Thảm họa tàu lặn sâu: Thử thách lớn với Tổng thống Nga

Thảm kịch cháy tàu lặn khi đang thực hiện hoạt động khảo sát quân sự trong vùng nước chủ quyền của Nga làm 14 sỹ quan cao cấp thiệt mạng là một thử thách lớn đối với Tổng thống Putin và Hải quân Nga.
Thảm họa tàu lặn sâu: Thử thách lớn với Tổng thống Nga ảnh 1Tàu ngầm Kursk của Nga. (Ảnh: AP)

Theo trang mạng abc.net.au, Bộ Quốc phòng Nga đã chính thức thừa nhận trong tuần qua vụ một trong những thiết bị lặn sâu (DSV) của họ gặp sự cố trong vùng lãnh hải của nước này.

Sự cố này dường như liên quan đến một trong những tài sản hải quân được bảo vệ nghiêm ngặt nhất của Nga - Dự án 10831 AS-31 (AS-12) Kalitka (Norsub-5), hay thường được gọi là Losharik.

Con tàu này được đặt tên theo một nhân vật hoạt hình nổi tiếng của Liên Xô vì những thông số kỹ thuật của nó - một loạt các quả cầu titan dưới thân tàu được thiết kế để chịu được áp lực nước cực lớn.

Các tàu lặn mini này được sử dụng cho nghiên cứu nước sâu, thu thập thông tin tình báo và các hoạt động đặc biệt.

Một nhiệm vụ bí mật

Theo các báo cáo mới nhất, tất cả những người bị thiệt mạng trên tàu đều trực thuộc một đơn vị hải quân bí mật đóng ở St Petersburg, chịu trách nhiệm thực hiện Dự án 18510 "các trạm nước sâu tự hành" Nel'ma (Tia X) AS-21 và AS-35 - cách gọi chính thức của Nga về các thiết bị lặn sâu này.

Tuy nhiên, thông báo về con số thương vong và cấp bậc của các sỹ quan thiệt mạng là chưa rõ ràng.

Người ta cho rằng thảm kịch xảy ra trên tàu ngầm mini AS-12, nơi phi hành đoàn ước tính có khoảng 25 sỹ quan.

Tất cả các tàu ngầm có nhiệm vụ đặc biệt được phiên chế cho Sư đoàn Tàu ngầm “nước sâu" 29 đóng tại căn cứ tàu ngầm Gadzhievo ở bán đảo Kola.

[Nga bước đầu xác định nguyên nhân vụ cháy tàu lặn sâu]

Chính thức được giao cho Hạm đội phương Bắc của Nga, Sư đoàn tàu ngầm “nước sâu” nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Tổng cục Nghiên cứu Biển sâu (GUGI) thuộc Bộ Quốc phòng Nga, chuyên giám sát các hoạt động hàng hải và hải quân bí mật, tiến hành các nhiệm vụ nghiên cứu hải dương học, thử nghiệm các hệ thống chiến đấu tiên tiến trên biển và các hoạt động đặc biệt dưới đáy biển.

Bí mật thử nghiệm thủy lôi hạt nhân?

Theo tuyên bố chính thức thì chiếc tàu lặn này đang tiến hành quét đáy biển ở một khu vực thuộc Biển Barents, song nhiệm vụ thực tế mà nó đang thực hiện có thể không phải vậy.

Có thể tàu lặn mini AS-12 đang tham gia các thử nghiệm bí mật về hệ thống chiến đấu chiến lược dưới biển (một ngư lôi hạt nhân cỡ lớn).

Nhưng vụ việc này không thể so sánh với các thảm họa trước đây liên quan đến các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga, như thảm họa tàu ngầm lớp RFS Kursk Oscar II năm 2000 hay sự cố trên tàu ngầm lớp RFS Nerpa Akula II năm 2008.

Thủy thủ đoàn gồm các sỹ quan cấp trung và cấp cao

Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc đến 7 người thiệt mạng mang hàm đại tá hải quân đã chứng minh cho điều đó.

Đại tá trong lực lượng hải quân Nga gần tương đương với Đô đốc trong Hải quân Hoàng gia Australia.

Họ được đào tạo bổ sung, nâng cao trình độ kỹ năng để thăng cấp bậc trong hệ thống phân cấp chuyên nghiệp của Lực lượng tàu ngầm Nga. Họ có đủ trình độ để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt dưới biển sâu.

Một thảm họa hạt nhân được ngăn chặn?

Người ta cho rằng vụ cháy trên tàu đã dẫn đến tình trạng nhiễm độc gây tử vong cho hơn một nửa thủy thủ đoàn - khoảng 14 trong 25 thủy thủ trên tàu - và làm bị thương nghiêm trọng khoảng 4 đến 5 người khác.

Mặc dù chưa biết điều gì đã gây ra vụ hỏa hoạn chết người này - hỏng hóc cơ học hay lỗi của con người - nhưng thực tế đã rõ: thủy thủ đoàn đã phải trả giá bằng mạng sống của mình để ngăn chặn một thảm họa môi trường lớn có thể xảy ra nếu chiếc tàu lặn mini này chìm xuống đáy đại dương hoặc phát nổ.

Phép thử cho Putin

Người ta không tin rằng chính phủ Nga sẽ công bố một báo cáo đầy đủ về những gì đã xảy ra đối với một trong những chiếc tàu ngầm bí mật nhất của nước này, vì một số lý do.

Thảm họa này sẽ là một thử thách lớn đối với Tổng thống Vladimir Putin. Ông sẽ cố gắng hết sức để tránh những chỉ trích như từng xảy đối với ông và chính phủ của ông 19 năm trước.

Chính phủ và quân đội Nga sẽ nỗ lực hết mình để dập tắt mọi câu hỏi khó về thảm kịch này trước lễ kỷ niệm ngày thành lập hải quân Nga vào cuối tháng 7 này.

Ngoài ra, mức độ bí mật xung quanh hoạt động và các khía cạnh khác của các đơn vị thuộc Sư đoàn 29 - bao gồm nguy cơ tiết lộ chi tiết về nhiệm vụ nguy hiểm chết người, các vấn đề thực hiện và thủ tục đặc biệt - có thể ngăn cản việc công khai mọi chi của vụ việc.

Tuy nhiên, điều rõ ràng là hải quân Nga đã chịu tổn thất nghiêm trọng. Trừ phi thiết bị lặn sâu liên quan đến sự cố này bị hư hỏng nghiêm trọng, đơn vị nói trên có khả năng sẽ được trang bị lại và sớm trở lại phục vụ hoạt động vì yêu cầu cấp bách.

Xét cho cùng, đơn vị tàu ngầm nước sâu duy nhất của Nga luôn đi đầu trong các chiến dịch hải quân toàn cầu bí mật của Nga chống lại NATO và các đồng minh của Mỹ trong thời bình, chứ không chỉ có thời chiến.

Tác động đối với Hải quân Nga là gì?

Mất mát về người có tác động nghiêm trọng hơn. Mất một nửa thủy thủ đoàn của một đơn vị “siêu chuyên nghiệp” chỉ có thể được so sánh với việc mất đồng thời một số lượng đáng kể phi hành gia, hoặc trong trường hợp của Nga là các nhà du hành vũ trụ.

Việc thay thế họ sẽ mất thời gian và công sức vì họ là những con người được huấn luyện đặc biệt, làm những nhiệm vụ đặc biệt.

Tuy nhiên, sự mất mát đối với gia đình họ thì không gì có thể thay thế được./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục