Thanh Hóa đặt mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2030

Mục tiêu quy hoạch của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh công nghiệp, có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại...

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định 1629/QĐ-TTg.

Theo Quy hoạch, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh công nghiệp, có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại; phù hợp với tình hình thực tế, xu thế phát triển của vùng, quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Quy hoạch được lập dựa trên phương pháp tiếp cận tổng hợp, đa chiều, đa lĩnh vực, đảm bảo các yêu cầu về tính khoa học, tính phù hợp, tính thực tiễn và ứng dụng công nghệ hiện đại.

Theo đó, nội dung lập Quy hoạch gồm phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh Thanh Hóa; xác định, lựa chọn phương án phát triển, phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn và phương án tổ chức hoạt động kinh tế-xã hội; phương hướng phát huy tiềm năng, lợi thế, đặc thù của tỉnh.

[Thanh Hóa: Phát triển du lịch cộng đồng-tâm linh ở huyện Thường Xuân]

Về các nội dung trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu định hướng phát triển, sắp xếp không gian, phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế-xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên.

Thanh Hóa đặt mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2030 ảnh 1Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng phát biểu kết luận tại hội nghị. (Nguồn: thanhhoa.gov)

Đồng thời phải đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện, định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.

Xây dựng, cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm công bằng xã hội, an sinh xã hội, chú trọng thúc đẩy phát triển các khu vực có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn và bảo đảm sinh kế biền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; phân bổ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử-văn hóa, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 10 vừa qua, các đại biểu thảo luận và đóng góp ý kiến vào tình hình phát triển kinh tế-xã hội tháng 10, nhiệm vụ trọng tâm tháng 11 này; báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch giai đoạn 2021-2025; Đề án thực hiện thí điểm tự chủ một số trường trung học phổ thông công lập tỉnh Thanh Hóa và nhiều nội dung quan trọng khác.

Phiên họp cũng dành nhiều thời gian để thảo luận và cho ý kiến vào Dự thảo lần 1 báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

Cùng với việc cho ý kiến tập trung đánh giá những kết quả nổi bật đạt được, những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, các đại biểu cũng đề xuất thêm nhiều giải pháp để thực hiện thắng lợi những mục tiêu chủ yêu giai đoạn 2021-2025.

Về phương hướng, mục tiêu chủ yếu giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Đình Xứng yêu cầu xây dựng các nhóm giải pháp như tập trung vào giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn; tập trung cải thiện, tạo sức hấp dẫn về môi trường đầu tư kinh doanh.

Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu triển khai có hiệu quả các dự án kết cấu hạ tầng; nghiên cứu, đổi mới nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ; nâng cao các hoạt động văn hóa-xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên môi trường, an toàn thực phẩm; tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy; tăng cường, củng cố quốc phòng-an ninh, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế-xã hội…

Tại phiên họp các đại biểu đều khẳng định tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm nay tiếp tục có bước phát triển; sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ, giá trị sản xuất tháng 10 ước đạt 10.763 tỷ đồng; tính chung 10 tháng ước đạt 103.934 tỷ đồng, tăng 41,3% so với cùng kỳ.

Các ngành dịch vụ duy trì mức tăng trưởng khá, tính chung 10 tháng ước đón 9,37 triệu lượt khách, tăng 22,4% so với cùng kỳ, bằng 98,7% kế hoạch.

Thu ngân sách Nhà nước đạt kết quả tích cực, bằng 84% dự toán và tăng 38% so với cùng kỳ. Công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư và hợp tác quốc tế đạt được kết quả quan trọng.

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội được chú trọng; đời sống của nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,27%, giảm 2,57% so với cuối năm 2018, đạt kế hoạch.

Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, cải cách hành chính, thi đua khen thưởng được quan tâm thực hiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục