Thanh Hóa khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai

Thanh Hóa hiện vẫn đang tích cực triển khai đối phó với mưa lũ xảy ra trong thời gian ngắn gây ra nhiều thiệt hại trên diện rộng.
Sáng 10/9, theo báo cáo của tỉnh Thanh Hóa, việc triển khai đối phó với mưa lũ của các địa phương rất quyết liệt và đồng bộ. Tuy nhiên, lượng mưa lớn, lại xảy ra trong thời gian ngắn đã gây ra nhiều thiệt hại trên diện rộng.

Nhiều hồ đập, nhiều tuyến đê bao, đê bối bị vỡ, tràn bờ làm mực nước ở các khu vực hạ lưu lên nhanh khiến nhiều địa phương ở Thanh Hóa vẫn bị ngập lụt, chia cắt. Đến sáng 10/9, khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt lũ lụt vừa qua là ba xã Quảng Phú, Xuân Châu, Thọ Lập của huyện Thọ Xuân.

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa và huyện Thọ Xuân đã nhanh chóng huy động lực lượng bộ đội, công an, thanh niên giúp đỡ hơn 9.000 người dân vận chuyển đồ đạc, vật nuôi di dời đến nơi an toàn. Tuy nhiên, huyện Thọ Xuân vẫn còn 1.271 hộ bị ngập với trên 6.000 nhân khẩu, bị cô lập trong nước lũ, trong đó có 674 hộ của xã Quảng Phú đang sống chung với nước lũ, điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn, thiếu thốn.

Ông Lê Văn Biền - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thọ Xuân cho biết, mực nước tại xã Quảng Phú hiện đã rút được khoảng một mét nước. Huyện đã huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện tập trung ứng cứu vùng bị lũ lụt này. 800 thùng mỳ tôm cùng 500 thùng nước sạch đã chuyển đến các hộ dân. Chính quyền huyện và xã đang khẩn trương thống kê những hộ khó khăn, đứt bữa... để có chính sách hỗ trợ kịp thời về lương thực trong ba tháng tiếp theo.

Tính đến sáng 10/9, Thanh Hóa đã có 9 người chết, 2 người mất tích và 12 người bị thương do mưa lũ; 135 nhà bị sập hoàn toàn hoặc bị cuốn trôi; gần 6.000 ngôi nhà bị ngập trong nước lũ; hơn 18.000 ha lúa bị ngập, trong đó có 9.600 ha có khả năng bị mất trắng. Ngoài ra, hơn 600m đê bao, đê bối ở huyện Thọ Xuân, huyện Triệu Sơn bị vỡ; 3km đê bao, đê bối ở huyện Thọ Xuân, Yên Định, Triệu Sơn bị tràn.

Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị ngập, gây ách tắc giao thông, đặc biệt là các tuyến đường huyết mạch khu vực miền núi như quốc lộ 217, quốc lộ 15, quốc lộ 45, đường Hồ Chí Minh... Đến thời điểm hiện tại, địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn có 16 tuyến đường liên xã, huyện vẫn bị ngập và bị ách tắc, 34 hồ đập và 600m đê bị tràn vỡ, cần phải mất nhiều ngày để khắc phục hậu quả.

Tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi, các công ty, xí nghiệp thủy nông khẩn trương tiến hành công tác tiêu úng, tranh thủ mực nước sông đang thấp để mở tất cả các cống tiêu tự chảy, tiêu động lực tại những khu vực ngập úng cục bộ; xử lý các sự cố trên đê; tập trung hỗ trợ có hiệu quả các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản; khắc phục hư hỏng về hạ tầng giao thông, thủy lợi; tập trung chỉ đạo khôi phục sản xuất, tích cực phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa mùa, khi lúa chín 80% trở lên tập trung lao động, phương tiện để thu hoạch nhanh, gọn...

Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương khắc phục nhanh nhất các hậu quả về môi trường và phòng trừ dịch bệnh. Ngành y tế, tài nguyên môi trường đã thành lập các tổ công tác phối hợp với các địa phương bị ngập lụt để xử lý vệ sinh môi trường và phòng trừ dịch bệnh, không để môi trường ô nhiễm và dịch bệnh lây lan, đồng thời đề xuất với các bộ, ngành Trung ương xin hỗ trợ hóa chất, thuốc men phục vụ công tác vệ sinh môi trường và phòng trừ dịch bệnh.

Trong ngày 9-10/9, nhiều đoàn cứu trợ của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã về các địa phương bị ảnh hưởng trận lũ vừa qua để thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình bị ảnh hưởng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục