Thanh Hóa: Hiệu quả cao từ trồng cây dược liệu quý sâm Báo

Nhờ trồng cây dược liệu quý sâm Báo, nhiều hộ dân ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa có thu nhập cao từ 60-300 triệu đồng/năm, cá biệt có hộ thu nhập từ 600-700 triệu đồng/năm.
Thanh Hóa: Hiệu quả cao từ trồng cây dược liệu quý sâm Báo ảnh 1Hoa sâm Báo. (Nguồn: baothanhhoa.vn)

Những ngày này, người dân trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa đang tập trung gieo trồng, chăm sóc cây sâm Báo, đây là loài dược liệu quý, củ của cây có công dụng trị ho, sốt, suy nhược cơ thể và nhiều loại bệnh khác.

Nhờ trồng loại cây này, nhiều hộ dân đã có việc làm ổn định với thu nhập từ 50 triệu đồng/sào/năm, các sản phẩm được chế biến từ củ sâm Báo như trà, rượu, siro, càphê sâm Báo luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và được nhiều người ưa chuộng.

Sâm Báo là cây dược liệu quý đã có từ lâu, loài cây này được người dân trồng từ năm 1.400, thời vua Hồ và chúa Trịnh thuộc làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng.

Cây thường mọc bò dưới đất hoặc cao 60-70 cm, thân màu xanh, củ và dễ cây chứa nhiều chất quý có tác dụng chữa các bệnh như trị ho, sốt, suy nhược cơ thể, tăng sức đề kháng, hạt cây màu đen dùng để làm giống.

Nhận thấy sâm Báo có tiềm năng phát triển thành nguồn dược liệu quý, mang lại giá trị kinh tế cao cho ngành nông nghiệp, y dược và là đặc sản nổi tiếng của xứ Thanh, huyện Vĩnh Lộc đã vận động người dân trồng loại cây này để nâng cao thu nhập, đồng thời hỗ trợ người dân chuyển giao khoa học kĩ thuật mới trong sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Nhờ đó, nhiều hộ dân trồng loại cây này có thu nhập cao từ 60-300 triệu, có hộ thu nhập từ 600-700 triệu đồng/năm, sản phẩm củ sâm bán với giá dao động từ 500-1,2 triệu đồng/kg, sản phẩm được bán ở các tỉnh, thành phố Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng…

[Lào Cai: Cây cải xoăn Kale cho hiệu quả kinh tế cao ở đất Bắc Hà]

Bà Hoàng Thị Thoa ở xóm Đoài, xã Vĩnh Hùng cho hay trước kia gia đình bà trồng mía, lúa nhưng không hiệu quả, cuộc sống luôn khó khăn. Vì vậy, trong 2 năm qua, bà Thoa đã chuyển đổi sang trồng cây sâm Báo để kiếm thêm thu nhập. Theo bà, đây là loại cây trồng khó, phải chăm sóc, bón phân và tỉa cành cẩn thận, đúng thời điểm cây với phát triển được, thông thường cây được trồng vào tháng 2-4 và thu hoạch từ tháng 10 hoặc tháng 12 hàng năm.

Hiện nay, gia đình bà Thoa đã trồng được 5 sào cây sâm Báo. Theo bà Thoa, sản phẩm được các tiểu thương và người dân trong và ngoài tỉnh đến mua với giá từ 800.000-1,2 triệu đồng/kg, thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm.

Theo ông Hoàng Đạt Thành, xã Vĩnh Hùng, ngày trước, gia đình ông thường trồng cây sâm Báo trên núi. Đến năm 2019, sau khi được chính quyền địa phương tư vấn, hỗ trợ chuyển giao khoa học kĩ thuật trong sản xuất, ông quyết định trồng cây sâm Báo trên đất vườn của gia đình.

Thanh Hóa: Hiệu quả cao từ trồng cây dược liệu quý sâm Báo ảnh 2Cây sâm Báo. (Nguồn: baothanhhoa.vn)

Nhờ nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên cây phát triển tốt, một năm thu hoạch 300kg củ sâm Báo, 70kg hạt sâm Báo, thu nhập hơn 100 triệu/năm.

Ông Lê Văn Cường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Hùng cho biết những năm gần đây, nhận thức được tầm quan trọng, cũng như lợi nhuận từ việc trồng loài cây này, người dân trong xã đã mang cây từ trên núi xuống trồng.

Hiện xã có 30 hộ dân đang trồng cây sâm Báo với diện tích gần 10ha, người dân thường chế biến cây sâm Báo thành hai loại sản phẩm là sản phẩm sâm sau khô và sâm Báo ngâm rượu để bán ra thị trường.

Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Lộc, địa bàn có khoảng 100 hộ dân trồng cây sâm Báo với diện tích khoảng 31ha chủ yếu ở các xã gồm xã Vĩnh Hùng, xã Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hưng. Nhiều hộ sau khi thấy trồng lúa, ngô, mía không có hiệu quả nên chuyển sang trồng loài cây sâm Báo. Đặc biệt, từ củ sâm Báo có thể sản xuất ra cafe, trà, rượu, siro sâm Báo rất bổ dưỡng cho cơ thể.

Bên cạnh đó, năm 2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất sâm Báo gắn với chuỗi giá trị tại huyện Vĩnh Lộc và giao Công ty cổ phần Dược liệu Triệu Sơn thực hiện.

Đến nay, dự án đã xây dựng được mô hình sản xuất hạt giống sâm Báo quy mô 1 ha tại xã Vĩnh Hùng, xây dựng mô hình trồng sâm Báo thương phẩm 10 ha, sản xuất 25.000 lít rượu sâm Báo theo quy trình ngâm ủ tách chiết trong 6 tháng.

Theo ông Vũ Hùng Thanh, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ Tầng huyện Vĩnh Lộc, nhờ trồng cây sâm Báo, nhiều hộ dân trên địa bàn có doanh thu ổn định, sản phẩm này đã được bán trên thị trường và được nhiều người ưa chuộng.

Năm 2022, huyện Vĩnh Lộc dự kiến trồng được 31ha diện tích cây sâm Báo, phấn đấu đến năm 2025, xây dựng vùng trồng Sâm Báo với tổng diện tích là 200ha. Qua đó, tạo thêm được việc làm cho người dân từ việc trồng cây sâm Báo, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại đia phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục