Thâm hụt ngân sách không đe dọa kinh tế Nga

Lần đầu tiên sau một thập kỷ, ngân sách liên bang Nga sẽ bị thâm hụt, nhưng sẽ không đe dọa sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô.
Lần đầu tiên sau một thập kỷ, ngân sách liên bang Nga sẽ bị thâm hụt, nhưng sẽ không đe dọa sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô.

Đó là tuyên bố của Thủ tướng Nga Vladimir Putin đưa ra ngày 29/9, trong Diễn đàn đầu tư mang tên "Nước Nga kêu gọi".

Ông Putin cho biết ngân sách của Nga trong năm 2009 sẽ bị thâm hụt khoảng 8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đây vẫn là ngưỡng an toàn để bảo đảm duy trì độ ổn định của nền kinh tế vĩ mô, tuy vậy Nga cũng có những nguồn lực vững chắc là các quĩ dự trữ để bù đắp khoản thâm hụt này.

Theo ông Putin, việc ngân sách Nga năm 2009 bị thâm hụt là do chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, khiến giá cả các mặt hàng xuất khẩu truyền thống (nguồn thu ngân sách chủ yếu) của nước này bị sụt giảm mạnh. Trong khi đó, Chính phủ buộc phải tăng chi tiêu để giải quyết các vấn đề gai góc của cuộc khủng hoảng gây ra và thực hiện các cam kết xã hội đối với người dân.

Hiện nợ công của Nga ở mức 10% GDP, trong đó 3,6% là nợ nước ngoài. Theo các chuyên gia, đây là mức thấp "chưa từng có" trong các nước thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8).

Bên cạnh đó, kể từ 2010, Nga dự định sẽ không ngừng cắt giảm thâm hụt ngân sách, trong đó chú trọng đến những mục tiêu có thể mang đến nguồn thu ngân sách bổ sung, đồng thời tiến hành chính sách chống lạm phát nghiêm ngặt.

Nhờ những biện pháp đồng bộ này, Chính phủ Nga hy vọng đến năm 2010, thâm hụt ngân sách sẽ giảm xuống dưới 3% GDP và lạm phát khống chế trong khoảng 5-7% so với mức 11% hiện nay.

Ngoài ra, Thủ tướng Putin cũng nhấn mạnh để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, Chính phủ Nga sẽ dần giảm sự can thiệp vào nền kinh tế và đẩy mạnh quá trình tư nhân hóa, đồng thời bày tỏ mong muốn thường xuyên đối thoại với giới doanh nhân trong và ngoài nước.

Các cuộc tiếp xúc thường xuyên như thế sẽ giúp chính phủ thấu hiểu được những khó khăn của giới doanh nhân để kịp thời đề ra các biện pháp khắc phục, đồng thời chính phủ cũng muốn tận dụng tối đa những kinh nghiệm, cơ hội và sáng kiến quí báu của giới doanh nhân để nhanh chóng hiện đại hóa nền kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục