Thanh Hóa mua 1.000 tấn gạo cứu đói cho nhân dân vùng lũ

Thanh Hóa triển khai giải pháp ổn định đời sống người dân vùng lũ

Tỉnh Thanh Hóa ứng trước kinh phí để mua 1.000 tấn gạo cứu đói kịp thời cho nhân dân vùng lũ; xử lý môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau lũ; hỗ trợ kinh phí xây nhà ở cho các hộ bị mất nhà.
Thanh Hóa triển khai giải pháp ổn định đời sống người dân vùng lũ ảnh 1Lực lượng công an và bộ đội tỉnh Thanh Hóa giúp người dân bản Poọng, huyện Mường Lát mở đường, dựng nhà, sớm ổn định cuộc sống. (Ảnh: Quyết Đạt/TTXVN)

Tỉnh Thanh Hóa ứng trước kinh phí để mua ngay 1.000 tấn gạo cứu đói kịp thời cho nhân dân vùng lũ; xử lý môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau lũ; hỗ trợ kinh phí xây nhà ở cho các hộ bị mất nhà, hoàn thành trước ngày 25/1/2019; xây mới, sửa chữa trường học xong trước học kỳ 1 năm học 2018-2019.

Đây là những nhiệm vụ cấp bách được nêu tại Hội nghị "Triển khai chủ trương, giải pháp và cơ chế, chính sách nhằm nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân vùng lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa."

Hội nghị do Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức tại huyện miền núi Quan Hóa (Thanh Hóa) vào ngày 13/9.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến khẳng định, nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm của tỉnh hiện nay là khắc phục sự cố mưa lũ, sạt lở, lũ ống, lũ quét ở các huyện Mường Lát, Quan Hóa.

Những hộ dân bị mất nhà hoặc nhà bị hư hỏng nặng sẽ được tỉnh hỗ trợ để có nhà mới kịp đón Tết Nguyên đán.

[Quyên góp hơn 5 tỷ đồng giúp đỡ bà con vùng lũ ở tỉnh Thanh Hóa]

Ngành Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa cần phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương khắc phục nhanh các tuyến đường bị hư hỏng, sạt lở do thiên tai, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu, đặt mục tiêu đến ngày 25/9 phải thông xe các tuyến huyện lộ và đến ngày 30/9 phải thông xe các tuyến tỉnh lộ.

Đối với tuyến đường xã, bản, các huyện sẽ hỗ trợ và huy động nguồn lực từ nhân dân, ngày công và các lực lượng khác để sớm thông đường trở lại.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, tỉnh Thanh Hóa bị thiệt hại nặng nề, đặc biệt tại huyện Mường Lát và Quan Hóa còn xảy ra lũ ống, lũ quét.

Trước những thiệt hại này, tỉnh Thanh Hóa đề ra nhiều việc làm cấp bách trước mắt là sẽ ứng trước kinh phí để mua ngay 1.000 tấn gạo cứu đói kịp thời cho nhân dân vùng lũ, tuyệt đối không để người dân bị đói, rét.

Các cấp, các ngành, địa phương hỗ trợ người dân giống cây trồng để khôi phục sản xuất gồm 500 tấn khoai tây giống, 80 tấn hạt ngô giống, 25 tấn hạt giống rau, đậu các loại.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cũng tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện để tìm kiếm những người còn mất tích do lũ cuốn trôi.

Về công tác xử lý vệ sinh môi trường sau lũ, tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Trung ương hỗ trợ 110 cơ số thuốc y tế, 20 tấn Cloramin B, 10 tấn phèn chua, 4.500 lít hóa chất Permethrin, 3.000 lít hóa chất Enchoice, 4 tấn hóa chất sát trùng... nhằm thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ.

Do ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, tỉnh Thanh Hóa có trên 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng, tỉnh kiến nghị được hỗ trợ 102,4 tỷ đồng để sớm triển khai việc xây dựng lại nhà ở cho trên 1.000 hộ bị thiệt hại.

Theo đó, đối với các hộ có nhà bị sập, nhà bị lũ cuốn trôi, thiếu lương thực, tỉnh Thanh Hóa sẽ phối hợp với Trung ương để hỗ trợ 75 triệu đồng/hộ và 15 kg gạo/người trong vòng 3 tháng.

Đối với các hộ trong diện phải di dời khẩn cấp để đảm bảo an toàn được hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ. Việc xây nhà ở cho các hộ này phải hoàn thành trước ngày 25/1/2019 để người dân kịp có nhà mới vào dịp Tết Nguyên đán.

Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tỉnh Thanh Hóa đề xuất được hỗ trợ trên 140 tỷ đồng để sửa chữa các trường, lớp học, mua sắm các trang thiết bị dạy học, đồ dùng học tập bị mưa lũ cuốn trôi. Đối với các trường bị sập phải đầu tư xây mới, tỉnh sẽ bố trí kinh phí cùng ngân sách Trung ương hỗ trợ xây mới trường học.

Đối với các trường bị hư hỏng, các huyện chủ động huy động nguồn lực tại chỗ để khắc phục, sửa chữa. Việc xây mới, sửa chữa các trường học này phải hoàn thành ngay sau khi kết thúc học kỳ I năm học 2018-2019.

Về giao thông, tỉnh Thanh Hóa kiến nghị được hỗ trợ 620 tỷ đồng để sửa chữa các tuyến đường bị hư hỏng, sạt lở. Đối với các tuyến Quốc lộ cần được sửa chữa, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị để khắc phục.

Với các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ bị hư hỏng, Thanh Hóa sẽ xem xét hỗ trợ để khôi phục các tuyến đường.

Theo lãnh đạo huyện Mường Lát, trong đợt mưa lũ vừa qua, Mường Lát là huyện bị thiệt hại nặng nề nhất ở tỉnh Thanh Hóa với tổng thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng.

Đối với các hộ có nhà bị sập hoàn toàn huyện bố trí cho người dân đến ở tập trung tại các doanh trại bộ đội hoặc ở xen ghép tại các nhà dân, làng xóm, họ hàng. Với các trường học bị hư hại, trước mắt huyện cho học sinh học ghép với các điểm trường ở lân cận, hoặc mượn nhà dân để làm phòng học.

Mưa lũ tại Thanh Hóa cũng làm 10 người chết, 2 người mất tích, 247 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 396 hộ dân phải di dời khẩn cấp, 43 điểm trường bị ảnh hưởng.

Về sản xuất nông nghiệp, trên 3.500ha lúa, 581ha hoa màu, rau, 2.732ha cây trồng bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 3.000 con gia súc, trên 117.580 con gia cầm bị chết.

Về giao thông, các tuyến Quốc lộ 15, 15C, 16, 217 và các tuyến tỉnh lộ, đường tuần tra biên giới bị hư hỏng, sạt lở; 11 cầu bị hư hỏng. Về thủy lợi, gần 2.500 m đê bao, đê bối bị nứt, sạt; gần 50.000 m kênh mương nội đồng bị sạt lở, 38 đập thủy lợi bị sạt, hư hỏng...

Tổng thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua gây ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là gần 1.900 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục