng xã hội đặc biệt đối với công chúng trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, trong đêm giao lưu, những người làm báo Thái Nguyên cũng trình bày nhiều tiết mục ca múa nhạc đặc sắc ca ngợi quê hương, đất nước và nghề làm báo, giao lưu với sinh viên báo chí của Đại học Thái Nguyên...

Chương trình giao lưu đã để lại dấu ấn đậm nét về những người làm báo Thái Nguyên đối với đông đảo khán giả cũng như người dân địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục